(ĐSPL) - Đề xuất giao công an xã, phường... tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu trong dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, trao quyền điều tra ban đầu cho công an cấp xã, phường sẽ nảy sinh nhiều bất cập, thậm chí dẫn đến oan, sai...
Những cái chết bất thường ở trụ sở công an xã, phường
Theo đề xuất tại dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (Bộ Công an) thì công an xã, phường có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu. Dự thảo này thể hiện tại khoản 2, Điều 25 là công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an có các quyền sau: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập hồ sơ, tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu, phân loại và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm xác định có dấu hiệu tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho CQĐT có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày.
Trường hợp tự phát hiện bắt giữ hoặc tiếp nhận người phạm tội quả tang thì tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, khám người, vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, lấy lời khai... Nếu tiếp nhận người phạm tội do người dân giải đến thì lập biên bản vụ việc và giải đối tượng vi phạm lên cơ quan công an cấp trên. Trường hợp sau khi nhận được tố giác, tin báo về hành vi phạm tội đang diễn ra trên địa bàn thì kịp thời đến ngay hiện trường, cần thiết thì vô hiệu hóa hành vi phạm tội. Khi đến hiện trường, người phạm tội bỏ trốn thì tiến hành ngay việc truy xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng...
Với đề xuất trên, có không ít quan điểm trái chiều, nhiều ý kiến ủng hộ vì cho rằng, công an xã, phường là nơi gần dân nhất, nên dễ tiếp cận điều tra. Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại về việc mở rộng thẩm quyền sẽ không an toàn. Nhiều vụ án xảy, nạn nhân chết bất thường cũng khiến nhiều người phải đặt câu hỏi nghi ngờ về năng lực của đội ngũ này. Dư luận từng biết đến vụ bốn Công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) trong quá trình lấy lời khai đã đánh nghi can Nguyễn Mậu Thuận (56 tuổi) tử vong, bị đưa ra xét xử về tội Giết người nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã trả hồ sơ để VKS và CQĐT điều tra bổ sung. Vụ án ông Đặng Trung Trịnh (32 tuổi), chết ở trụ sở Công an xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương cũng là một trong những vụ điển hình của việc bị đánh đến tử vong ở đồn công an xã.
|
4 công an xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội bị đưa ra xét xử vì hành vi giết người. |
Mới đây nhất, nạn nhân Đỗ Văn B. (18 tuổi) cũng bị kết luận tự sát tại nhà tạm giam Công an huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Thi thể nạn nhân ngoài vết bầm ở cổ còn nhiều vết khác trên cơ thể, các đầu ngón tay, ngón chân đều bầm tím và khô. Trong vụ tự tử này, câu hỏi mà người ta đặt ra là vì sao có thể chết dễ dàng ở trụ sở công an như vậy? Tuy nhiên, gần như chưa bao giờ gia đình nạn nhân cũng như dư luận nhận được câu trả lời thuyết phục. Đây không phải vụ việc hi hữu mà có không ít nạn nhân khác đã bị bắt, bị chết như vậy ngay trong trụ sở của công an xã...
Chính những người làm luật cũng nhận thấy sự bất hợp lý của dự thảo này. Về vấn đề này có chuyên gia nêu ý kiến: "Hiện chưa có nước nào trên thế giới lại đưa công an xã, phường... vào lực lượng điều tra. Mục tiêu của dự luật là tinh gọn đầu mối, song chia nhỏ như thế này đang làm phức tạp, tạo ra nhiều lỗ hổng hơn". Sự e ngại không chỉ đến vì những "thành tích" khá "rùng rợn" trên, mà căn bản là bởi trình độ của công an cấp xã từ trước đến nay vẫn luôn còn là một hạn chế chưa được khắc phục. Nhiều công an viên cấp xã, phường chưa tốt nghiệp phổ thông, thiếu đào tạo nghiệp vụ, thiếu hiểu biết pháp luật và không có nhận thức đúng đắn về chức năng, quyền hạn của mình.
Thêm một vấn đề đáng lo nữa là cơ chế để quản lý lực lượng này tác nghiệp sẽ thực hiện như thế nào khi mà chưa có sự chuẩn bị về nhân lực, phương pháp và các biện pháp giám sát cũng như các chế tài cần thiết. Cho đến khi nào cơ quan soạn thảo dự luật trả lời được những câu hỏi trên thì mới có thể biến dự thảo này thành một quy định có lợi thực sự, không chỉ cho công tác điều tra tội phạm mà còn tạo được sự tin tưởng trong dư luận.
Lo ngại sẽ gia tăng oan sai, bỏ lọt tội phạm?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương cho biết: Các cơ quan khác được điều tra chỉ có thêm hải quan, cảnh sát biển, kiểm lâm và biên phòng. Bốn cơ quan trên không chuyên, nhưng sẽ được đào tạo. Các cơ quan khác không được quyền thực hiện các biện pháp tố tụng, điều tra. Việc cho công an xã, phường được phép điều tra ban đầu là không hợp lý và không ai làm như vậy vì xã phường còn nhiều nhiệm vụ khác. Cảnh sát xã, phường không có nhiệm vụ điều tra, họ phải làm những việc như thi hành án ngoài tù, triển khai công tác đối với những đối tượng xử lý chuyển hướng...
|
Bà Lê Thị Thu Ba cho rằng, công an xã, phường được phép điều tra ban đầu là không hợp lý. |
Bày tỏ lo lắng về tình trạng có nguy cơ gia tăng oan sai, bỏ lọt tội phạm, luật sư Bùi Đình Ưng (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng đưa ra những phân tích về đề xuất trên. Luật sư ứng cho rằng, xét về tính kịp thời, đề xuất trao thêm quyền cho công an xã, phường là ý tưởng tốt. Khi xảy ra bất cứ sự việc hay hành vi vi phạm, phạm tội nào, nếu tăng được thẩm quyền cho công an xã, phường để xử lý ban đầu được là đảm bảo tính kịp thời. Tuy nhiên, với thực tế ở nước ta hiện nay, không phải là đồng chí công an xã, thậm chí là phường, thị trấn nào cũng đủ trình độ xử lý được.
Luật sư ứng dẫn giải cụ thể, chẳng hạn, công an phường hiện là lực lượng chính quy, được đào tạo cơ bản, nhiều đồng chí tốt nghiệp cao đẳng, đại học nên năng lực có thể tạm ổn. Tuy nhiên, lực lượng công an xã thì không thể có trình độ chính quy được nên rất đáng lo ngại. Thậm chí ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều người là công an xã chỉ mới học hết cấp 2. Dù có tập huấn thì trình độ cũng khó cải thiện. Vậy nên, làm sao họ biết được nên vẽ hiện trường thế nào, xác minh ban đầu ra sao. Họ có thể "tiếp nhận tin tố giác, tin báo về tội phạm" nhưng để họ "lập hồ sơ, tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu, phân loại" tố giác, tin báo... thì lực lượng công an xã khó mà đảm bảo được và dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Chưa kể đến tiêu cực nảy sinh, riêng trình độ yếu kém cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Theo vị luật sư này, việc "bảo vệ hiện trường" là tốt nhưng "vẽ sơ đồ hiện trường" thì không phải ai cũng biết. Hiện trường vụ án cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công tác hiện trường ban đầu thì quá trình điều tra sẽ rất thuận lợi. Song, nếu làm sai, làm lệch đi vì thiếu hiểu biết thì vất vả sẽ nhiều gấp bội cho người làm công tác điều tra cấp trên. Chẳng hạn trong vụ án, các đối tượng bắn nhau ở trên đường, công an xã, phường có thể bảo vệ hiện trường và báo cho cơ quan chức năng đến. Tuy nhiên, nếu, họ vẽ hiện trường mà không có kỹ năng, vẽ không đúng, xác định không đúng giới hạn phạm vi... thì công tác điều tra phá án sau này rất khó khăn, dễ bỏ lọt tội phạm và có thể làm sai lệch hẳn vụ án. Sau khi chuyển lên trên, cơ quan điều tra thấy rằng, cần phải bổ sung thêm các vấn đề về hiện trường nhưng khi đó hiện trường đã bị thay đổi thì làm thế nào?
Cần xem lại một số điểm Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, vấn đề "lấy lời khai" ban đầu cũng cần xem xét. Vì nó mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo quy định, chỉ có điều tra viên mới được lấy lời khai. Việc lấy lời khai rất quan trọng đối với việc làm rõ vụ án sau này. Lấy lời khai là cả một nghệ thuật. Nếu trình độ yếu kém sẽ bị lộ các biện pháp nghiệp vụ, lộ quá trình điều tra vụ án, đối tượng có thể biết được mà phòng ngừa, bỏ trốn... Chính vì thế, cần nghiên cứu lại một số điểm. Nếu tăng thêm quyền cho công an xã, phường nhưng họ không đảm đương được thì "họa vô đơn chí" lại thành... tai hại. |