Cung vương phủ
Theo lịch sử Trung Quốc, tháng 5/1780, vua Càn Long (1711-1799) đã quyết định gả con gái là Hòa Hiếu công chúa cho con trai của đệ nhất sủng thần trong triều đình khi đó là Hòa Thân (1750-1799).
Một tháng sau đó, Càn Long hạ chiếu chỉ chọn một khu đất trong số gia sản bị sung công của đại thần Lý Thi Nghiêu (?-1788) để ban cho Hòa Thân xây phủ đệ cho công chúa.
Năm Càn Long thứ 49 (1784), việc xây dựng phủ đệ hoàn tất. Tháng 1/1790, hôn lễ của Hòa Hiếu công chúa và con trai của Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức được cử hành, công chúa chính thức vào ở trong phủ.
Mặc dù mang danh là xây dựng để làm nơi công chúa ở, nhưng trên thực tế đây là phủ đệ được vua Càn Long ban cho Hòa Thân.
Bản đồ sơ lược vị trí một số công trình bên trong Cung vương phủ. Ảnh: Baidu
Tới năm 1799, vua Càn Long băng hà, vua Gia Khánh (1760-1820) tiếp quản triều chính và quyết tâm bài trừ nạn tham nhũng trong triều đình.
Lúc này, vị quan tham đầu tiên mà vua Gia Khánh nhắm tới chính là Hòa Thân. Tháng 2 cùng năm, Gia Khánh đã bãi miễn chức vụ Quân cơ đại thần của Hòa Thân, đồng thời phái nhiều thân vương và quan chức đến phủ công chúa cùng nhiều phủ khác của Hòa Thân, để tịch biên gia sản.
Hoàng đế Gia Khánh sau đó đã chuyển quyền sở hữu phủ trên từ công chúa Hòa Hiếu cho em trai là Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân (1766-1820). Phủ công chúa được gọi với cái tên “Khánh vương phủ”.
Tới năm 1852, vị vua thứ chín của nhà Thanh là Hàm Phong đã ban phủ cho Cung Trung Thân vương Dịch Hân (1833-1898). Từ đó, vương phủ được đổi tên là “Cung Vương Phủ”, và cái tên này được sử dụng cho tới ngày nay.
Giàu có, xa hoa hơn cả hoàng đế
Tranh vẽ Hòa Thân.
Cung Vương Phủ được mệnh danh là “Dinh thự xa hoa nhất triều đại nhà Thanh”, với diện tích hơn 60.000m2, chia làm 2 phần, gồm phủ đệ và hoa viên. Công trình được xây dựng trên một vị trí đắc địa ở khu vực Thập Sát Hải, được cho là nằm trên mạch của "thủy long", có phong thủy tốt.
Theo quan niệm phong thủy, dòng nước trong nhà có liên quan trực tiếp đến tài vận. Phủ Hòa Thân nằm ở nơi "tứ phía đều thấy nước" và có dòng nước chỉ chảy vào mà không chảy ra, cho rằng sẽ giúp gia chủ thăng tiến và thuận lợi về tài chính.
Vào thời bấy giờ, người ta cho rằng Hòa Thân còn giàu hơn cả vua Càn Long, thành thử Cung Vương Phủ cũng nguy nga không kém gì phủ chúa. Trong phủ, Hòa Thân cho xây dựng hai ngọn núi nhân tạo trong phủ với hai trấn trạch vô cùng quý giá: Một con tỳ hưu lớn tạc bằng ngọc Phỉ thúy xanh rất quý hiếm mà vua Càn Long cũng chỉ có một con nhỏ bằng bạch ngọc và chữ Phúc do chính Càn Long viết để tặng bà nội nhân dịp thượng thọ đã bị Hòa Thân chiếm làm của riêng.
Theo sử sách chép lại, Hòa Thân đã đích thân quy hoạch và trang trí dinh thự này theo những tiêu chuẩn khắt khe của một cung điện.
Phủ Hòa Thân - Cung Vương phủ ngày nay.
Phủ được bố trí theo kiểu “Tam Lộ Ngũ Tiến”, kiến trúc tinh xảo mà rộng lớn. Cung Vương phủ có 99 căn phòng với ý nghĩa “mãi mãi dư thừa”. Thiết kế của toàn bộ dinh thự được kết hợp hoàn hảo và thể hiện đầy đủ sự vinh quang và sang trọng của hoàng gia. Các tòa nhà bên trong phủ được đặt trong sân tứ giác kiểu truyền thống.
Kiến trúc ở trục chính dùng ngói lưu ly xanh, mô phỏng kiến trúc dành cho Phủ Đệ của Thân Vương. Hoa viên còn được gọi là Tụy Cẩm Viên. Bố cục tổng thể 3 mặt giáp giả sơn, với hơn 50 Cảnh Điểm phân bố 3 trục Đông, Tây, Trung. Vương Phủ, theo vòng quay của thời gian, hàm chứa hết những tinh túy, cao quý của văn hóa Vương phủ đời Thanh.
Sâu vào biệt phủ, có một tòa nhà hai tầng với 88 cửa sổ, mỗi cửa sổ lại có một hoa văn khác nhau. Có giả thuyết nói rằng, Hòa Thân cố tình thiết kế cửa sổ như vậy để phân biệt vị trí đặt các bảo vật trong biệt phủ.
Cung Vương phủ có 99 căn phòng với ý nghĩa “mãi mãi dư thừa”.
Tích Tấn Trai là nơi ở của Hòa Thân cùng 9 người vợ. Bên trong có những cột nhà mà theo nhận định của các nhà sử học mỗi cây có giá tới 2,7 tỷ NDT (gần 9.500 tỷ đồng). Cột này được làm từ một loại gỗ mà Trung Quốc gọi là gỗ đế vương, có tên là Trinh Nam. Mùi hương của loại gỗ này thoang thoảng, đặc biệt có khả năng chống côn trùng, mối mọt, do vậy vào mùa Hè không một con muỗi nào có thể bay vào bên trong.
Gánh lát của Tích Tấn Trai cũng hết sức đặc biệt, được làm từ một loại đá được hình thành khi magma lăn ra khỏi lớp vỏ trái đất trong quá trình phun trào núi lửa. Do vậy, được coi như hóa thạch nhiều trăm triệu năm, khi đặt chân lên sẽ rất ấm vào mùa Đông và mát lạnh vào mùa Hè. Trong lịch sử chỉ có hoàng gia mới được sử dụng loại đá này và người dân bị cấm khai thác.
Hậu Tráo lầu, hay còn gọi là lầu Tàng Bảo, nơi cất giữ các báu vật thuộc hàng tuyệt phẩm của Hòa Thân. Tòa nhà này dài hơn 180m, có 111 gian phòng và 88 cửa sổ, mỗi cửa mang một hoa văn khác nhau dùng để phân biệt vị trí các căn phòng chứa bảo vật. Ví dụ cửa sổ hình quả đào là nơi cất giữ San hô đỏ. Vào thời điểm đó, san hô đỏ của Hoàng đế Càn Long chỉ cao khoảng 2 thước Trung Quốc, trong khi của Hòa Thân cao hơn 3 thước, tức tầm 1 mét. Ông ta có tận 11 tảng san hô như vậy. Hoàng đế Gia Khánh khi nhìn thấy những tảng san hô này đã vô cùng sửng sốt.
Phủ Hòa Thân cất giữ nhiều kho báu độc nhất vô nhị.
Cửa sổ hình thoi là nơi chứa 10 viên ngọc trai, mỗi viên to bằng quả nhãn, tức to hơn cả viên ngọc trai đính trên vương miện của vua Càn Long. Hay như cửa sổ đặc biệt có hình 2 con cá, cái khánh và con dơi, là nơi chứa các thỏi vàng hay còn gọi là kim nguyên bảo. Đáng nói là vàng thỏi trong phủ Hòa Thân không nhỏ như thường thấy, mà lớn như một cái gối nhỏ, nặng tới hơn 30kg.
Theo sử sách chép lại, khi nhà Hoà Thân bị lục soát, người ta đã phát hiện khoảng 800 triệu lượng bạc cùng nhiều cửa hàng, ruộng đất với tổng tài sản khoảng 1,1 tỷ lượng bạc. Con số này lúc bấy giờ tương đương với ngân khố của nhà Thanh tích góp trong 15 năm.
Danh sách thắng cảnh cấp quốc gia
Cung Vương Phủ vào năm 1952 đã được sử dụng làm học viện dành cho nữ sinh của trường Đại học sư phạm Bắc Kinh. Trong khoảng thời gian từ năm 1956-1964, nhiều tòa nhà của Cung Vương Phủ đã bị một số cơ quan công quyền và hàng trăm hộ dân chiếm hữu và sử dụng trái phép.
Tới năm 1962, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai đã ra chỉ thị yêu cầu chính quyền thành phố Bắc Kinh cần bảo tồn và gìn giữ di tích Cung Vương Phủ. Trải qua hàng chục năm đấu tranh, chính quyền Bắc Kinh vào năm 2006 đã hoàn tất việc dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép và trả cho di tích này không gian vốn có.
Vào năm 2012, Cung Vương Phủ đã được chính quyền Trung Quốc liệt vào danh sách thắng cảnh cấp quốc gia, và trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nhiều nhất ở Bắc Kinh.
Mộc Miên (T/h)