Để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng gần 5 lít bia truyền vào đường tiêu hóa.
Như đã thông tin trước đó, sáng 25/12, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) nhập viện trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch. Trước đó, trong tiệc mừng Giáng sinh, ông Nhật cùng một số người uống rượu. Sau đó về nhà, ông cùng 3 người khác xuất hiện các bất thường.
Ông Nguyễn Văn Nhật và Lê Văn Tửu cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, hai bệnh nhân còn lại điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt, chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Methanol có trong rượu.
Kết quả cho thấy, hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Mẫu máu của bệnh nhân Lê Văn Tửu cũng gấp hơn 6 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Bệnh nhân Nhật được điều trị tại bệnh viện đa khoa Quảng Trị (Ảnh: Thanh niên) |
Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền ba lon bia tức gần một lít, vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân Nhật dần bình phục, tỉnh táo.
Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho hay đây là lần đầu khoa tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu nặng và sử dụng phương pháp này để cứu sống.
Cũng theo bác sĩ Lâm, không phải ngẫu nhiên mà bệnh viện quyết định chọn cách truyền bia vào để hỗ trợ điều trị ngộ độc rượu. Bác sĩ Lâm giải thích rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol).
Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Vì vậy để hạn chế quá trình chuyển hóa Metylic, các bác sĩ đã quyết định truyền bia cho bệnh nhân vì trong bia có Etylic. Khi truyền bia cho bệnh nhân Nhật, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu.
Hơn nữa, Metylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Thành - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết: Sở cũng đã nắm được sự việc này. Hiện Sở đã cho kiểm tra lại xem phương pháp này có trong quy chuẩn y khoa không. “Nếu nó không có trong quy chuẩn y khoa mà vẫn có hiệu quả thì nên được nghiên cứu thêm. Cơ bản vẫn là hiệu quả điều trị”.
Triệu chứng ngộ độc rượuTheo Medical News Today, ngộ độc rượu là tình trạng nghiêm trọng. Ngay cả khi bạn ngừng uống rượu, nguy cơ ngộ độc rượu vẫn tồn tại vì nồng độ cồn trong máu (BAC) có thể tiếp tục tăng trong 30-40 phút sau đó. Các triệu chứng tiến triển từ say sang ngộ độc rượu bao gồm: - Nhầm lẫn - Hạ thân nhiệt - Da nhợt nhạt, đôi khi có màu xanh - Không phản ứng nhưng có ý thức (sững sờ) - Bất tỉnh - Thở bất thường, đôi khi lên đến 10 giây giữa các nhịp thở - Nôn mửa, có khả năng bị nghẹn khi nôn Trong trường hợp nghiêm trọng: - Ngừng thở hoàn toàn - Cơn đau tim có thể xảy ra - Nếu bị nghẹn khi nôn, chất nôn có thể bị hít vào phổi gây nhiễm trùng nghiêm trọng - Hạ thân nhiệt - Nếu mất quá nhiều chất lỏng, bạn có nguy cơ bị tổn thương não - Đường huyết giảm có thể gây co giật - Bệnh nhân có thể hôn mê và nguy cơ tử vong cao |
Bạch Hiền (t/h)