Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Con bệnh” sông Tô Lịch: “Uống thuốc” lần này liệu có hồi sinh?

(DS&PL) -

Trước tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm nay tại sông Tô Lịch, TP.Hà Nội tiếp tục triển khai biện pháp nhằm cứu sống dòng sông này.

Trước tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm nay tại sông Tô Lịch, TP.Hà Nội tiếp tục triển khai biện pháp nhằm cứu sống dòng sông này. Nhiều người đặt câu hỏi “Liệu đây có phải giải pháp cuối cùng sau hơn 20 năm chờ đợi?”.

Việc xây dựng 50km đường ống thu gom nước thải tại sông Tô Lịch đang được nhiều người kỳ vọng.

Thêm giải pháp mới hồi sinh dòng sông chết

Mới đây, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội đã khởi công lắp đặt các ống cống dẫn nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống quanh sông Tô Lịch về nhà máy Yên Xá (Thanh Trì, TP.Hà Nội) với tổng chiều dài ống cống hơn 50km, tổng mức đầu tư dự án hơn 16.000 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch.

Dự án này được TP.Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, vô cùng quan trọng khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, góp phần làm sạch môi trường, sạch sông Tô Lịch.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, cho biết, xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô lịch và cống chính, có vị trí quan trọng nhất trong bốn gói thầu của Hệ thống nước thải Yên Xá do Nhật Bản tài trợ. “Hiện, nhà thầu đang hoàn thành công tác chuẩn bị để có thể thực hiện dự án một cách tốt nhất” – ông Hùng cho hay.

Được biết, gói thầu “Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô lịch và cống chính” có chiều dài 21,66 km; trong đó, gần 13km đi ngầm, hơn 8km đào mở được chính thức thi công từ ngày 18/5, nhằm chào mừng 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gói thầu do nhà thầu Nhật Bản (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)) thực hiện.

Để thi công gói thầu này, công nghệ giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Thứ nhất về bùn sẽ được xử lý theo phương pháp bùn hoạt tính truyền thống loại AO (quá trình nitrat hóa và khử nitrat), đạt tiêu chuẩn quốc tế thường áp dụng cho các nhà máy xử lý nước thải lớn. Về phần xây lắp sẽ được thực hiện theo phương pháp khoan kích ngầm (pipe jacking). Đơn vị thi công sẽ xây dựng đường ống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch có độ sâu từ 6m đến 19m.

Ông Hùng phân tích, phương pháp này sẽ đảm bảo vấn đề môi trường, tài sản nhà cửa, giao thông trên mặt đất, đảm bảo giữ được cảnh quan và quan trọng nhất là không phải giải phóng mặt bằng, tốn kém về nguồn lực.

Giải quyết tận gốc vấn đề

Nhận định về giải pháp này với PV tạp chí ĐS&PL, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng, việc thoát nước, tách nước cho TP. Hà Nội là vấn đề lớn đã được đề cập trong nhiều năm nay. Đặc biệt là việc đặt cống gom nước thải sông Tô Lịch đã được nêu ra từ nhiều năm trước. Việc các dòng sông phải tiếp nhận nước mưa, nước thải sinh hoạt cùng nhau sẽ gây ô nhiễm môi trường.

“Dự án triển khai lần này đã được trao đổi rất kĩ bởi các nhà khoa học. Đây là giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch. Khi không phải nhận nước thải nữa, chắc chắn sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét sẽ cải thiện, trong xanh hơn” - ông Nghiêm nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hà Đình Đức - người có nhiều năm nghiên cứu về các dòng sông Tô Lịch cho biết, giới khoa học, các nhà nghiên cứu rất tin tưởng và ủng hộ dự án lần này của Hà Nội, đây là giải pháp tương đối giải quyết dứt điểm nước thải sinh hoạt tại sông Tô Lịch. Lâu nay, những giải pháp trước kia chỉ là vụn vặt, chắp vá.

PGS.TS Hà Đình Đức.

“Đề xuất này đã có từ rất lâu, tuy nhiên trải qua bao nhiêu giải pháp thất bại trước đó, đến nay dự án này mới được thực hiện. Việc cải tạo dòng sông Tô Lịch mang ý nghĩa lớn lao cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa” – PGS.TS Hà Đình Đức cho hay.

Nói về điểm bất cập, KTS.Đào Ngọc Nghiêm cho biết, để nói giải quyết tận gốc vấn đề thì chưa hẳn, bởi tận gốc ô nhiễm phải từ các dòng sông phía Tây, trong đó có sông Hồng. Hà Nội có rất nhiều dòng sông hở, và thông nhau. Chính vì thế, nên việc giải quyết vấn đề ô nhiễm tại sông Tô Lịch còn nhiều khó khăn.

Đây mới chỉ bước khởi đầu, muốn xử lý tận gốc ô nhiễm môi trường tại các con con sông, thì trước hết phải gia tăng xử lý nước thải ở cuối các nguồn tại sông Tô Lịch, trong quy hoạch đã có. Từ đó nhân rộng ra các con sông khác tại Hà Nội.

Ngoài ra, bên cạnh việc giải quyết vấn đề nước thải, Hà Nội cần quyết liệt thực hiện tốt giai đoạn đầu, đẩy nhanh thu hút mọi nguồn lực đầu tư. Không thể trông chờ nguồn vốn từ Nhà nước được. Muốn được như vậy, việc sử dụng đất công đúng mục đích, nên được khai thác có hiệu quả, từ đó chủ đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư.

“Khi dòng sông không còn ô nhiễm nữa cần khai thác cảnh quan, thảm xanh quanh dòng sông để người dân được hưởng lợi. Nhưng việc này cần được nghiên cứu đồng bộ để phát triển dự án này tốt hơn” – KTS Nghiêm nói thêm.

Chắc chắn thành công?

"Về nguyên lý trong thành phố muốn phát triển phải có hệ thống đường cống thoát nước, hệ thống thu gom vận chuyển trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Hiện nay, ở các nước hiện đại thường tái sử dụng lại để tiết kiệm nguồn nước. Từ trước đến nay, ý tưởng xử lý nước thải đã có từ lâu. Tuy nhiên, trước kia do nước ta chưa có kinh tế, kỹ thuật. Đến tận bây giờ mới có thể thực hiện được. Đây là dự án xử lý nước thải bảo vệ môi trường nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây là vấn đề cần thiết cần thực hiện ngay.

Những dự án trước nay chỉ là dự án tình thế, một phần là do chúng ta chỉ có kinh phí ít nên thử những dự án ít tiền như vậy. Lần này dự án lần này là nhiệm vụ chiến lược bài bản. Chắc chắn sẽ thành công” - GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường (Chủ tịch hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam).

Lê Liên

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (21)

Tin nổi bật