"Công tác chuẩn bị nhân sự cho khóa XIII được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chuẩn bị nghiêm túc".
Bên lề Đại hội, trả lời phỏng vấn PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đã nhấn mạnh điều này.
PV: Xin ông thông tin về công tác chuẩn nhân sự Đại hội XIII, đặc biệt là dàn lãnh đạo chủ chốt và trường hợp đặc biệt?
Ông Hầu A Lềnh: Công tác nhân sự lần thứ XIII được Ban Chấp hành Trung ương khoá XII chuẩn bị một cách nghiêm túc. Trong suốt nhiệm kỳ thứ XII, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong đó công tác nhân sự là “then chốt của then chốt”. Chính vì vậy, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Tại hội nghị Trung ương 8 (tháng 10/2018) Ban chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIII, trong đó có Tiểu ban Nhân sự để chuẩn bị cho công tác nhân sự.
Hội nghị Trung ương 9 vào tháng 12/2018 đã tiến hành công tác quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và ngay sau khi công tác quy hoạch tiếp tục chuẩn bị, đến Hội nghị Trung ương XII, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, ban hành phương hướng công tác nhân sự của Đại hội XIII. Bám sát phương hướng công tác nhân sự với sự tham gia của các địa phương, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là cơ sở rất quan trọng để lựa chọn, giới thiệu, bồi dưỡng các đồng chí dự kiến sẽ đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh. |
Sau khi có phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất nhiều lần và tiến hành từng bước thận trọng, đúng quy trình tại các hội nghị Trung ương 13,14, 15. Có thể nói, công tác nhân sự khoá XIII đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình. Các đồng chí trong Trung ương được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu đáp ứng các tiêu chuẩn, có đủ năng lực và uy tín.
PV: Trong công tác chuẩn bị nhân sự lần này, một số tồn tại về công tác nhân sự đã được khắc phục thế nào, thưa ông?
Ông Hầu A Lềnh: Tại kỳ Đại hội nào, công tác nhân sự đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ. Tuy nhiên, để khắc phục một số hạn chế thì tại Đại hội XII, trong nhiệm kỳ thứ XII đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục. Trước hết, để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, phẩm chất và uy tín, trong nhiệm kỳ Đại hội đã đưa ra nhiều văn bản quy định về trách nhiệm và công tác giám sát với đội ngũ cán bộ và đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ. Từ đó thông qua các quy trình để lựa chọn ra đội ngũ cán bộ một cách bài bản.
Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành các quy trình mới có điều chỉnh, bổ sung, đó là quy trình về đánh giá, nhận xét và lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ hàng năm.
Lần này, với quy trình 5 bước được áp dụng đối với đồng chí tham gia tái cử và tham gia lần đầu. Thông qua quy trình 5 bước, sẽ lựa chọn các đồng chí có đủ tiêu chuẩn về đạo đức lối sống, năng lực công tác để đưa vào. Lần này công tác nhân sự đã được làm hết sức chặt chẽ thận trọng từng bước một.
PV: Đối với các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị tái cử nắm giữ vai trò chủ chốt sẽ thực hiện quy trình 5 bước như thế nào?
Ông Hầu A Lềnh: Quy trình đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị cũng sẽ được thực hiện hết rất chặt chẽ, trước hết Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị. Riêng quy trình đối với đồng chí đặc biệt sẽ thực hiện 2 vòng, 8 bước (các Ủy viên TƯ Đảng là 5 bước).
Cụ thể, vòng 1 là lấy phiếu giới thiệu của Trung ương xem có đặc biệt không, số lượng đặc biệt là bao nhiêu, đặc biệt ở vị trí nào. Sau đó, Tiểu ban Nhân sự sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến của Trung ương, báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sẽ xem xét, thảo luận và bỏ phiếu tập thể. Một là phương án có đặc biệt không và số lượng đặc biệt là bao nhiêu, sau đó mới bắt đầu xem xét tới nhân sự cụ thể. Sau khi Bộ Chính trị đã xem xét và bỏ phiếu sẽ tiếp tục trình ra Trung ương ghi nhận số lượng trường hợp đặc biệt, vị trí đặc biệt và nhân sự cụ thể giới thiệu trường hợp đặc biệt. Trung ương sẽ tiến hành bỏ phiếu. Nếu được Trung ương tán thành với hơn 50% số phiếu thì sẽ chọn nhân sự đó.
PV: Hội nghị Trung ương 15 xác định tăng cường Ủy viên Trung ương Đảng về địa bàn trọng yếu, đâu là địa bàn được bổ sung, số lượng là bao nhiêu?
Ông Hầu A Lềnh: Quan điểm chung của Đảng là tất cả các địa bàn đều có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, trong mỗi đại hội đều cơ cấu nhân sự đối với địa bàn trọng yếu như: An ninh, quốc phòng, đối ngoại... Số lượng Ủy viên Trung ương Đảng tại địa bàn trọng yếu sẽ cao hơn.
PV: Xin ông cho biết lịch trình xem xét nhân sự cụ thể lần này sẽ diễn ra như thế nào?
Ông Hầu A Lềnh: Theo chương trình, Đại hội sẽ bàn công tác nhân sự vào chiều mai 28/1. Đoàn Chủ tịch sẽ báo cáo với Trung ương dự kiến cơ cấu, đề án…Trên cơ sở đó các đoàn đại biểu sẽ thảo luận tại đoàn của mình và xem xét hồ sơ. Tiểu ban và đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ cá nhân của từng ứng viên để cho các đoàn đại biểu có đủ thời gian xem xét kỹ lưỡng từng đồng chí, sau đó thảo luận về cơ cấu, số lượng, thành phần để lựa chọn ứng viên theo đề án nhân sự đã được trình ra. Thời gian dành cho thảo luận công tác nhân sự là 3 ngày.
PV: Thưa ông, hồ sơ nhân sự do Trung ương chuẩn bị nhưng trước đó các đại biểu có tìm hiểu thêm về các ứng viên để có đánh giá khách quan, toàn diện?
Ông Hầu A Lềnh: Trong bộ hồ sơ quy định của Đảng thì đã đầy đủ tất cả các yếu tố từ lý lịch trích ngang, quá trình công tác, kê khai tài sản được cơ quan có thẩm quyền xác nhận và các đại biểu có thể hỏi thêm. Trong quá trình thảo luận ở các đoàn, nếu các đại biểu có ý kiến gì về đại biểu cụ thể nào đó thì các đoàn sẽ tổng hợp lại và báo cáo với đoàn Chủ tịch. Theo đó, đoàn Chủ tịch sẽ có trách nhiệm giải trình và báo cáo với Đại hội.
PV: Liệu trong thời gian ngắn như vậy, đại biểu nắm được thông tin về ứng viên nào đó mà nêu ra thì đoàn Chủ tịch có kịp giải trình hết? Thời gian này mà ứng viên cũng như đại biểu có tố cáo, khiếu nại sẽ xử lý ra sao, thưa ông?
Ông Hầu A Lềnh: Công tác chuẩn bị Đại hội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đoàn Chủ tịch cũng đã có những phương án cụ thể và việc đó thuộc về Tiểu ban nhân sự. Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu đại biểu có ý kiến thì Tiểu ban Nhân sự và đoàn Chủ tịch sẽ giải quyết được vấn đề.
Theo quy định, những tố cáo khiếu nại trước 15 ngày đã được giải quyết hết. Trong thời gian diễn ra Đại hội, ứng viên nào có tố cáo hay có đơn kiến nghị thì vẫn tiếp nhận bình thường và sau Đại hội sẽ xem xét.
Ban Thẩm tra tư cách đại biểu đã có báo cáo trước Đại hội về tư cách của các đại biểu dự Đại hội, trong đó có những ứng viên của Ban Chấp hành Trung ương đã đủ điều kiện vào dự Đại hội. Là đại biểu chính thức thì sẽ có quyền ứng cử và đề cử. Tất cả các đang biểu hiện nay đang dự Đại hội đều đủ tư cách. Như vậy đồng nghĩa với việc các khiếu nại tố cáo đã được giải quyết.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn My (Ghi)