Chuyến xuất ngoại đầy tham vọng và chồng chất khó khăn của Trump không mang lại kết quả như kỳ vọng.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Donald đến khu vực Trung Đông có thể sẽ dẫn đến những bất ổn mới cho khu vực. Chuyến thăm của ông tới châu Âu khó có thể cải thiện mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Mỹ và Liên minh châu Âu EU cũng như giữa Mỹ và Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO.
Trong khi đã có Liên minh quốc tế chống khủng bố hơn 60 nước do Mỹ đứng đầu và Liên minh 34 nước Hồi giáo do Ả rập Xê út đứng đầu, một Liên minh chống khủng bố mới sẽ chỉ làm rối thêm tình hình khi mục tiêu chủ yếu là nhằm vào Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, kéo dài 9 ngày với chương trình nghị sự dày đặc và các điểm đến là Ả rập Xê út, Israel, Vatican, Bỉ, Italia và tham dự hai hội nghị của Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO và nhóm các nước công nghiệp G-7.
Có thể nói chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã được tiến hành trong bối cảnh nội bộ chính quyền Mỹ có nhiều mâu thuẫn, bất ổn, tình hình Trung Đông cũng như châu Âu đang hết sức rối ren và quan hệ giữa Mỹ và các nước đến thăm đang ở trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" nếu không muốn nói là căng thẳng.
Tại Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố gặp nhiều khó khăn. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và các tổ chức khủng bố khác vẫn tiếp tục hoành hành khắp nơi.
Các cuộc xung đột tại Syria, Iraq, Yemen, Libya...ngày càng phức tạp và chưa thấy triển vọng giải quyết sớm. Vấn đề Palestine-Israel vẫn bế tắc sau khi các cuộc thương lượng giữa hai phía bị đổ vỡ từ 2014 đến nay chưa nối lại được.
Tình hình tại châu Âu cũng đang rối bởi sau quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu EU Brexit. Dòng người tỵ nạn, các cuộc tấn công khủng bố tiếp tục đe dọa an ninh và ổn định châu Âu.
Vụ khủng bố đẫm máu xảy ra ngày 22/5 tại sân vận động Manchester của Anh làm 22 người chết và 59 người bị thương ngay trước khi ông Trump đến châu Âu là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với chuyến thăm. Châu Âu đang ở trong tình trạng chưa rẽ nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Quan hệ giữa Mỹ với Ả rập Xê út và các nước Hồi giáo căng thẳng chưa từng có sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức một tuần, ngày 27/1/2017 đã ký sắc lệnh hạn chế người nhập cư và tỵ nạn từ 7 nước theo đạo Hồi.
Trước đó, ngày 10/9/2916 Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật "Công lý chống bảo trợ hành động khủng bố JASTA" nhân dịp nước Mỹ kỷ niệm 15 năm vụ khủng bố 11/9. Dự luật này cho phép gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố này kiện Ả rập Xê út bởi vì trong số 19 kẻ tiến hành vụ khủng bố này có 15 tên mang quốc tịch Ả rập Xê út.
Bất đồng giữa Mỹ và Ả rập Xê út cũng nổi lên trong nhiều vấn đề khác, đặc biệt về Thoả thuận hạt nhân Iran ký 15/7/2016 và cuộc xung đột Ả rập-Palestine. Đáp lại, Ả rập Xê út đã nhiều lần dọa đóng băng và phát mãi 750 tỷ đô la đầu tư của mình tại Mỹ.
Bất đồng giữa Mỹ và Israel trở nên gay gắt sau khi Mỹ ủng hộ Hội đồng Bảo an ngày 23/12/2016 thông qua nghị quyết yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Việc Tổng thống Mỹ tuyên bố không ủng hộ giải pháp hai nhà nước và chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem gây phẫn nộ trong thế giới Ả rập, đặc biệt là người Palestine.
Quan hệ giữa Mỹ với Liên minh châu Âu, Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO và Vatican cũng hết sức khó khăn.
Quan điểm hai bên rất khác nhau trong nhiều vấn đề của thế giới, trong đó có vấn đề đóng góp chi phí cho hoạt động của NATO, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu, vấn đề Hồi giáo, cuộc khủng hoảng tị nạn và cuộc chiến chống khủng bố.
Trong chuyến thăm Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm chống khủng bố và xây dựng Trung Đông thành một khu vực an ninh, hoà bình và ổn định. Tuy nhiên, việc biến những tuyên bố này thành hành động thực tế lại là một chuyện khác.
Trung Đông vốn là một kho vũ khí khổng lồ và là nơi đang diễn ra nhiều cuộc xung đột đẫm máu, không ai có thể tin rằng hợp đồng cung cấp vũ khí khổng lồ cho Ả rập Xê út trị giá 350 tỷ USD là nhằm mục đích kiến tạo hoà bình. Không ai có thể loại trừ được khả năng các vũ khí này không rơi vào tay bọn khủng bố.
Hợp đồng này đang gây lo ngại cho Israel và không nhận được sự đồng thuận trong chính nội bộ nước Mỹ. Một số nghị sỹ quốc hội Mỹ, kể cả dân chủ và cộng hoà, dựa trên Luật giám sát xuất khẩu vũ khí năm 1976 đã đề nghị đưa ra bỏ phiếu bác bỏ hợp đồng này.
"Tuyên bố Riyadh" ký kết sau cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Trump với 55 nhà lãnh đạo các nước Ả rập và Hồi giáo nêu ý tưởng thành lập một "Liên minh Trung Đông" hay còn được gọi là "NATO Ả rập" chống khủng bố với 34 ngàn quân vào năm 2018 không dễ gì thực hiện.
Trong số 55 nước tham gia cuộc gặp cấp cao Riyadh cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều nước không được tham khảo yếu kiến và không ký Tuyên bố Riyadh. Ngay sau khi ông Trump kết thúc chuyến thăm rời khu vực thì đã bùng nổ cuộc khẩu chiến giữa các nước vùng Vịnh.
Trong tình hình chia rẽ sâu sắc giữa các nước Ả rập hiện nay, việc thành lập liên minh này không đơn giản chút nào, chưa kể đến việc phân chia nghĩa vụ đóng góp tài chính, vũ khí và binh lực.
Với việc coi Iran là nước bảo trợ khủng bố số 1 trên thế giới, việc Tổng thống Trump đưa Phong trào kháng chiến Palestine Hamas và Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố cùng với IS, Al-Qaeda, thì việc thành lập một liên minh chống khủng bố không có sự tham gia của tất cả các bên liên quan đang dấy lên sự nghi ngờ lớn về ý đồ chống khủng bố thực sự của Mỹ.
Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng, thực chất đây là liên minh chống Iran.
Ngay sau khi Trump kết thúc chuyến thăm rời Riyadh, Iraq và một số nước vùng Vịnh đã tuyên bố không tham gia liên minh chống Iran, còn Ả rập Xê út và Qatar thì tố cáo lẫn nhau ủng hộ khủng bố và gây chia rẽ nội bộ Ả rập. Trong tình hình như vậy rất khó có thể hình thành một liên minh chống Iran.
Không thể giải quyết được các vấn đề phức tạp nhất ở Trung Đông mà không có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria IGSS, trong đó có Mỹ được thành lập năm 2015 đã nhất trí nguyên tắc về sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Năm ngoái Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đại diện cho quan điểm của các nước vùng Vịnh đã đưa ra sáng kiến tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính phủ với phe đối lập Syria và dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn tại Syria. Các cố gắng này đã được Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Trong tình hình như vậy, việc thành lập một liên minh riêng rẽ chống khủng bố và giải quyết các cuộc xung đột khu vực là rất khó đi đến thành công. Việc coi Iran là nước bảo trợ khủng bố là nhằm đánh lạc hướng dư luận đang tố cáo một số nước vùng Vịnh, kể cả Mỹ đang cung cấp tài chính và vũ khí cho IS và các tổ chức khủng bố khác trong cuộc nội chiến Syria.
Chính Quốc hội Mỹ đã thông qua bộ luật JASTA cho phép kiện Ả rập Xê út vì phần lớn những kẻ gây ra vụ khủng bố 11/9/2001 là công dân Ả rập Xê út và chính trùm khủng bố Bin Laden của tổ chức Al-Qaeda là người Ả rập Xê út.
Trong chuyến thăm Israel và Beit Lahem Palestine, Tổng thống Trump luôn luôn nhắc đến sự cần thiết phải nối lại các cuộc đàm phán hoà bình giữa Israel và Palestine, những không hề nêu ra được những đề nghị cụ thể.
Những vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột như quyền tự quyết, quyền hồi hương, quyến thành lập Nhà nước Palestine độc lập, vấn đề Jerusalem, các khu định cư Do thái....ông Trump đã hoàn toàn né tránh.
Trong khi đó ông lại khẳng định chính quyền của ông sẽ "mãi mãi đứng về phía đồng minh Israel". Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì vẫn tuyên bố Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel và từ chối đề nghị của Tổng thống Trump tạo một số điều kiện dễ dàng cho người Palestine ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.
Nhiều người hy vọng chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Mỹ sẽ góp phần hàn gắn các bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và đồng minh, nhưng điều này đã không xảy ra.
Ngày 25/5, trong bài phát biểu hết sức gay gắt trước lãnh đạo các nước thành viên NATO tại Brussel, ông Trump vẫn chỉ trích mạnh mẽ các nước NATO không chịu chi phí đóng góp đủ cho quốc phòng và nói rằng, "23 trong số 28 thành viên NATO vẫn còn nợ Mỹ những khoản tiền lớn, chưa đóng góp đủ nghĩa vụ tài chính của họ để được bảo vệ".
Chính quyền Mỹ không thể dùng tiền đóng thuế của người dân Mỹ để bảo vệ an ninh cho các nước châu Âu. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sẵn sàng gia nhập Liên minh chống khủng bố, nhưng sẽ không đưa bộ binh đến Trung Đông.
Đặc biệt, trong khi Mỹ căng thẳng với Nga thì các nước châu Âu muốn đối thoại với Nga để giải quyết các bất đồng trong quan hệ giữa hai phía. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng các biện pháp cấm vận Nga đang gây thiệt hại cho chính các nước châu Âu vì Nga là đối tác kinh tế lớn của châu Âu.
Cuộc họp cấp cao nhóm các nước công nghiệp G-7 tại thành phố Taormina trên đảo Sicily kết thúc với một loạt bất đồng.
Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn không đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề thương mại, thay đổi khí hậu, đi cư và trừng phạt kinh tế đối với Nga. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói "đây là hội nghị cấp cao khó khăn nhất kể từ nhiều năm nay".
Có thể nói chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ tham vọng nhiều, khó khăn không ít, không cải thiện được quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo và các đồng minh châu Âu.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.