Theo thông tin từ VTC News, chiều 14/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng cho biết, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã điều động 433 cán bộ chiến sĩ (CBCS) ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt.
Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng đã điều động 200 lượt CBCS hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển, các điểm sạt lở đường đèo Hải Vân. Công an TP.Đà Nẵng cũng huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ.
Qua đó, lực lượng chức năng đã hỗ trợ sơ tán dân, di dời tài sản tại đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái, ứng cứu người dân tại các khu vực ngập sâu.
Theo báo cáo nhanh, toàn TP.Đà Nẵng đã có 11 vị trí ngập từ 1m trở lên. Cụ thể là 5 vị trí tại phường Hòa Minh, 6 vị trí tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu); tại huyện Hòa Vang có 381 hộ bị ngập.
Tính đến 9h30 ngày 14/10, có 3.763 người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nhiều nhất với 3.190 người được sơ tán.
Theo VOV, ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng cho biết, nhiều hệ thống thoát nước trên địa bàn quận bị tê liệt, quá tải, không đáp ứng năng lực thoát nước. Hiện nay, phường Hòa Khánh Bắc chưa có hệ thống thoát nước, đường số 4 tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh biến thành kênh thoát nước, tạo thành dòng chảy mạnh, gây xói lở.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu đề nghị thành phố đánh giá lại hiện trạng cống thoát nước và có giải pháp chống ngập khẩn cấp: "Đề nghị đánh giá lại hệ thống thoát nước và có hướng quy hoạch đầu tư. Với tình hình như mưa còn kéo dài thì nguy cơ ngập còn cao. Tối nay và ngày mai còn ngập nặng. Nếu xảy ra ngập tương tự như đợt mưa năm ngoái đề nghị tăng cường thêm lực lượng vũ trang cho quận.”
Đà Nẵng sơ tán hơn 4.000 người tránh lũ, nhiều tuyến đường ở Quảng Nam nhiều bị chia cắt. Ảnh: Báo CAND.
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến quốc lộ qua địa phận Đà Nẵng ngập sâu, giao thông chia cắt và lực lượng CSGT phải phong tỏa đường lên bán đảo Sơn Trà vì sạt lở đá. Đến trưa 14/10, tại TP Đà Nẵng vẫn xuất hiện mưa lớn, nhiều khu vực ngập sâu, giao thông chia cắt.
Một số điểm trên đường Quốc lộ (QL) 14B, 14G và Quốc lộ 1A đã bị ngập cục bộ. Lực lượng CSGT Công an TP.Đà Nẵng đã dầm mưa chốt chặn, điều tiết, hướng dẫn phương tiện di chuyển theo hướng khác tránh đi vào vùng nguy hiểm.
Trung tá Nguyễn Đình Trung, Trạm trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng) cho biết: "Trước tình hình ngập như trên, trạm đã bố trí cán bộ hướng dẫn người dân qua vùng ngập nước bằng cách đi các tuyến đường khác ngập ít hơn".
Dự báo từ chiều tối ngày 14/10 đến sáng ngày 16/10, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400mm, có nơi trên 500mm. Lượng mưa còn kéo dài đến ngày 17/10.
Đà Nẵng sơ tán hơn 4.000 người tránh lũ, nhiều tuyến đường ở Quảng Nam nhiều bị chia cắt. Ảnh: Báo CAND.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương và người dân không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa mới còn kéo dài. Hiện nay, các điểm ngập, nước rút chậm, nếu còn mưa sẽ tiếp tục ngập thêm và phát sinh nhiều điểm ngập.
Đại tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đề nghị các quận, huyện rà soát, xác định vị trí các điểm xung yếu cần hỗ trợ. Bộ đội sẽ chủ động đưa ca nô và xuồng cao su đến trước 17h ngày 14/10 để ứng cứu người dân bị ngập vào ban đêm, tránh bị động bất ngờ.
Về thiệt hại, ghi nhận ban đầu có 9,5ha rau màu bị ngập, 2 điểm sạt lở tại Km905 đường đèo Hải Vân và đường lên bán đảo Sơn Trà.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, mưa lớn khiến nhiều tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ chìm trong biển nước. Cụ thể, Quốc lộ 14H qua địa bàn phường Cẩm Châu, TP.Hội An và 2 xã Duy Sơn, Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) bị ngập sâu từ 0,3 đến 0,7m khiến phương tiện đi lại khó khăn. Tỉnh lộ 603B, nước ngập sâu 0,3m tại Km3+200, Km5+100, Km7+260 thuộc địa phận phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.
Ngoài ra, tối 13/10, Tỉnh lộ 611 từ huyện Quế Sơn lên huyện Nông Sơn bị chia cắt do sạt lở taluy dương đoạn qua đèo Le, thuộc địa phận xã Quế Long, huyện Quế Sơn. Ngay trong đêm, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam đã cử lực lượng giăng dây cảnh báo, chốt chặn khu vực sạt lở.
Do trời tối, mưa lớn nên việc tiếp cận hiện trường để thông đường gặp rất nhiều khó khăn. Đến sáng 14/10, Tỉnh lộ 611 mới thông xe bước 1.
Như Quỳnh (T/h)