Xem video:
Liên tiếp trong 2 ngày 31/10 và 3/11, Công an huyện Gia Lâm đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ vận chuyển, tiêu thụ hơn 400 chiếc điện thoại với giá trị gần 1 tỷ đồng. Toàn bộ số hàng kể trên đều không có hóa đơn, chứng từ và được giao dịch với cách thức rất đơn giản, hàng được đóng gói, gửi qua xe khách sau đó giao nhận tại Hà Nội hoặc các vùng lân cận.
Thiếu tá Trần Minh Chi, đội cảnh sát điều tra tội phạm về TTQLKT và CV, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Các đối tượng hoạt động rất nhiều lần, với thủ đoạn rất tinh vi, khi nhận hàng thì các đối tượng cho vào túi xách như người đi du lịch hoặc đi công tác. Các đối tượng liên lạc với nhau bằng sim rác, sau khi giao dịch xong là tắt điện thoại, khóa máy".
Theo khai nhận của Nguyễn Thị Phương Hoa, người đã bị phát hiện đang vận chuyển hàng trăm chiếc điện thoại kể trên, mỗi tháng Hoa được trả 4 triệu đồng được để nhận và giao hàng, ngoài ra Hoa không tham gia thêm vào các công đoạn nào khác vì mọi hình thức giao dịch đã được thực hiện từ xa.
Đối tượng Nguyễn Thị Phương Hoa, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội khai nhận: "Em được chị Tuyết thuê vận chuyển, em cũng không biết là vi phạm pháp luật, nếu biết em đã không làm. Em chỉ việc giao hàng còn không biết họ bán ở đâu".
Thiếu tá Trần Minh Chi, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Thời gian tới các đối tượng có thể sử dụng cả xe 4 chỗ, vận chuyển thẳng từ Móng Cái về Hà Nội hoặc vận chuyển qua đường bưu điện, tất cả các giao dịch đều được chuyển qua ngân hàng, sau khi chuyển khoản là lại đóng tài khoản và chuyển qua tài khoản mới".
Thực tế, từ nhiều năm nay, việc buôn lậu mặt hàng điện thoại đã và đang được thực hiện với rất nhiều chiêu thức, thậm chí, để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã sử dụng đường bưu điện để tiêu thụ trót lọt hàng ngàn chiếc điện thoại nhái được nhập lậu từ Trung Quốc.
Thượng tá Trần Đình Điệp Phó phòng 5, cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cho biết: "Các đối tượng xé lẻ các linh kiện rồi nhập lậu vào Việt Nam, sau đó mới lắp ghép tại nội địa. Sau khi hoàn thành thì chuyển hàng qua bưu điện, bưu điện cũng không kiểm tra kỹ nên đã ký hợp đồng để gửi hàng cho các đối tượng buôn lậu".
Việt Nam với nguồn dân số trẻ, năng động được đánh giá là 1 thị trường rất giàu tiềm năng với sức mua rất lớn nên hàng nhập lậu, hàng nhái vẫn thu hút nhiều khách hàng cả về giá cả và kiểu dáng.
Thực tế hiện nay, nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để ngăn chặn nguồn hàng hóa phi pháp này đang âm thầm tuồn vào nội địa thì hàng năm Nhà nước sẽ thất thoát 1 nguồn thuể rất lớn.