(ĐSPL) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã biến nhiều nông dân thành tỷ phú. Ngày càng nhiều đại gia Trung Quốc muốn khoe sự giàu có của gia đình ở nước ngoài, nơi quy định pháp luật, không khí và chất lượng giáo dục đều hơn hẳn quê nhà.
Đẳng cấp "phú nhị đại" nơi trời Tây
Chiếc xe trị giá 360.000 CAD (đôla Canada) là món quà năm ngoái của bố mẹ Andy Guo. Họ làm việc trong ngành than, thường xuyên đi lại giữa Vancouver và tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Andy Guo rất thích lái chiếc xế cưng Lamborghini Huracan màu đỏ và không muốn dùng chung xe với người anh em sinh đôi Anky. Chàng trai 18 tuổi là người Trung Quốc, đang học chuyên ngành kinh tế tại Đại học British Columbia, Canada.
"Hay va chạm lắm", Guo nói trước đám đông đang trầm trồ nhìn chiếc xe và cả tấm biển số độc CTGRY 5, cách viết tắt cho thang bão mạnh nhất.
Với anh em Guo, chiếc xe này trông giống trang sức "làm màu" hơn là để đi. "Chỉ có một chiếc ba lô, vài cuốn sách và ít quần áo đã giặt sạch, nhưng tôi không thể xếp vừa mọi thứ bên trong. Cảnh sát có lần còn tấp xe vào lề đường chỉ để nhìn nó", cậu than thở.
Theo New York Times , tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã biến nhiều nông dân thành tỷ phú. Ngày càng nhiều đại gia Trung Quốc muốn khoe sự giàu có của gia đình ở nước ngoài, nơi quy định pháp luật, không khí và chất lượng giáo dục đều hơn hẳn quê nhà.
Chelsea Jiang trên chiếc Lamborghini tại một buổi tiệc tại đại lý hãng xe ở Vancouver, British Columbia hồi tháng trước. Ảnh: New York Times |
Với tỷ giá ngoại tệ tương đối thấp và chính sách nhập cư khá thoáng, Canada là điểm đến hàng đầu của những người giàu nhất Trung Quốc. Theo số liệu chính phủ giai đoạn 2005 - 2012, ít nhất 37.000 triệu phú Trung Quốc tận dụng chương trình đầu tư nhập cư để được phép thường trú tại tỉnh British Columbia.
Khu vực đô thị 2,3 triệu USD là nơi ở của ngày càng nhiều cư dân Trung Quốc. Năm 2011, con số này đã tăng lên 18\%, vượt mức chưa đầy 7\% của năm 1981.
Nhiều cư dân cho biết cơn lũ di cư của người Trung Quốc đã kéo theo cuộc khủng hoảng nhà ở. Theo kết quả khảo sát năm 2016 của công ty tư vấn Demographia, Vancouver là thành phố đắt đỏ bậc nhất tại Canada, nếu muốn mua một ngôi nhà. Mức giá trung bình của một ngôi nhà riêng lẻ ở Vancouver cao hơn gấp đôi giai đoạn 2005-2015, khoảng 1,6 triệu CAD (1,2 triệu USD).
Không ít người đã tức tối với sự nổi lên của nhóm người mua bất động sản và chủ sở hữu vắng mặt, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhưng sự tức giận không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống xa hoa của người Trung Quốc giàu có tại Vancouver. Đối với những người mà "tiền không thành vấn đề", mục tiêu tiếp theo sau khi mua một căn nhà thường là một chiếc xe.
Nhiều đại lý xe hơi sang trọng tại đây còn thuê lao động Trung Quốc, một minh chứng cho thấy sức mạnh chi tiêu của những công dân mới đến thành phố này. Theo Tập đoàn Bảo hiểm British Columbia, trong năm 2015, 2.500 chiếc xe trị giá hơn 150.000 USD đã đăng ký tại thành phố Vancouver, tăng gấp đôi con số 1.300 trong năm 2009.
Nhiều chủ sở hữu xe ở Vancouver là "phú nhị đại", thế hệ giàu có thứ hai ở Trung Quốc. Phú nhị đại đem theo cả niềm đam mê siêu sang đến Vancouver. Trong khi Lamborghini trắng là loại xe được nhiều thiếu nữ Trung Quốc ưa chuộng, thì các cậu trai thường cho thuê siêu xe của mình sau vài tháng dùng để lên đời xe mới và hợp mốt hơn.
Câu lạc bộ siêu xe là nơi tập trung hàng trăm người nhập cư trẻ Trung Quốc và người gốc Trung Quốc sinh ra tại Canada. Ngoài chia sẻ niềm đam mê chung, họ còn "độ" xe và chụp ảnh cùng với xế cưng để chia sẻ trên mạng xã hội.
Vancouver Dynamic Auto Club có 440 thành viên, 90\% là từ Trung Quốc. David Dai, 27 tuổi, người sáng lập nhóm, cho biết để tham gia, mỗi thành viên phải có một chiếc xe trị giá hơn 100.000 CAD (77.000 USD). "Họ không làm gì cả. Họ chỉ tiêu tiền của bố mẹ thôi", Dai nói về các phú nhị đại trong nhóm.
Làm giàu nhờ tầng lớp "phú nhị đại"
Phú nhị đại Trung Quốc (tiếng lóng chỉ thế hệ con của những người giàu có) đến Mỹ du học và coi 4 năm đại học tại đây là thời gian để trải nghiệm những chiếc xe trong mơ, quần áo hàng hiệu và cuộc sống xa xỉ với mức giá rẻ hơn trong nước rất nhiều...
Nicholas Lam (25 tuổi), người cũng đến Mỹ học đại học năm 2013 kể lý do vì sao phú nhị đại Trung Quốc cần tới anh. "Hầu hết các sinh viên Trung Quốc đến Mỹ sắm chiếc siêu xe đầu tiên đều chẳng hiểu họ đang nói về cái gì, cũng không biết những nút này để làm gì, phải trả bao tiền thuế. Còn tôi sẽ giúp họ mua được với giá tốt hơn bởi vì họ không biết cách trả giá với người Mỹ", Lam nói với CNBC.
Lam nhận ra điều này từ kinh nghiệm đầu tiên của chính mình. Ngay sau khi đến New York từ Hong Kong năm 2009 để vào học Đại học Stony Brook, Lam đã mua một chiếc xe để giao pizza cho cửa hàng Papa John. Tuy nhiên, Lam nói chiếc xe nhanh chóng khiến anh nghĩ đây là một quyết định tồi.
"Chỉ trong 4 tháng, nó phát sinh rất nhiều vấn đề, nào là hỏng về phanh, động cơ, rồi cả bộ phận truyền dẫn", Lam nói. Do đó, anh đã phải tìm đến sách báo, tạp chí và cả YouTube để tìm hiểu cách sửa và xử lý chiếc ôtô của mình.
Từ đó, những vụ làm ăn nhỏ của Lam được hình thành. Bạn bè và người quen cứ nhờ Lam đi cùng đến các cửa hàng để xem xe và đưa ra lời khuyên cho họ khi mua.
20\% doanh thu ở công ty môi giới của Lam đến từ siêu xe. Ảnh: Tom Starkweather. |
Ban đầu, một vài người bạn cảm ơn Lam bằng những bữa ăn. Nhưng khi ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc tìm đến mình, Lam bắt đầu tính phí với họ. Nhanh chóng sau đó, chính những người buôn xe cũng biết và tìm đến Lam, đề cập tới việc sẽ chiết khấu cho anh để hợp tác.
Tuy nhiên, Lam không hài lòng khi mình chỉ là một người trung gian cho dân buôn xe mà quyết định sẽ mở một công ty riêng. Từ đó, công ty nhỏ có tên New York Auto Depot - chuyên bán siêu xe cũ, mới cho sinh viên Trung Quốc - ra đời. Ban đầu, cơ sở khách hàng của Lam là những sinh viên ở 19 trường đại học, nhưng sau này ngày một mở rộng.
Theo chàng trai mới 25 tuổi này, có nhiều kiểu người Trung Quốc đang du học tại Mỹ. Kiểu đầu tiên là những sinh viên dạng "mọt sách", chỉ biết cắm đầu vào học tập và họ chủ yếu thích di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. Kiểu thứ hai là những người chỉ dành ngân sách khoảng 20.000-60.000 USD sắm những chiếc ôtô kiểu "đứng đắn" như BMW hay Lexus. Và kiểu cuối cùng là những khách hàng giàu có thích sự khác biệt với những siêu xe. Và Lam quyết định sẽ tấn công mạnh vào phân khúc khách hàng cuối cùng này.
"Đó là nhóm khách hàng cao cấp, kiểu những phú nhị đại Trung Quốc, có bố mẹ giàu có. Họ đến Mỹ, rồi hay nói những câu kiểu như 'giá những chiếc xe này quá rẻ' nên phải mua một chiếc hạng sang kiểu Lamborghini hay Ferrari chứ không chỉ BMW", anh nói.
Mỗi tháng, công ty của Lam bán khoảng 60 chiếc xe với giá trung bình khoảng 30.000 USD một chiếc, nhưng 20\% doanh thu của công ty đến từ những chiếc siêu xe. Lam nói với CNBC rằng, chiếc đắt nhất anh từng bán lên tới 800.000 USD.
Những chiếc siêu xe bán ở Trung Quốc thường đắt hơn ở Mỹ 250\% nên các "phú nhị đại" lại càng thích thú với những đề xuất mà công ty Lam đưa ra. "Khi tới Mỹ, nhìn giá xe, họ chắc hẳn nghĩ giá như thế này là hợp lý. Do đó, nếu có một số tiền nhất định, tại sao bạn lại chỉ mua một cái", Lam nói.
Một chiếc Ferrari 458 tại Boston có giá chỉ 290.000 USD. Còn ở Bắc Kinh, con số này là hơn 700.000 USD.
Theo hãng nghiên cứu thị trường CNW Research, sinh viên Trung Quốc tại Mỹ chi gần 15,5 tỷ USD mua xe mới và cũ năm học 2012-2013. Những thương hiệu được ưa chuộng nhất là Mercedes-Benz, Lexus và BMW.
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin