Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cụ bà nghệ nhân 105 tuổi vẫn đón hàng nghìn khách đến xăm hình thủ công mỗi năm

(DS&PL) -

Với đôi bàn tay mang sự khéo léo của một truyền thống từ thời xa xưa, bà Whang-od là đại diện tiêu biểu cho tục xăm hình của bộ tộc Kalinga, Philippines.

Nằm giữa những ruộng lúa xanh rì, núi đồi trập trùng là ngôi làng Buscalan, nơi chỉ có khoảng 200 người dân sinh sống. Làng thuộc tỉnh Kalinga, cách Manila, thủ đô Philippines khoảng 15 giờ di chuyển bằng ôtô về phía bắc.

Dù đây là vùng quê hẻo lánh nhưng mỗi năm có tới cả nghìn khách đến để gặp cụ Kalinga Apo Whang-od (105 tuổi), nghệ nhân xăm hình truyền thống (hay còn gọi là mambabatok) cuối cùng của Philippines.

Mambabatok chủ yếu được biết đến như một bộ tộc chiến binh, người Kalinga trong suốt lịch sử đã chiến đấu và bảo vệ cộng đồng của họ. Để ăn mừng chiến thắng, họ đã đánh dấu những dấu ấn đặc biệt trên cơ thể theo các hoa văn khác nhau. Và vì thế, hình xăm trở thành biểu tượng của sự dũng cảm. Đối với đàn ông, đó là dấu hiệu của bản lĩnh; đối với phụ nữ, nó là biểu tượng của sắc đẹp và sức mạnh.

Bà Whang-od giải thích: "Một khi họ giết được một kẻ thù nào đó, họ sẽ được khắc một hình xăm lên mình. Mọi người đều hiểu với nhau rằng, một khi người chiến binh giết được ai đó, ông ấy sẽ thông báo cho mọi người và một hình xăm mới sẽ được khắc lên người".

Với đôi bàn tay mang sự khéo léo của một truyền thống từ thời xa xưa, bà là đại diện tiêu biểu cho tục xăm hình của bộ tộc Kalinga, Philippines.

Bà Whang-od có dáng người gầy và hơi gù nhưng vẫn còn vô cùng khỏe khoắn. Dọc theo xương đòn và từ bả vai đến mu bàn tay của bà đều có những hình xăm phóng tác từ những họa tiết trên da rắn, trăn và sâu bướm - những biểu tượng của Kalinga về sự bảo vệ - sức mạnh. Ngoài ra bà còn có những hình xăm nhỏ nằm gọn trong nếp nhăn ở cằm và trán.

Được biết, nà Whang-od bắt đầu học xăm mình từ năm 15 tuổi sau khi được cha là một chuyên gia trong lĩnh vực này đào tạo. Chỉ những người đàn ông có tổ tiên xăm mình mới được phép học nghề đặc biệt này trong nền văn hóa Kalinga. Bà Whang-od là một ngoại lệ, tiềm năng của bà được người bố sớm nhận ra và quyết định truyền nghề lại cho con gái.

Trước đây không ai để ý tới nghề xăm truyền thống tại Philippines, bà Whang-od vẫn phải vật lộn với cuộc sống để lưu giữ lại những giá trị văn hóa cổ. Sau khi tham gia vào loạt phim tài liệu của nhà nhân chủng học người Mỹ Lars Krutak vào năm 2009, ngay lập tức bà Whang-od trở thành tâm điểm, được săn lùng bởi khách du lịch khắp nơi.

Những trăn trở với việc gìn giữ văn hóa, những gánh nặng tới từ chính những hình xăm trên người, bà Whang-od hiện giờ đang vô cùng nhẹ nhõm bởi đã được nhiều người biết đến hơn, truyền thống xăm mình cũng được giới trẻ Kalinga chú ý và mong muốn được theo học nhiều hơn.

Cụ bà làm nghề với các kỹ thuật xăm đã tồn tại cả nghìn năm qua nhưng dụng cụ chỉ cần có gai lấy từ cây bưởi, một cây gậy tre dài cỡ 30cm, nhọ đen lấy từ một cái nồi cũ và nước.

Với sự tập trung cao, bà Whang-od vẽ một hình trên da của khách bằng mực tự chế từ nhọ nồi. Rồi xăm bằng cách gõ tay từng chút một với cây kim từ gai bưởi và que tre lên hình đã vẽ. Việc xăm này cũng đau đớn không kém với cách xăm hiện đại ngày nay.

Nghệ thuật xăm hình này chỉ có thể truyền lại qua các mối quan hệ ruột thịt, mang theo niềm tin rằng những hình xăm sẽ lan truyền rộng rãi hơn. Cụ đang dạy nghề xăm cho hai cháu gái là Elyang Wigan và Grace Palicas.

Bà Whang-od cho biết: "Những người bạn của tôi, những người có những hình xăm như tôi đều đã qua đời. Tôi là người duy nhất còn sống. Nhưng tôi không sợ rằng truyền thống sẽ mai một bởi vì tôi đang đào tạo những bậc thầy xăm tiếp theo".

Linh Chi (T/h)

Tin nổi bật