Theo VietNamNet, vừa qua một số phụ huynh có con đang theo học tại Trường THCS - THPT Đông Du (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) phản ánh, cứ mỗi sáng, trường bố trí một dãy bàn sau cổng chính với nhiều bảo vệ, giám thị, giáo viên. Học sinh trước khi bước vào lớp phải đưa cặp để thầy cô kiểm tra. Mục đích việc này là để xem học sinh có mang vật cấm như dao, kéo, thuốc lá… vào trường hay không.
Sau khi kiểm tra cặp, giáo viên hoặc giám thị tiếp tục yêu cầu học sinh phải đưa hai tay ngang vai để kiểm tra túi áo khoác và dùng máy quét an ninh quét lên người học sinh. Học sinh nào không mang vật cấm sẽ được vào lớp, nếu học sinh có mang theo vật cấm sẽ bị giữ đồ và xử lý.
Giải thích về việc làm trên, lãnh đạo nhà trường cho biết việc làm trên là bình thường. Mục đích để nhà trường bảo vệ an toàn cho học sinh. Ngoài kiểm tra cặp sách, nam sinh sẽ được soát người bằng tay. Đối với nữ sinh, để tránh nhạy cảm, cô giáo sẽ dùng cây rà kim loại để kiểm tra chứ không đụng chạm vào thân thể.
Học sinh Trường THCS - THPT Đông Du xếp hàng chờ kiểm tra trước khi vào lớp. Ảnh: Tuổi Trẻ
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Đỗ Tường Hiệp - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk chiều 5/10 cho biết đã yêu cầu Trường THCS - THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để chấn chỉnh, yêu cầu dừng dừng ngay việc lục cặp, soát người học sinh vì thực tế không ngăn được bạo lực học đường.
Ông Hiệp nhận định rằng trong bối cảnh mà bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc, nhà trường cần có những biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh. Vậy nên, mục đích của Trường THCS - THPT Đông Du là tốt nhưng cách tiếp cận chưa đúng.
“Nếu như thầy cô, nhà trường nghi ngờ một em nào đó nên mời lên hội trường để nhắc nhở, cho các em tự giao nộp, sửa chữa. Cái quan trọng của nhà trường là phải giáo dục để học sinh tự giác”, theo ông Hiệp.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đồng thời cho rằng đây cũng là bài học ở trường này và ở nhiều trường khác trong việc hướng đến một nền giáo dục an toàn, thân thiện để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc.
Việc đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng phải thực hiện đúng luật, đúng điều lệ và đảm bảo quyền lợi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em. Phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử lành mạnh, an toàn và quy định nội quy của nhà trường phải rõ ràng đến từng học sinh và cả phụ huynh để phối hợp trong việc giáo dục.
Phương Uyên (T/h)