Các giáo viên tại một trường mẫu giáo ở thành phố Tân Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) bị tố cáo cho học sinh uống siro gây nghiện chứa các thành phần như phenobarbital và benzodiazepine. Chuyên gia đã cảnh báo rằng đây là những loại thuốc được quản lý và cũng là chất gây nghiện cấp độ 3, việc sử dụng quá liều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Những đứa trẻ bị hại đã tiết lộ rằng khi không nghe lời, cô giáo sẽ đưa cho các em uống một loại thuốc gọi là "thuốc cầu vồng". Nếu không chịu uống, các em sẽ bị giam trong nhà vệ sinh. Trong số 28 trẻ em, có 8 bé phản ứng nhẹ như la hét mất kiểm soát, thực hiện các hành vi tự làm hại bản thân, giật tóc, đập đầu vào tường. Hiện đã có 17 phụ huynh đệ đơn kiện.
Theo tìm hiểu, Phenobarbital là một chất ức chế hệ thần kinh trung ương, là loại thuốc kê đơn và được xếp loại là chất gây nghiện cấp độ 3, được sử dụng chữa động kinh, chống co giật. Sử dụng quá liều có thể gây buồn ngủ, liều cao có thể ức chế hô hấp và gây nguy hiểm đến tính mạng. Còn Benzodiazepine là một loại thuốc an thần phổ biến, cũng là chất ức chế hệ thần kinh trung ương và thuộc loại chất gây nghiện cấp độ 4.
Theo Chinatimes, bác sĩ nhi khoa Dương Vi Kiệt đã đề cập đến vấn đề này, anh cho biết trước đây đã nghe nói về việc một số bảo mẫu, người giữ trẻ sử dụng Phenobarbital để dễ chăm sóc trẻ hơn. Tuy nhiên, anh chưa từng gặp trường hợp như vậy, không ngờ rằng giờ đây nó đã trở thành sự thực, khiến anh cảm thấy kinh sợ và đau lòng. Bác sĩ Dương cảnh báo rằng nếu gặp trường hợp yêu cầu trẻ phải dùng thuốc trong thời gian dài để dễ chăm sóc hơn, thì cần phải cực kỳ thận trọng.
Cuộc điều tra diễn ra trong nhiều tuần nhưng lực lượng cảnh sát vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân những đứa trẻ được nhà trường cho dùng loại siro gây nghiện này. Vụ bê bối đã làm dấy lên các cuộc biểu tình của các gia đình bên ngoài các tòa nhà chính phủ.
Hôm 18/6, hàng trăm người đã tham gia một cuộc biểu tình bên ngoài các tòa nhà của chính quyền địa phương ở thành phố Đài Bắc, kêu gọi cảnh sát phải công khai minh bạch kết quả cuộc điều tra. Nhiều người cũng chỉ trích chính quyền vì không công khai thông tin vụ việc.
Hiệu trưởng và năm giáo viên đã bị cảnh sát bắt giữ và thẩm vấn nhưng sau đó đã được tại ngoại. Ảnh: Chinatimes.
Theo BCC, vụ việc lần đầu tiên được phơi bày vào tháng 5, khi một phụ huynh tố cáo nhân viên trường mầm non cho con uống một loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Mike, phụ huynh một bé 5 tuổi, nói với BBC rằng trong dịp tết Nguyên đán, nhiều phụ huynh nhận thấy con mình có những triệu chứng giống hội chứng cai nghiện benzodiazepine. Đây là triệu chứng ở những người từng sử dụng benzodiazepine và sau đó vật vã vì thiếu thuốc.
"Phụ huynh thấy các con trở nên cáu kỉnh, bồn chồn và hay la hét khi ngủ. Thậm chí, các con quấy khóc vì bị chuột rút ở chân", Mike kể lại, đồng thời cho biết nói chuyện với con, phụ huynh mới biết con được cho uống thuốc lạ ở trường.
Sau khi biết chuyện, phụ huynh đã nộp đơn khiếu nại lên nhà trường và chính quyền địa phương. Vào đầu tháng 6, chính quyền địa phương mở cuộc điều tra, phát hiện ít nhất 8 trẻ có một lượng nhỏ phenobarbital và benzodiazepine trong cơ thể.
Trường mẫu giáo này đã được lệnh đóng cửa vào ngày 12/6. Lãnh đạo trường đã bị phạt 150.000 Đài tệ (gần 5.000 USD). Hiệu trưởng và năm giáo viên đã bị cảnh sát bắt giữ và thẩm vấn nhưng sau đó đã được tại ngoại. Một cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành.
Truyền thông địa phương thông tin thêm rằng các nhân viên nhà trường nói phụ huynh đã đồng ý với danh sách thuốc do nhà trường cung cấp. Tuy nhiên, một số phụ huynh từng đặt nghi vấn về các loại thuốc mà trường cho trẻ sử dụng.
Vào thời điểm vụ việc ở Tân Bắc chưa sáng tỏ, ngày 19/6, Sở Y tế thành phố Cao Hùng phát hiện 4 bác sĩ tại một cơ sở y tế đã cho khoảng 20 trẻ em sử dụng phenobarbital không đúng cách. 4 người này bị yêu cầu đình chỉ hành nghề trong 6 tháng và phạt 1,4 triệu tân Đài tệ (tương đương 46.100 USD).
Trong bối cảnh người dân ngày càng lo ngại về việc cho trẻ dùng thuốc gây nghiện, Bệnh viện Thành phố Đài Bắc cũng đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm máu miễn phí cho trẻ mẫu giáo để kiểm tra dấu vết của những loại thuốc này.
Như Quỳnh (T/h)