Không đầu hàng trước nghịch cảnh, Ngọc Anh đã “vẽ” cuộc đời mình bằng ước mơ giảng dạy cho học sinh điếc với nghị lực và ý chí phi thường.
Tia hy vọng ánh lên rồi vụt tắt
Lớp học nhỏ kê 2 dãy bàn ghế, không một tiếng cười nói, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (29 tuổi) và 8 học sinh trong tiết học đặc biệt, tất cả giao tiếp bằng cử chỉ, ánh mắt. Thỉnh thoảng, một vài học sinh cố giơ cánh tay mình cao hơn tay bạn khác, ánh mắt sáng ngời, ra hiệu muốn được phát biểu.
Đó là lớp 1A tại trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập (trường cao đẳng Sư phạm Trung ương). Sau 10 năm, từ một học sinh của lớp khiếm thính, Ngọc Anh đã đứng trên bục giảng để dạy chính những học trò có hoàn cảnh như mình.
Cô Ngọc Anh dùng ký hiệu để diễn giải ý nghĩa của từ mới. |
Gần 30 năm trước, cô bé Nguyễn Thị Ngọc Anh chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình. Bà Phạm Thị Lan Anh (56 tuổi), mẹ của Ngọc Anh, đã đặt hết tình yêu thương, hy vọng vào đứa con gái lớn của mình, nhưng “cơn bão” đã chờ sẵn trước hiên nhà khi cô bé tròn 1 tuổi.
“Khi Ngọc Anh lên 1 tuổi, gia đình tôi phát hiện cháu học nói rất chậm, không phát triển thêm từ. Quá lo lắng, chúng tôi đưa con đi khám tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, nhận kết quả con bị điếc bẩm sinh. Đó là cú sốc rất lớn đối với gia đình tôi” - bà Lan Anh bùi ngùi nhớ lại.
Vực lại tinh thần, cả gia đình đã chuyển từ Thái Bình lên Hà Nội sinh sống, hết lòng chạy chữa cho con. Nhưng mọi công sức đều không mang lại kết quả, Ngọc Anh phải suốt đời sống chung với rào cản ngôn ngữ.
Quyết tâm không để con phải chịu thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa, gia đình cho Ngọc Anh đến trường. Học lớp mầm non cùng những đứa trẻ bình thường khác, cô bé luôn bị bỏ lại phía sau vì không thể giao tiếp cùng bạn bè. Không chịu bỏ cuộc, gia đình lại đưa cô con gái lớn đến trường PTCS Xã Đàn, theo học lớp dành cho người khiếm thính. Đây là môi trường tốt nhất cho Ngọc Anh lúc bấy giờ.
“Khi lên 9 tuổi, tôi biết rằng mình không thể nghe mọi thứ xung quanh. Giáo viên chủ yếu sử dụng phương pháp đọc khẩu hình miệng, mà đây không phải cách tốt nhất để dạy học, nên thực sự khá khó khăn cho tôi. Lúc đầu, tôi không thể hòa nhập với các bạn, vì hoàn toàn chưa biết những ký hiệu cơ bản. Qua một thời gian làm quen, tôi dần bắt nhịp và nhanh chóng phá bỏ khoảng cách với các bạn cùng hoàn cảnh” - Ngọc Anh lờ mờ nhớ lại.
Tia hy vọng đầu tiên ánh lên khi Ngọc Anh biết ở Biên Hòa (Đồng Nai) có trung tâm Nghiên cứu văn hóa điếc, dạy người điếc học bằng ngôn ngữ ký hiệu. Với khao khát tìm được môi trường mình có thể hòa nhập, được giao tiếp, được thấu hiểu, Ngọc Anh liền xin bố mẹ để lên đường, đi tìm “tiếng nói” của bản thân. Bố mẹ Ngọc Anh thương con còn nhỏ, lại phải xa nhà, nên không muốn mạo hiểm cho cô đi. “Khi đó, mặc dù hơi buồn, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác” - nhắc đến đây, cô vẫn không giấu nổi xúc động.
Năm 2010, trường cao đẳng Sư phạm Trung ương lần đầu tiên mở lớp dạy cho người điếc bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ngọc Anh may mắn được tuyển vào học lớp 6 tại trường. Đây là ngã rẽ quan trọng để Ngọc Anh vẽ nên con đường tri thức cho mình. “Khi đó tôi vô cùng hạnh phúc, vì có cơ hội học tập, hòa nhập với những bạn cùng cảnh ngộ như mình giúp tôi không còn cảm thấy cô đơn” - đôi mắt cô gái trẻ bỗng ánh lên rạng rỡ.
Tại đây, Ngọc Anh được dạy bằng phương pháp trực quan, ngôn ngữ ký hiệu phù hợp với người điếc. Ngoài việc tiếp thu, học sinh còn chia sẻ một số từ vựng mới để thầy cô có thêm vốn ký hiệu. Bản thân cô cũng chủ động học hỏi những người đi trước có kinh nghiệm và tự tìm ra phương pháp tự học.
Nhìn thấy tuổi thơ mình, càng thương học trò nhiều hơn
Nhờ tham gia hoạt động giáo dục cho trẻ điếc của dự án IDEO (dự án giáo dục cho trẻ điếc trước tuổi đến trường), Ngọc Anh được chứng kiến nhiều hoàn cảnh giống mình, nhiều gia đình khó khăn về kinh tế khiến việc học tập với trẻ điếc trở nên xa vời hơn. Từ đó, Ngọc Anh nung nấu quyết định thi vào trường cao đẳng Sư phạm Trung ương với hy vọng trở thành giáo viên để “vẽ” nên ước mơ học tập cho trẻ điếc.
Cô Ngọc Anh hướng dẫn từng học sinh một cách chi tiết. |
Sau nhiều năm giảng dạy cho trẻ điếc, cô giáo Ngọc Anh nghiệm ra rằng: Việc mở rộng vốn ngôn ngữ ký hiệu luôn luôn cần thiết, phương pháp giảng dạy trực quan, kết hợp ngôn ngữ ký hiệu là phương pháp phù hợp với trẻ điếc. Khi dạy tiếng Việt, giáo viên phải giới thiệu mặt chữ tiếng Việt, chiếu hình ảnh minh họa, cho trẻ học ký hiệu, sau đó, đánh vần chữ cái tiếng Việt bằng ngón tay. Như vậy, trẻ sẽ dễ tiếp cận và dễ nhớ hơn.
“Mỗi lần giảng bài, nhìn thấy hình ảnh tuổi thơ mình ở các em, tôi càng yêu thương những học sinh của mình hơn” - cô giáo trẻ hướng ánh mắt về những đứa trẻ. Hiện tại, Ngọc Anh là một trong những giáo viên giảng dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu đang được tập huấn sử dụng bộ hơn 4.000 ngôn ngữ ký hiệu, 150 video bài giảng Toán và tiếng Việt từ giáo viên người điếc được số hóa, trong đó, có các bài tập tương tác với học sinh.
Được học và dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu, Ngọc Anh đã tự tin hơn để bước ra thế giới bên ngoài. Cô tham gia những sự kiện liên quan đến quyền của người điếc trong việc tạo dựng môi trường bình đẳng cho người điếc trong xã hội. Tham gia đóng góp và đưa khuyến nghị về giáo dục cho người điếc. Đó là mối quan tâm hàng đầu của cô giáo Ngọc Anh để đảm bảo môi trường giáo dục chất lượng, phù hợp cho trẻ điếc.
“Tôi là người điếc và vẫn luôn có ích đối với xã hội. Ngôn ngữ ký hiệu là cánh cửa đưa tôi vào thế giới của mình, là hơi thở của tôi. Ngày xưa, tôi rất ao ước được cảm nhận những thanh âm trong cuộc sống ra sao, nhưng sau đó, tôi hiểu rằng, không nhất thiết phải nghe được bằng âm thanh. Quan trọng hơn, hãy tận dụng cảm giác trong tim mình và hành động tích cực sẽ khiến cuộc sống trở nên sống động hơn nhiều” - Ngọc Anh chia sẻ. |
Thủy Tiên - Quang Trường
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 4 (32)