Tiền Phong dẫn lời Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết trước một số thông tin mang tính liên tưởng và gây tranh cãi, trong cuộc họp và đối thoại chiều 14/10, đại diện nhà sản xuất chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Nhà làm phim bỏ tên và lời thoại liên quan đến Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn và thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.
Nhà sản xuất phim cho biết phần thoại trong phim sẽ chuyển từ Nghĩa Hòa đoàn thành Nam hòa đoàn và Thiên Địa hội thành Chính nghĩa hội. Sự thay đổi này tránh sự liên tưởng đến Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn từ thời nhà Thanh (Trung Quốc).
Phim Đất rừng phương Nam được đánh giá là tác phẩm điện ảnh xây dựng công phu, với âm hưởng chủ đạo tinh thần yêu nước, chống phong kiến, đế quốc ở khu vực Nam Bộ.
Bên cạnh đó nhà sản xuất điều chỉnh dòng chữ “Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi" lên đầu phim nhằm làm rõ hơn ý đồ của nhà làm phim về sự thay đổi mốc thời gian trong tác phẩm văn học, theo sát hơn bản phim truyền hình vốn đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.
“Nhà sản xuất, đoàn làm phim sẽ khẩn trương chỉnh sửa nội dung này, tránh những liên tưởng không đúng ảnh hưởng đến nội dung phim. Sau khi chỉnh sửa nhà sản xuất sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20/10”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, phim Đất rừng phương Nam được đánh giá là tác phẩm điện ảnh xây dựng công phu, với âm hưởng chủ đạo tinh thần yêu nước, chống phong kiến, đế quốc ở khu vực Nam Bộ.
Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm truyền hình nổi tiếng Đất Phương Nam, sản xuất năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Đạo diễn Vinh Sơn cũng là cố vấn cho phim lần này.
Phim có biên tập tương đồng với phim truyền hình Đất Phương Nam, lấy bối cảnh phim từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945. Lý do thay đổi vì bộ phim muốn mô tả ở phần một này bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội cũng như nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau.
Ông Vi Kiến Thành nhận định, đây là bộ phim truyện, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim.
"Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer…”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nêu.
Đây là bộ phim truyện, với nhân vật hư cấu và không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim.
Theo VTC News, trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến "Nghĩa hòa đoàn" và "Thiên địa hội" là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên - hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc.
"Thiên địa hội" cũng như "Nghĩa hòa đoàn" chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam.
Theo lý giải của nhà sản xuất việc tự phát nổi lên chống ngoại xâm và cường hào ác bá với nhiều lực lượng phe phái có tính chất địa phương, tôn giáo, chủng tộc lẫn những cá nhân đơn lẻ như Võ Tòng, thầy giáo Bảy là tiền đề cho tinh thần kháng chiến chống Pháp sau này. Câu chuyện phim sẽ được phát triển ở phần tiếp theo để dẫn dắt câu chuyện đến khi các lực lượng yêu nước trong phim tìm được đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đến Cách mạng Tháng Tám.
Thùy Dung (T/h)