Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Công viên kỷ Jura” sắp ra mắt tại Nga với sự "hồi sinh" của voi ma mút

(DS&PL) -

Trung tâm nghiên cứu nhân bản vô tính hàng đầu thế giới sắp được mở cửa tại Yakutsk, hứa hẹn hồi sinh những loài động vật từ thời tiền sử.

Trung tâm nghiên cứu nhân bản vô tính hàng đầu thế giới sắp được mở cửa tại Yakutsk (Nga), hứa hẹn hồi sinh những loài động vật từ thời tiền sử.

Đồ họa dựng lại hình ảnh voi ma mút thời cổ đại. - Ảnh: BCC

Trung tâm nghiên cứu sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng tới, với mục tiêu tạo ra một “Công viên kỷ Jura” đời thực, “nghiên cứu các loài sinh vật tuyệt chủng ở cấp độ tế bào và tìm cách hồi sinh các loài sinh vật như voi ma mút, hổ hang động và loài ngựa cổ xưa”.

Nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới, bao gồm cả những chuyên gia đến từ Harvard và đại học Chicago, đã nỗ lực nhân bản vô tính những động vật thời tiền sử từ nhiều năm nay. Họ đã thu thập nhiều mẫu ADN của các loài sinh được bảo quản nguyên vẹn trong lớp băng vĩnh cửu trong hàng chục ngàn năm.

Lena Grigorieva, nhà khoa học Nga nói: “Chúng tôi sở hữu những mẫu vật độc đáo nhất thế giới, không chỉ giúp mở ra khả năng nhân bản động vật, mà còn giúp giải mã những căn bệnh hiếm gặp và cách phòng tránh”.

Năm 2017, giới khoa học khẳng định rằng họ có thể "tái sinh" voi ma mút, sau khi tìm thấy một thi thể đóng băng còn chứa mẫu ADN được bảo quản.

Loài vật to lớn và xù xì này từng một thời thống trị vùng Siberia băng giá, trước khi bị rơi vào tình thế không còn đường sống do sự thay đổi khí hậu và nạn săn bắt của con người. Giờ đây, các giáo sư của Đại học Harvard (Mỹ) đang lên kế hoạch đưa voi ma mút trở lại từ 'cõi chết'.

Xác voi ma mút được trưng bày ở Anh. - Ảnh: Getty

Dự kiến, những chuyên gia sẽ tiến hành cấy ghép gien lấy từ xác chết kia vào một loài voi châu Á. "Đây sẽ là một loài được lai từ voi châu Á và voi ma mút. Có lẽ bạn sẽ gọi nó là mamephant", một người trong cuộc phát biểu.

Các chuỗi tế bào gien sẽ bao gồm những đặc tính như lông xù dài, da và lớp mỡ cực dày, đặc biệt là máu có khả năng lưu thông tốt trong điều kiện nhiệt độ âm. Trong quá trình này, các nhà khoa học cũng tham vọng sẽ thực hiện sinh sản bằng một tử cung nhân tạo, thay vì dựa vào một con voi mẹ tự nhiên.

Nếu thành công, loài voi lai tạo mới sẽ được thả về tự nhiên ở Siberia, tái tạo khu vực sinh tồn của voi ma mút ở phía bắc Yakutia.

Voi ma mút lông mịn từng lang thang ở vùng đất băng giá của châu Âu và Bắc Mỹ trong khoảng 140.000 năm. Chúng biến mất vào cuối thời kỳ Pleistocene, cách đây 10.000 năm. Đây là loài động vật tiền sử được khoa học biết rõ nhất nhờ vào các xác chết chưa hóa thạch, được đóng băng và bảo quản trong chính môi trường sinh sống của chúng. Một con voi ma mút đực trưởng thành cao khoảng 3,5 mét, ngà cong và dài đến 5 mét, lông dài đến 1 mét.

Giáo sư George Church, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đại học Harvard, nói: voi ma mút có thể giúp các lãnh nguyên không bị tan băng bằng cách dùng ngà chọc sâu xuống đất. Điều này giúp khí lạnh tràn vào trong và băng không bị chảy. Vào mùa hè, voi ma mút đốn hạ nhiều cây xanh và giúp cỏ mọc lên.

Nếu loài voi ma mút được hồi sinh thành công, con người có thể tiến tới hồi sinh những loài động vật đã tuyệt chủng hàng ngàn năm trước như hổ răng kiếm hoặc xa hơn là loài khủng long.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật