Từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2 (giờ địa phương), nhiều nhân viên ngoại giao các nước đã di chuyển nơi làm việc từ thủ đô Kyiv đến thành phố Lviv ở phía Tây Ukraine, trong khi một số người được sơ tán sang các nước láng giềng để đề phòng nguy cơ xung đột.
Tuy nhiên, 1 tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, tại Đại sứ quán Ba Lan ở thủ đô Kyiv, đại sứ Bartosz Cichocki vẫn đang tiếp tục làm việc. Ông chia sẻ: "Trong 1 tuần qua, tôi đã phải làm việc 24/7".
Mặc bộ trang phục giản dị, đại sứ Bartosz Cichocki đã mời những vị khách tới thăm mình một ly rượu whisky và thuốc lá trong phòng họp tại đại sứ quán, một tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại của Liên Xô ở trung tâm Kyiv. Ông là đại sứ Liên minh châu Âu (EU) duy nhất tiếp tục ở lại thủ đô và là một trong số ít các nhà ngoại giao phương Tây ở bất kỳ cấp bậc nào còn lại ở Kyiv.
Đại sứ Ba Lan tại Ukraine Bartosz Cichocki. Ảnh: TASS
Khi được hỏi về việc xuống hầm trú ẩn, ông Cichocki chỉ bình thản nói: "Tại sao? Mọi người đều ngủ trên giường. Vì sao tôi lại xuống tầng hầm cơ chứ?"
Một phần lớn người dân đã rời khỏi Kyiv bằng tàu hỏa và ô tô, hướng về phần phía tây an toàn hơn của đất nước hoặc qua biên giới để đến Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania hoặc Moldova. Trong đó, Ba Lan đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người Ukraine, đây được xem là một nỗ lực xã hội dân sự to lớn được triển khai để giúp họ tái định cư tại đất nước này.
Truyền thông thế giới nhận định, trong trường hợp xung đột tiếp tục leo thang, sẽ có thêm nhiều người Ukraine phải tìm đường sang nước ngoài tị nạn. Nhận xét về tình hình này, ông Cichocki cho biết ông không phải một nhà hoạch định chính sách nhưng ông sẽ ngạc nhiên nếu Ba Lan từ chối tiếp nhận người Ukraine tị nạn.
Ông chia sẻ: "Tôi không nghĩ việc này bị giới hạn. Tôi không cho rằng Ba Lan sẽ đóng cửa biên giới".
Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều người đã chỉ ra sự khác biệt trong thái độ của các nước châu Âu đối với làn sóng tị nạn từ Trung Đông và những người tị nạn Ukraine. Được biết, cuối năm 2021, tình hình căng thẳng đã gia tăng ở khu vực biên giới Ba Lan - Belarus vì làn sóng người di cư đến từ Trung Đông.
Khi ấy, Ba Lan đã phải xây dựng một hàng rào biên giới để ngăn dòng người tị nạn muốn tìm đường vào EU thông qua Belarus và cáo buộc chính phủ Minsk cố ý gây ra khủng hoảng này. Tuy nhiên, phía Minsk đã phủ nhận các cáo buộc.
Lên tiếng về sự khác biệt đối với 2 dòng người tị nạn, đại sứ Ba Lan cho biết: "Những người tị nạn Ukraine là những người tị nạn thật sự trong khi làn sóng tị nạn trên là một hiện tượng nhân tạo. Nói đúng hơn thì nó giống như du lịch tị nạn".
Chia sẻ về lý do quyết định "cố thủ" ở Kyiv trong khi nhiều nhà ngoại giao phương Tây khác đã sơ tán tới những nơi ít nguy cơ xung đột hơn, ông Cichocki nói rằng có rất nhiều nhiệm vụ chỉ có thể được thực hiện được tại đây. Ngoài ra, ông nhấn mạnh lý do quan trọng nhất khi ông quyết định ở lại Kyiv vì đây là hành động mang tính biểu tượng.
Ông nhận xét: "Tôi cho rằng ngày nay điều mà chúng ta có thể tạo ảnh hưởng là về mặt tinh thần. Họ có vũ khí, họ có thức ăn, họ có mọi thứ nhưng tôi nghĩ rằng việc rời bỏ họ lúc này sẽ khiến tinh thần họ bị giảm sút".
Trao đổi với báo chí, ông Cichocki cũng đã nói về các kế hoạch dự phòng của riêng mình, nhấn mạnh rằng miễn là chính phủ dân cử của Ukraine vẫn còn duy trì, ông sẽ vẫn ở Kyiv, mô tả thành phố là "không thể nào vượt qua được". Ngoài ra, ông Cichock nói thêm nếu Bộ Ngoại giao Ba Lan yêu cầu, ông cũng sẽ rời đi nhưng ông không cho rằng khả năng này sẽ xảy ra.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)