Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo lần 4 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, đề xuất một số quy định mới.
Trong đó, tại Điều 33 quy định Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo lần 4 yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải "có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định".
Trước đó, kể từ tháng 7, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe là yêu cầu bắt buộc đối với ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải. Dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên các xe vận tải được truyền tải về hệ thống phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác quản lý.
Theo Cục CSGT lực lượng chức năng khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình trên ô tô cá nhân để tự bảo vệ mình trong các tình huống, chứ không bắt buộc. Ảnh minh họa.
Không ít người dân thắc mắc về quyền riêng tư, băn khoăn những dữ liệu cá nhân của mình liệu có bị chia sẻ khó kiểm soát?
Dân trí dẫn lời đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) giải thích về lý do đề xuất quy định trên, thực tế hiện nay đã có rất nhiều phương tiện ô tô cá nhân tự trang bị camera giám sát hành trình cho xe của mình, nhằm mục đích ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường.
Dựa trên tình hình thực tế, tại dự thảo (lần thứ 4) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an đề xuất ô tô cá nhân lắp camera giám sát hành trình. Tuy nhiên, đây không phải quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích thực hiện.
"Khi ô tô cá nhân lắp camera hành trình, người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được bản thân đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình hoặc của người khác", đại diện Cục CSGT lý giải.
Cũng theo Cục CSGT, những dữ liệu trong camera hành trình của nhân dân có thể được cung cấp cho các cơ quan chức năng như những bằng chứng để xử lý, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Các dữ liệu này cơ quan chức năng không thu thập mà chỉ đề nghị người dân hợp tác cung cấp khi cần giải quyết các sự cố.
Trước đó, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại quy định nêu trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông mang tính bắt buộc sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng quyền riêng tư.
VnExpress dẫn lời phân tích của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera hiện nay ngoài phục vụ công tác quản lý nhà nước (giám sát tốc độ, hành trình phương tiện, thời gian lái xe), còn giúp ích doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp có thể theo dõi số km xe chạy, từ đó xác định được thời điểm bảo dưỡng định kỳ, quản lý tiêu hao nhiên liệu, định mức thay lốp, tính tiền lương của lái xe...
Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, "người dân sẽ thắc mắc vì sao việc đi lại bằng xe cá nhân lại bị theo dõi vị trí hoặc hành động riêng tư trong xe lại bị camera ghi lại". Hơn nữa, ước tính một bộ thiết bị camera và giám sát hành trình tích hợp có chi phí từ 2 đến 4 triệu đồng. Toàn quốc có gần 4 triệu ôtô cá nhân, chi phí trang bị có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Hiện chỉ có xe chở hành khách hoặc hàng hóa (xe đầu kéo, xe container) bắt buộc lắp camera trong xe để giám sát người lái. Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, hiện chỉ có xe chở hành khách hoặc hàng hóa (xe đầu kéo, xe container) bắt buộc lắp camera trong xe để giám sát người lái. Quy định này nhằm theo dõi người lái có ngủ gật, lái xe đúng thời gian quy định hay không. Tuy nhiên, đây là phương tiện chở nhiều người và hàng hóa, cần đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Riêng với ôtô cá nhân, theo ông Thanh, Nhà nước chỉ nên khuyến khích lái xe lắp thiết bị giám sát và tự giác công bố hình ảnh, dữ liệu khi cơ quan chức năng yêu cầu.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023.
Thùy Dung (T/h)