Chữ ký số đã và đang là giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp trong các giao dịch điện tử và quản lý chứng từ. Trong khi nhu cầu ký kết các hợp đồng từ xa, hợp đồng trực tuyến ngày càng lớn, việc luôn phải mang theo chữ ký số bằng USB lại trở nên bất tiện. Lúc này, việc ký số từ xa là một phương thức ký số tuyệt vời và tiện lợi giúp người dùng có thể ký kết trên bất cứ thiết bị kết nối internet nào.
Ký số từ xa (Remote signing) là giải pháp ký số mới đang được nhiều quốc gia phát triển sử dụng trong quá trình số hóa nền kinh tế, đem lại sự thuận lợi cho các giao dịch hành chính, thương mại của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… Khác với giải pháp ký số thông thường, ký số từ xa không cần sử dụng USB Token, có tốc độ ký nhanh và an toàn hơn, không phụ thuộc vào nhà mạng và có thể ký ngay trên smartphone, tablet thay vì chỉ trên máy tính như trước kia.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, 60% các giao dịch điện tử ngày nay được thực hiện trên các thiết bị di động, thiết bị thông minh. Vì thế, việc ứng dụng ký số từ xa có thể nâng cao tính pháp lý trong các giao dịch quan trọng, giao dịch có giá trị lớn với thao tác sử dụng dễ dàng hơn loại chữ ký bằng USB. Đây chính là nền tảng để phát triển chữ ký số.
Việc phát triển chữ ký số từ xa có ý nghĩa rất lớn trong việc số hóa, định danh điện tử cho người dân, thực hiện các thủ tục hành chính công và góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển. Hiện nay, Việt Nam đã có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa được Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia cấp phép là VNPT-CA, SAFE-CA và MISA-CA. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai dịch vụ chữ ký số từ xa sẽ góp phần thúc đẩy các dịch vụ chính phủ điện tử, chuyển đổi số và đặc biệt là các ứng dụng chữ ký số cho cá nhân.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) cho biết việc phát triển chữ ký số từ xa có ý nghĩa rất lớn trong việc số hóa, định danh điện tử cho người dân, thực hiện các thủ tục hành chính công và góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Thời điểm trước 28/10/2021, các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số tại Việt Nam đa phần sử dụng USB Token. Việc có thêm một hình thức ký số sử dụng mô hình ký số từ xa sẽ giúp cho việc xác thực các giao dịch điện tử tin cậy được diễn ra nhanh chóng thuận lợi trên nền tảng di động. Đối với hình thức ký số từ xa thì khóa dùng để ký của khách hàng không nằm tại USB Token mà nằm tại đơn vị cung cấp dịch vụ. Điều này đặt ra một câu hỏi liệu như thế có an toàn không? Qua thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cơ yếu Chính phủ và Bộ Công An có thể khẳng định việc lưu khóa ký ở đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật an toàn cao nhất hiện nay. Chỉ có khách hàng là người duy nhất có thể mở kích hoạt việc ký đối với những văn bản điện tử. Đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn toàn không thể truy cập vào khóa ký của khách hàng.”
Đồng thời, ông Nghĩa nhấn mạnh, các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ khóa cho dịch vụ chữ ký số cũng đều là nhà cung cấp thiết bị đạt chuẩn quốc tế và chỉ khi nào các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số đảm bảo việc vận hành các quy chuẩn và tuân thủ đúng quy trình cũng như sử dụng đúng tập lệnh thì mới được cấp phép dịch vụ.
Như vậy, với việc được cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, chữ ký số từ xa từ bộ Thông tin và Truyền thông, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn có thể triển khai dịch vụ này tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cả nước thời gian tới để chữ ký số trở nên phổ biến hơn, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số.
Tú Linh