Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc sống muôn màu: Vì sao ví von "vắng như chùa Bà Đanh"?

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Câu nói ví von "vắng như chùa Bà Đanh" được sử dụng nhiều trong đời sống hằng ngày nhưng Bà Đanh ở đâu, có đặc biệt vắng vẻ hay không… là điều không phải ai cũng biết.

Chùa Bà Đanh ở đâu?

Thông tin từ trang thông tin điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Bà Đanh còn có tên là Bảo Sơn tự, nằm tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam, cách thành phố Phủ Lý gần 7km.

Chùa Bà Đanh được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung.

Chùa Bà Đanh nằm trên khu đất rộng khoảng 10ha ở nơi sơn thủy hữu tình, ba mặt có dòng sông Đáy bao quanh. Khuôn viên chùa có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ.

Chùa Bà Đanh nằm tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

 

Ngôi chùa được cho là xây dựng từ thế kỷ thứ 7, ban đầu rất nhỏ. Đến thời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), chùa Bà Đanh được mở rộng và xây dựng to đẹp như hiện nay.

Chùa thờ Pháp Vũ – một trong Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện - các vị Phật có nguồn gốc từ các nữ thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gồm Mây, Mưa, Sấm, Chớp).

Ngoài tượng chư Phật và chư Bồ tát, chùa Bà Đanh còn có tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và đặc biệt là tượng Bà Chúa Đanh được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng, khuôn mặt đẹp, hiền từ và gần gũi. Bà Chúa Đanh là hiện thân của Pháp Vũ, vị thần mưa.

Kiến trúc chùa Bà Đanh

Thông tin trên báo Dân Việt, chùa Bà Đanh gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ, tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn với Tam quan, nhà Bái đường, nhà Trung đường, nhà Thượng đường, nhà Tổ, Phủ mẫu, nhà khách… Trải qua nhiều lần tu sửa, nâng cấp, tôn tạo, chùa Bà Đanh mới rộng rãi, sạch sẽ và uy nghiêm như ngày nay.

 

Nhà Bái đường có 5 gian, hai đầu bít đốc, lợp ngói nam, trên bờ nóc có đồi rồng chầu mặt nguyệt. Trước nhà Bái đường có lư hương đá và đôi đèn đá. Hai bên nhà Bái đường là dãy hành lang.

Toàn bộ vì kèo nhà Bái đường được làm bằng gỗ lim, trên các vì kèo có chạm khắc ở 2 mặt với các đề tài như tứ linh (long, lân, quy, phượng), ngũ phúc (năm con dơi), lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trời), tứ quý (tùng, mai, trúc, cúc). Hay các đề tài động thực vật được kết hợp với nhau như đề tài mai điểu (chim điểu và hoa mai), tùng mã (cây tùng và con ngựa).

Ngoài ra, trong các đề tài trang trí ở đây còn có nhiều nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn nhụy, phách, sáo; các đồ vật như quạt, ống tiêu, quả bầu đựng rượu...

Các mảng chạm khắc được kết hợp cả hai phương pháp là nhấn chìm và chạm nổi, với đường nét chạm thoáng, uyển chuyển, bố cục cân đối và hợp lý đã làm cho các mảng chạm khắc trở nên linh hoạt, có hồn và rất sinh động…

Sau nhà Bái đường là nhà Trung đường, gồm 5 gian, hai đầu bít đốc, lợp ngói nam. Tiếp sau nữa là nhà Thượng điện (cung cấm), có nhiều tượng thờ như tượng Tam thế, tượng Ngọc Hoàng, tượng Thái Thượng Lão Quân, tượng đức thánh bà Pháp Vũ.

Trong đó, tượng đức thánh bà Pháp Vũ (hay còn gọi tượng Bà Đanh) được tạc theo tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng, với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai đã tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.

Nhà bái đường chùa Bà Đanh.

 

Cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Bà Đanh cũng thờ Phật. Bên cạnh đó, còn thờ Mẫu, Đức thánh Trần…

Nằm trong khuôn viên chùa Bà Đanh còn có núi Ngọc, nằm cạnh con sông Đáy. Xung quanh sườn núi và trên đỉnh núi cây cối mọc vươn cao, cành lá xum xuê. Du khách có thể trải nghiệm leo lên đỉnh núi Ngọc.

Đứng trên ngọn núi Ngọc, du khách như được hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây. Ngay dưới chân núi Ngọc có một ngôi đền cổ, thờ một ông nghè có công với dân làng.

Vì sao ví von "vắng như chùa bà Đanh"?

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người dân địa phương giải thích về tên gọi chùa Bà Đanh như sau, ngôi chùa này thờ vị nữ thần linh thiêng trông coi việc điều khiển mưa gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu (vị thần này chính là Pháp Vũ như đã nói ở trên). Chùa được xây dựng ở làng Đanh nên được gọi là “chùa Đức Bà làng Đanh”, sau gọi tắt là chùa Bà Đanh.

Đôi rồng đá ngậm viên ngọc được chạm khắc tinh xảo, đặt phía sau cổng Tam quan, mặt hướng về nhà Bái đường.

 

Về câu thành ngữ "vắng như chùa Bà Đanh”, cách giải thích được nhiều người chấp nhận nhất là chùa Bà Đanh nằm ở vị trí xa dân cư, ba mặt là sông, lối đi duy nhất dẫn vào chùa lại qua rừng rậm, có thú dữ nên ít ai dám vào.

Cách đến chùa an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy. Do đi lại bất tiện nên chùa vắng vẻ, ít khách hành hương.

Chùa Bà Đanh nay còn vắng?

VTC News dẫn lời Ni trưởng Thích Đàm Đam – người giữ chức trụ trì chùa Bà Đanh 35 năm nay cho hay, ở thời điểm hiện tại, ngôi chùa này cũng không có nhiều người lai vãng.

“Năm 2019, khu du lịch Tam Chúc nổi tiếng, khách thập phương tới đó tham quan cũng ghé qua chùa Bà Đanh vì tiện đường. Năm đó là năm chùa đón nhiều khách tới vãn cảnh, lễ Phật nhất.

Những năm khác, vào 3 tháng đầu năm thì còn người tới dâng hương, lễ Phật chứ những tháng khác thì rất vắng vẻ, thậm chí ngày rằm, mùng 1 cũng ít người. Còn kể từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, chùa trở lại vắng như xưa, thậm chí nhiều ngày liền không có khách vãng lai, chỉ có ban trị sự, ban kiến thiết là người làng ghé qua mà thôi”, Ni trưởng Thích Đàm Đam nói.

Năm 1994, chùa Bà Đanh và núi Ngọc được Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

Năm 1994, chùa Bà Đanh và núi Ngọc (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) được Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, VTC News, Dân Việt

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật