Có được dừng đèn đỏ ở làn rẽ phải không?
Về vấn đề có được dừng đèn đỏ ở làn rẽ phải không, chia sẻ trên báo Thanh Niên, luật sư Nguyễn Hùng Quân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, về nguyên tắc khi tham gia giao thông trên đường, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008. Cụ thể tại khoản 1 điều 9 quy định như sau: "Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ".
Có được dừng đèn đỏ ở làn rẽ phải không? Ảnh minh hoạ
Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều, được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, dành cho nhiều phương tiện tham gia lưu thông với trọng tải, kích thước, tốc độ khác nhau. Nên để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác thì người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép, khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
Thực tế, tại một số các giao lộ/vòng xoay, khi đèn đèn đỏ, phương tiện có thể được rẽ phải nếu có thêm đèn tín hiệu, hoặc biển báo phụ cho phép. Tuy nhiên, do lượng xe lưu thông quá đông vào những giờ cao điểm nên một số người đã cho phương tiện lấn sang làn rẽ phải để dừng xe làm cho các phương tiện phía sau không thể rẽ phải gây ùn tắc, kẹt xe cục bộ.
Mặc dù vậy, để xác định dừng xe thế nào, ở đâu là vi phạm luật, cần làm rõ 2 trường hợp.
Thứ nhất, nếu ở ngã tư không có cắm biển báo R.411 (Biển báo hướng đi trên mỗi làn phải theo) hoặc trên mặt đường không có kẻ vạch mà chỉ có biển đèn đỏ được rẽ phải, thì người đứng chờ trên làn này không sai luật.
Thứ hai, nếu ở ngã tư có cắm biển báo R.411 (Biển báo hướng đi trên mỗi làn phải theo) hoặc trên mặt đường có kẻ vạch thì làn bên phải chỉ dành cho rẽ phải, những phương tiện đi thẳng mà đứng chờ đèn đỏ ở làn này là vi phạm pháp luật.
Mức xử phạt hành chính hành vi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường là bao nhiêu?
- Đối với xe máy
Dựa vào điểm a của Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được thay thế bằng điểm e, Khoản 34, Điều 2, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), việc xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được quy định như sau:
Người điều khiển xe sẽ bị phạt mức tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi thực hiện một trong những hành vi vi phạm sau đây: Không tuân thủ hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn từ biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ những hành vi vi phạm được quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e, điểm h Khoản 2; điểm a, điểm d, điểm g, điểm i, điểm m Khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e Khoản 4; Khoản 5; điểm b, Khoản 6; điểm a, điểm b, Khoản 7; điểm d, Khoản 8 của Điều này.
Do đó, vi phạm quy định về không tuân thủ chỉ dẫn từ vạch kẻ đường có thể dẫn đến xử phạt hành chính với mức tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Đối với xe ô tô
Dựa vào điểm a của Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được thay đổi một số cụm từ bởi điểm a, điểm I, Khoản 34, Điều 2, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Người điều khiển xe sẽ bị xử phạt hành chính mức tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng nếu thực hiện một trong những hành vi vi phạm sau đây: Không tuân thủ hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn từ biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ những hành vi vi phạm được quy định tại điểm a, điểm d, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k Khoản 2; điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm k, điểm l, điểm o, điểm r, điểm s Khoản 3; điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm I Khoản 4; điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i Khoản 5; điểm a Khoản 6; điểm a, điểm c, điểm d Khoản 7; điểm a Khoản 8 của Điều này.
Do đó, người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi không tuân thủ chỉ dẫn từ vạch kẻ đường sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.