Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc đời của nữ bác sĩ đầu tiên Việt Nam: Là ái nữ nhà trâm anh thế phiệt, tài giỏi xuất thần

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam là ái nữ của gia đình trâm anh thế phiệt, bà vượt qua mọi định kiến chứng minh tài năng xuất chúng của mình trong lĩnh vực y học.

Y học Việt Nam đã có từ lâu, nhiều danh y lừng lẫy như Tuệ Tĩnh, Trâu Canh không chỉ nổi danh trong nước mà tầm ảnh hưởng lan ra cả nước láng giềng. Thế nhưng, mãi đến khi người Pháp xuất hiện, nước ta mới bắt đầu tiếp cận với Tây y, bác sĩ mới chính thức có mặt.

Nhiều người hẳn còn chưa biết, nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam là bà Henriette Bùi Quang Chiêu.

Hiện tượng "lạ" của ngành Y học

Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ngày 8/9/1906 tại Hà Nội, nhưng phần lớn tuổi thơ của bà gắn liền với Sài Gòn. Theo thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, bà là con gái của ông Bùi Quang Chiêu, một kỹ sư canh nông đầu tiên của nước ta và là một chính khách có tiếng ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc, và bà Vương Thị Y.

Xuất thân trong một gia đình giàu có, bà Henriette Bùi Quang Chiêu sớm bộc lộ trí thông minh hơn người. Năm 9 tuổi, bà thi vượt cấp và đỗ bằng Certificat d'Études sớm 2 năm. Sau đó, bà theo học trường Collège des Jeunes Filles (Trường Trung học Gia Long, hay còn gọi là Trường Áo Tím, nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ở quận 3, TP.HCM).

Gia đình bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Năm 15 tuổi, Henriette Bùi Quang Chiêu được cha đưa sang Pháp du học. Tại đây, bà không chỉ thông thạo tiếng Pháp mà còn thành thạo nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, và cả những cổ ngữ như La Tinh và Hy Lạp.

Một năm sau khi sang Pháp, mẹ bà qua đời vì bệnh lao phổi, bản thân Henriette cũng gặp vấn đề về sức khỏe nên phải tạm dừng việc học một năm. Tuy nhiên, bà đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và tốt nghiệp trung học tại Lycée Fenelon ở Paris vào năm 1926.

Chứng kiến người anh trai, bác sĩ Louis Bùi Quang Chiêu, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chữa bệnh lao, cùng với nỗi đau mất mẹ vì căn bệnh này, Henriette quyết tâm theo đuổi con đường y học. Năm 1927, bà ghi danh vào Đại học Y khoa Paris.

Việc bà Henriette trở thành sinh viên y khoa là một hiện tượng lạ vào thời bấy giờ. Sự có mặt một phụ nữ Việt tại một trường đại học danh tiếng của Pháp là bước đột phá trong hệ thống giáo dục của nước này.  Trong thời gian này, bà có cơ hội tiếp xúc và trở nên thân thiết với nhiều nhân vật lừng lẫy như nhà bác học Marie Curie và nhà sử học Charles Seignobos.

Năm 1932, Henriette tốt nghiệp đại học và trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận bằng bác sĩ y khoa tại Pháp sau 2 năm thực tập. Luận án tốt nghiệp của bà đạt loại xuất sắc và được trao tặng huy chương vào năm 1934.

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu lúc trẻ. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Trở về Việt Nam năm 1935, bà Henriette Bùi Quang Chiêu ngay lập tức được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Hộ sinh ở Bệnh viện Chợ Lớn, trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đảm nhận trọng trách này trong hệ thống bệnh viện thuộc địa.

Cống hiến trọn đời cho y học

Năm 1935, bên cạnh việc trở thành Trưởng khoa Hộ sinh tại Bệnh viện Chợ Lớn, bà Henriette Bùi Quang Chiêu còn kết hôn với ông Vương Quang Nhường, Tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của Việt Nam, theo sự sắp đặt của cha mẹ. Đám cưới của hai người, được xem là sự kết hợp "môn đăng hộ đối" của hai nhân vật tài năng, đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận lúc bấy giờ, tờ Phụ nữ Việt Nam đưa tin.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài chưa đầy hai năm do sự khác biệt về lối sống. Với bà Henriette, công việc khám chữa bệnh luôn là ưu tiên hàng đầu, bà thường xuyên phải ra khỏi nhà vào ban đêm để cứu người, điều này đã khiến cuộc sống hôn nhân gặp nhiều trắc trở.

Đám cưới của Henriette Bùi Quang Chiêu gây tiếng vang một thời.

Sau khi hôn nhân tan vỡ, bà Henriette Bùi Quang Chiêu dồn hết tâm sức cho sự nghiệp y học. Năm 1957, bà sang Nhật Bản học châm cứu rồi trở về Việt Nam áp dụng vào lĩnh vực sản khoa.

Đến năm 1961, bà sang Pháp mở phòng mạch và gặp gỡ ông Nguyễn Ngọc Bích. Tình bạn giữa hai người dần phát triển thành tình yêu và họ quyết định chung sống với nhau như vợ chồng.

Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, ông Nguyễn Ngọc Bích không may mắc bệnh ung thư vòm họng. Năm 1965, bà đưa ông trở về Việt Nam để sống những ngày cuối đời tại quê hương.

Cũng trong khoảng thời gian này, bà Henriette Bùi Quang Chiêu tích cực tham gia các hoạt động cứu chữa thương bệnh binh trong chiến tranh. Năm 1970, bà tình nguyện làm việc không lương tại Bệnh viện Phú Thọ, Sài Gòn, phụ trách mảng hộ sản và nhi khoa.

Năm 1971, bà trở lại Pháp và tiếp tục công việc khám chữa bệnh cho đến khi nghỉ hưu năm 1976. Suốt hơn 44 năm, bà đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp y khoa ở cả Việt Nam và Pháp. Trước khi qua đời, bà đã hiến tặng biệt thự của mình tại số 28 đường Testard (nay là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, 28 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM) làm cơ sở cho Trường Đại học Y khoa Sài Gòn.

Biệt thự tư gia của Henriette Bùi Quang Chiêu ở số 28 đường Testard. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu qua đời ngày 27/4/2012 tại Paris, hưởng thọ 105 tuổi và được an táng tại Tòa Thánh Cao Đài tỉnh Bến Tre.

Cuộc đời và sự nghiệp của bà, vị nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Đại học Y khoa Paris, đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam, mở đường cho họ theo đuổi con đường y học và khẳng định bản thân trong xã hội.

Tin nổi bật