Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Theo ước tính của AP, sẽ có khoảng 49,5 triệu cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu tại hai vòng để chọn ra 577 thành viên Quốc hội.

Ngày 30/6, các cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội sớm. VnExpress dẫn thông tin từ Reuters cho hay, các điểm bỏ phiếu tại Pháp bắt đầu mở cửa từ 8h ngày 30/6 (tức 13h theo giờ Hà Nội) và sẽ đóng cửa sau 10-12 tiếng, tùy thuộc địa điểm. Kết quả sơ bộ có thể được công bố trong đêm. 

Các nghị sĩ được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Để thắng cử ngay từ vòng đầu tiên, ứng viên phải đạt từ 50% số phiếu bầu trở lên và số phiếu phải bằng 25% số cử tri đã đăng ký tại khu vực bầu cử. Ngoại trừ số rất ít trúng cử ngay vòng một, số ứng cử viên còn lại phải tiếp tục tranh cử tại vòng hai.

Người dân Pháp xếp hàng bỏ phiếu bầu cử quốc hội Pháp vòng một tại tỉnh Tulle hôm 30/6. Ảnh: Reuters

Theo kết quả khảo sát trước bầu cử, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) nhận được 33-36% sự ủng hộ từ cử tri trong vòng một. Đứng tại vị trí thứ hai là liên minh cánh tả New Popular Front, gồm 6 đảng xoay quanh đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (FI), với 28-31% số phiếu. Liên minh trung dung cầm quyền của ông Macron xếp thứ ba với 20-23%.

Hãng tin AP ước tính sẽ có khoảng 49,5 triệu cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu tại hai vòng để chọn ra 577 thành viên Quốc hội, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên, trước khi cuộc bầu cử chính thức kết thúc vào ngày 7/7, việc dự đoán chính xác kết quả bỏ phiếu chung cuộc là điều gần như không thể do mức độ phức tạp của quy trình bầu cử, theo Reuters.

Nếu RN giành chiến thắng thì nước Pháp sẽ có chính phủ cực hữu đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, khiến nền ngoại giao nước này bước vào giai đoạn rất khó đoán định. RN trước đó tuyên bố rằng lãnh đạo đảng Jordan Bardella (28 tuổi) sẽ được chọn đảm nhận vai trò thủ tướng Pháp, nếu họ thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Cuộc bầu cử Quốc hội sớm nói trên xuất phát từ quyết định bất ngờ ngày 9/6 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Cụ thể, Tổng thống Macron đã tuyên bố giải thể Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, sau khi Đảng Mặt trận quốc gia do bà Marine Le Pen lãnh đạo theo đường lối cực hữu đánh bại liên minh ôn hòa của ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào cùng ngày.

Kết quả bỏ phiếu dự kiến sẽ tác động đến thị trường tài chính châu Âu, khoản viện trợ phương Tây dành cho Ukraine, cũng như vấn đề an ninh quốc phòng của Pháp.

Bên cạnh đó, kết quả cuối cùng có thể trao cơ hội cho Đảng Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen nắm quyền sau nhiều năm đứng bên lề, đồng nghĩa với sức ảnh hưởng của Tổng thống Macron sẽ suy giảm trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Tin nổi bật