Theo Vnexpress, Wan Feng, Giám đốc Khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Quảng Đông, cho biết sự việc xảy ra trong một buổi học hôm 17/5. Người phụ nữ bất ngờ phát bệnh và xuất hiện triệu chứng lạ là không thể phát âm hay giao tiếp bằng tiếng Anh. Trong khi đó, cô nói được tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông như bình thường.
"Cô ấy từng đi du học hơn một năm và có nền tảng tiếng Anh rất tốt. Nhưng sau cơn bệnh, cô ấy chỉ còn có thể nói tiếng mẹ đẻ", bác sĩ Wan nói.
Do xuất huyết não, bệnh nhân bị ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ. Ảnh: Oddity Central.
Lo lắng vì mất khả năng sử dụng tiếng Anh, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông để kiểm tra. Các bác sĩ ban đầu nghi ngờ cô có khối u não ảnh hưởng đến vùng kiểm soát ngôn ngữ. Tuy nhiên, kết quả chụp MRI cho thấy người phụ nữ bị xuất huyết ở vùng vận động bên trái não. Tình trạng này là nguyên nhân khiến cô tạm thời mất khả năng nói tiếng Anh.
Sau khi được phẫu thuật não để giảm áp lực, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục khả năng nói tiếng Anh và tiếp tục kế hoạch học tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, câu chuyện của cô đã thu hút nhiều bình luận hài hước trên mạng xã hội.
“Bác sĩ ơi, giường số ba xin được mổ học tiếng Đức nhé!”
“Ca phẫu thuật kỳ diệu giúp bạn nói trôi chảy ngoại ngữ. Đăng ký ở đâu vậy bác sĩ?”
Một số người còn đùa rằng đây có thể là “giải pháp thần tốc để giỏi tiếng nước ngoài mà không cần học hành vất vả”.
Theo giới chuyên môn, trường hợp mất khả năng nói một ngôn ngữ cụ thể sau tổn thương não là hiện tượng rất hiếm gặp, nhưng có cơ sở khoa học. Những người sử dụng nhiều ngôn ngữ thường lưu trữ ngôn ngữ thứ hai tại các vùng khác nhau trong não bộ, và có thể chịu ảnh hưởng không giống nhau khi bị tổn thương thần kinh.
“Không phải tất cả các ngôn ngữ được xử lý như nhau trong não,” một bác sĩ thần kinh tại Bắc Kinh cho biết. “Ngôn ngữ học từ nhỏ và ngôn ngữ học sau này có thể nằm ở các khu vực khác nhau.”
Trường hợp cô gái 24 tuổi đã cho thấy mức độ phức tạp của bộ não con người, đồng thời cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc theo dõi sức khỏe thần kinh, đặc biệt ở người trẻ thường xuyên chịu căng thẳng học tập và làm việc, thông tin trên Góc nhìn pháp lý.