Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đà Nẵng lần đầu tăng trưởng âm sau 23 năm là thành phố trực thuộc Trung ương

(DS&PL) -

Lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mức giảm 3,61% so với cùng kỳ năm trước.

Lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mức giảm 3,61% so với cùng kỳ năm trước.

Lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm sau 23 năm là thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh minh họa: Báo Công thương

Sáng ngày 30/6, Cục Thống kê Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020.

Là một thành phố du lịch – dịch vụ nên kinh tế Đà Nẵng chịu ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 96,39% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, đây là lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm (-3,61%) kể từ khi trở thành TP trực thuộc Trung ương (tháng 1/1997).

Quy mô toàn nền kinh tế 6 tháng ước đạt 51.072 tỷ đồng, giảm 917,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thương mại – dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất, chiếm đến 758,1 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 261,1 tỷ đồng.

Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 xếp thứ 16/63 tỉnh thành của cả nước, giảm 1 bậc so với giai đoạn 2016 – 2019, chiếm 1,36% tổng GDP cả nước.

Hàng loạt các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của TP. Đà Nẵng 6 tháng đầu năm đều giảm điểm. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,8% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm 6,9% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho tăng kỷ lục, đến cuối tháng 6/2020 ước tăng tới 57% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số lao động tại hầu hết các doanh nghiệp đồng loạt giảm điểm, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành giảm 4,9%.

Qua khảo sát gần 7.200 doanh nghiệp thì có tới hơn 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong đó, có tới 58,4% doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời kỳ giãn cách xã hội. Tỷ lệ thành lập doanh nghiệp giảm mạnh, chỉ bằng 67,8% so với cùng kỳ về số lượng và giảm 20,5% về tổng vốn đăng ký.

Đặc biệt, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến khu vực thương mại – dịch vụ khiến hầu hết các ngành đều tăng trưởng âm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 40.546 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hóa đạt 27.021 tỷ đồng chỉ giảm 2,8%; giảm mạnh là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống - lữ hành - du lịch…

Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng (có lưu trú) 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,66 triệu lượt, giảm 49,1% so với cùng kỳ. Các dịch vụ vận tải cũng tăng trưởng âm tới 17,7%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước giảm 8,06%, nhưng vốn thực hiện thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng, tăng hơn 86% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng thu hút được hơn 135 triệu vốn FDI, giảm 75,1% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Đà Nẵng 6 tháng đầu năm ước đạt 1,044 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 575 triệu USD, giảm 109%. Đà Nẵng vẫn duy trì đà xuất siêu 106 triệu USD.

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, phía Cục đã xây dựng 3 kịch bản cho kinh tế Đà Nẵng 6 tháng cuối năm 2020 và sẽ trình HĐND thành phố thảo luận, thông qua kịch bản chính thức vào kỳ họp HĐND vào tuần tới (6 – 8/7/2020).

Sau khi thông qua kịch bản được lựa chọn, Đà Nẵng sẽ lấy làm căn cứ để đẩy mạnh các hoạt động khôi phục kinh tế.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đưa ra 6 giải pháp chung để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Trong đó, quan trọng nhất là tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho các ngành giao thông, du lịch. Cũng như thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giãn, khoanh nợ thuế, giảm thuế xuất nhập khẩu, trợ cấp việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật