Tưởng rằng các giờ học môn Hóa sẽ khô khan nhưng cô giáo Thu Nguyệt đã sáng tạo ra nhiều phương pháp dạy học để khơi gợi sự hứng thú của học sinh.
Cô giáo Dương Thu Nguyệt sinh năm 1985, giáo viên dạy Hóa tại Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội đã khiến học trò không còn cảm thấy môn Hóa khô khan, đáng sợ.
Với quan điểm “mọi điều của Hóa học đều liên quan đến thực tế”, cô giáo sinh năm 1985 luôn biết cách để khơi gợi niềm hứng thú ở học sinh. Cô đã tổ chức cuộc thi “Hoa hậu phân bón”, trong đó mỗi học sinh sẽ đóng vai từng loại phân bón để giới thiệu về đặc điểm, tính chất của bản thân. Ngoài ra, khi dạy tại các lớp mà học sinh có thế mạnh về thơ văn, cô Nguyệt lại cho học sinh biến kiến thức hoá học thành thơ, thậm chí có học sinh còn phổ nhạc.
Cô giáo Dương Thu Nguyệt |
Chia sẻ về những giờ học được "biến hóa" với những bài thơ, kịch, cô Nguyệt cho biết: "Để làm được những hoạt động này mất khá nhiều thời gian. Vì thế, mình phải linh động giờ giảng để cho các con được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm. Chương trình học nặng, học trò phải thi cử nhiều. Mình nghĩ, càng thi nhiều thì càng phải tổ chức nhiều hoạt động để các con cảm thấy thoải mái hơn, không còn thấy nặng nề khi đi học".
Trong gia đình có bố là giáo viên, cô Nguyệt chia sẻ từ nhỏ mình đã luôn ao ước được theo bố mỗi lần ông đi dạy. Trong suốt những năm phổ thông, nhờ tính cách hướng ngoại, sôi nổi, Nguyệt tham gia rất nhiều hoạt động đoàn. Nhiều người nghĩ, cô chắc sẽ thi trường Ngoại giao nhưng trái lại, Nguyệt quyết định trở thành sinh viên khoa Sư phạm, nay là Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ nhỏ, cô Nguyệt đã có khao khát được đứng trên bục giảng. |
"Thật ra tôi đã yêu nghề giáo từ rất lâu. Tôi tự thấy mình may mắn khi ở nhà có bố là thầy, trên lớp lại gặp được những giáo viên tận tình, tâm huyết giúp đỡ nên tình yêu đó được duy trì trong nhiều năm", cô Nguyệt chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Tươi, Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc, chính là giáo viên dạy Hóa năm xưa đã truyền cảm hứng cho cô Nguyệt lựa chọn và theo đuổi ngành Sư phạm Hóa. Trong ký ức của cô Tươi, Thu Nguyệt là học trò xuất sắc, năng nổ trong công tác đoàn và khi làm cán sự lớp. "Khi thấy học trò quay về trường giảng dạy, tôi rất xúc động", cô Tươi nói.
Cô giúp học sinh cảm thấy các giờ học Hóa không còn khô khan, đáng sợ. |
Trong suốt 14 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Nguyệt cho biết mình luôn thấy hạnh phúc với lựa chọn này: "Ở ngôi trường của mình, phụ huynh rất tôn trọng giáo viên. Có những phụ huynh cách trường cả chục cây số, đến mùa ngô, mùa lạc cũng mang tới tận trường tặng cô. Mình thấy vui vì dù nghề này có thể không phải là nghề khiến mình giàu lên, nhưng nó làm mình cảm thấy thoải mái nhất”.
Bích Thảo (T/h)