Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện tình đẹp hơn cổ tích, kéo dài suốt 7 thập kỷ giữa Nữ hoàng Anh và Hoàng thân Philip

(DS&PL) -

Dù phải đối mặt với nhiều rào cản và khó khăn nhưng Nữ hoàng Anh Elizabeth II và chồng là Hoàng thân Philip vẫn luôn ở cạnh nhau suốt 70 năm.

Dù phải đối mặt với nhiều rào cản và khó khăn nhưng Nữ hoàng Anh Elizabeth II và chồng là Hoàng thân Philip vẫn luôn ở cạnh nhau suốt 70 năm.

Nữ hoàng Elizabeth II và chồng đã gắn bó với nhau hơn 70 năm qua cho đến giờ phút cuối cùng khi Hoàng thân Philip qua đời ở tuổi 99 vào ngày 9/4. Thông tin về sự ra đi của Công tước xứ Edinburg đã khiến người dân Anh vô cùng thương xót. Trong tuyên bố chính thức về vấn đề này, Cung điện Buckingham cho biết: "Với sự đau buồn sâu sắc nhất Nữ hoàng xin thông báo Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburg, đã qua đời ở tuổi 99".

Được biết, trước đó 4 tuần, Hoàng thân Philip từng phải nhập viện để thực hiện cuộc phẫu thuật tim. Sau đó, ông đã xuất viện và quay về cung điện hoàng gia vào ngày 16/3. Hoàng thân đã rời khỏi tầm mắt của dư luận từ năm 2017 nhưng ông vẫn luôn ở cạnh và ủng hộ các quyết định của vợ mình. 

Chuyện tình đặc biệt

Chuyện tình của Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth II đã kéo dài hơn 70 năm và họ được nhận xét là cặp đôi đặc biệt nhất từng có trong hoàng gia. Theo đó, hầu hết các cuộc hôn nhân trong hoàng tộc đều do sắp đặt nhưng đối với Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip, họ đã đến với nhau bằng tình yêu thật sự sau thời gian dài tìm hiểu. 

Điều này vốn khó chấp nhận trong thời gian ấy bởi ông Philip vốn không phải người giàu có trong khi Công chúa Elizabeth khi ấy là người có đủ mọi thứ trên thế giới từ tiền bạc, danh tiếng, nhan sắc và sự thông thái.

Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip đến với nhau vì tình yêu. Ảnh: AFP

Được biết, Công chúa Elizabeth lần đầu chú ý tới chồng tương lai của mình vào năm 1939, trong một chuyến đi cùng cha đến thăm Trường Cao đẳng Hải quân Dartmouth. Các báo cáo cho biết, thời điểm ấy ông Phillip mới 18 tuổi đã có thể gây ấn tượng với Công chúa Elizabeth 13 tuổi với điệu nhảy giật lùi của mình. 

Bảo mẫu của Công chúa Elizabeth sau đó tiết lộ rằng bà gần như "không thể rời mắt khỏi ông ấy" trong khi ông lại "chẳng hề để ý tới bà".

Em họ của Nữ hoàng Elizabeth, Công chúa Margaret Rhodes sau này cũng khẳng định điều tương tự, nói rằng: "Bà ấy chưa từng nhìn ai khác ngoài chồng mình".

Khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939, ông Philip khi ấy là một trung uý hải quân và đã phải lên đường ra trận. Tuy nhiên, ông vẫn giữ liên lạc với Công cháu Elizabeth bằng cách trao đổi thư từ. Người viết tiểu sử Hoàng gia Kitty Kelley tuyên bố rằng chính chú của ông Philip, ngài Louis Mountbatten, người đã đặc biệt khuyến khích ông giữ liên lạc với Công chúa. 

Sau đó, vào năm 1943, khi ông Philip đến nghỉ tại Lâu đài Windsor vào dịp Giáng sinh, ông đã có những rung động đầu tiên với người vợ sau này của mình sau khi chứng kiến phần biểu diễn vở kịch Aladdin theo phiên bản kịch câm. Kể từ đó, cặp đôi ngày càng thân thiết và giữ liên lạc thường xuyên hơn với nhau, ngay cả trong thời chiến tranh thế giới.

Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1946, Hoàng thân Philip đã chính thức cầu hôn Công chúa Elizabeth tại cung điện Balmoral ở Scotland. Nữ hoàng Anh khi ấy đã ngay lập tức nhận lời mà không cần hỏi ý kiến cha mẹ. 

Nhà vua, cha của Công chúa Elizabeth sau đó đã đồng ý với cuộc hôn nhân của cặp đôi với điều kiện họ không công bố bất cứ điều gì cho đến khi Nữ hoàng bước sang tuổi 21. Mẹ của Philip, Công chúa Alice ở Paris (Pháp) sau đó đã đem chiếc vương miện cùng vài viên kim cương của mình để chế tác thành nhẫn cưới cho các con.

Tuy nhiên, không phải thành viên nào trong hoàng tộc cũng ủng hộ mối tình này của công chúa. Khi ấy, không ít người đã gọi Hoàng thân Philip là kẻ "ngoại tộc" vì ông không xuất thân từ Hoàng gia Anh. 

Năm 1947, ông Philip chấp nhận từ bỏ tước hiệu hoàng gia Hy Lạp và Đan Mạch của mình, trở thành Philip Mountbatten chỉ vì muốn ở cạnh Công chúa Elizabeth. Cuối năm đó vào tháng 7, Nhà vua phong ông làm Công tước xứ Edinburgh, Bá tước Merioneth và Nam tước Greenwich.

Cặp đôi đã cùng nhau vượt qua nhiều sóng gió. Ảnh: Supplied

Là hôn phu của công chúa, người sẽ thừa kế ngai vàng trong tương lai, áp lực đè nặng lên vai ông Philip vào thời điểm ấy. Thậm chí, cách đối xử của hoàng gia với ông cũng vô cùng phức tạp: Trong số 2.500 tấm thiệp mời đám cưới được gửi đi, họ chỉ cho phép ông mời đúng 2 người. Khi ấy, một người họ hàng của ông đã kể rằng: "Tôi đã gặp anh ấy ngay sau bữa sáng hôm đó. Chúng tôi ở một mình với nhau - chúng tôi là anh em họ và chúng tôi biết nhau rất rõ - và tôi đã nói điều gì đó về một ngày thú vị và đột nhiên, anh ấy hỏi tôi rằng 'Tôi đã dũng cảm hay rất ngu ngốc?'".

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn và suy nghĩ đó, ông Philip và Công chúa Elizabeth cuối cùng cũng đã làm hôn lễ với nhau. Đám cưới của họ diễn ra sau khi thế chiến kết thúc và người dân cả nước rất háo hức ăn mừng một dịp lễ trọng đại, trong đó sỹ quan hải quân và công chúa nước Anh chính thức kết hôn. Hơn 2.000 người đã xếp hàng trên đường phố để gửi lời chúc phúc tới cặp đôi này. 

Cuộc hôn nhân kéo dài 7 thập kỷ

Những năm đầu của cuộc hôn nhân của Elizabeth và Philip rất hạnh phúc, khi cặp đôi trở thành cha mẹ và lần lượt có 2 người con đầu lòng là Thái tử Charles vào năm 1948 và Công chúa Ann vào năm 1950.

Tuy nhiên, bi kịch cũng nhanh chóng ập đến với gia đình hoàng gia. Vào ngày 6/2/1952, khi cặp đôi đang trong một chuyến công du đến Kenya, nhà vua đột ngột qua đời, điều đó đã buộc Công chúa Elizabeth phải trở thành người thừa kế ngai vàng ở tuổi 25, độ tuổi còn rất trẻ. Chính Hoàng thân Philip khi ấy là người đã thông báo tin dữ cho vợ.

Cho dù họ đã sẵn sàng hay chưa, cuộc sống của họ sắp thay đổi một cách đáng kể và họ không thể làm gì khác. Chỉ 6 năm sau đám cưới, Công chúa và Công tước quay trở lại Tu viện Westminster vào năm 1953 để đăng quang, trong đó Hoàng thân Philip đã hôn bà và hứa sẽ trở thành "người bảo vệ cuộc sống" của bà. 

Sau khi Nữ hoàng Elizabeth lên ngôi, Hoàng thân Philip cũng buộc phải từ bỏ sự nghiệp của mình để hỗ trợ vợ. Theo đó, ông đã từ chức trong lực lượng hải quân. Nhờ có Hoàng thân Philip, Nữ hoàng Elizabeth II khi ấy mới có thể vượt qua những áp lực và gánh nặng trách nhiệm hoàng gia mà vững bước. Hoàng thân Philip luôn là người động viên vợ mỗi khi bà cảm thấy khó khăn, một trong những câu nói nổi tiếng của ông được ghi lại trong chuyến công du cùng vợ đến Úc là: "Hay vui lên nào. Mọi thứ không tệ đến thế đâu".

Hoàng thân Philip luôn ở bên cạnh vợ. Ảnh: News Limited

Phóng viên hoàng gia kỳ cựu Gwen Robyns cho biết trong chuyến công du trên, Hoàng thân Philip đã làm hết sức để bảo vệ vợ, ông thậm chí còn ngăn ống kính máy ảnh của các phóng viên tới quá gần Nữ hoàng Anh để tránh làm bà cảm thấy khó chịu. 

Tuy nhiên, đến năm 1960, cặp đôi tiếp tục rơi vào một cuộc khủng hoảng cá nhân. Khi ấy, bà mang thai người con thứ 3 là Hoàng tử Andrew và một vấn đề hôn nhân tiềm ẩn sắp bùng phát. Năm 1952, dưới áp lực của Thủ tướng Winston Churchill, Nữ hoàng đã đặt họ cho hai đứa con đầu lòng của mình là Windsor. Điều này đã khiến Hoàng thân Philip vô cùng tức giận, ông từng nói: "Tôi là người đàn ông duy nhất trong cả nước không được phép đặt tên cho các con của mình".

Để xoa dịu chồng, cuối cùng nữ hoàng Anh đã quyết định lấy họ Mountbatten-Windsor đặt cho các con cháu. Ở tuổi 36, Nữ hoàng có đứa con cuối cùng, chào đón Hoàng tử Edward vào năm 1964.

Vào thời điểm những năm 70 và 80, những người con của Nữ hoàng và Hoàng thân đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Trong đó, Thái tử Charles thường xuyên bị bắt gặp trong cảnh tán tỉnh nhiều người phụ nữ còn Công chúa Ann đang theo đuổi đam mê trở thành một vận động viên cưỡi ngựa.

Trong 2 thập kỷ tiếp theo, "sóng gió" đã xuất hiện trong Hoàng gia Anh sau bê bối về cuộc hôn nhân tai tiếng giữa Thái tử Charles và Công nương Diana; sự xuất hiện của Sarah Ferguson và việc 2 cặp đôi hoàng gia là vợ chồng Thái tử Charles và vợ chồng Công chúa Ann ly hôn. 

Thách thức lớn nhất đối với gia đinh hoàng tộc đến vào năm 1977, khi Công nương Diana qua đời trong một tai nạn xe hơi thảm khốc ở Paris (Pháp). Phản ứng lạnh lùng của Nữ hoàng Elizabeth II khi ấy đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, điều này được nhận định là một trong những phần xử lý sai lầm nhất trong triều đại của bà.

Sau đó, khi một thế hệ Windsors mới là anh em Hoàng tử William và Hoàng tử Harry được chú ý,  trách nhiệm hoàng gia cũng ngày 1 gia tăng. Tuy nhiên, Nữ hoàng Elizabethvà Hoàng thân Philip đã không để tuổi tác làm ảnh hưởng tới nghĩa vụ của họ với hoàng tộc. Ở độ tuổi 80 và 90, cặp đôi này vẫn thường xuyên xuất hiện cùng nhau tại các sự kiện, minh chứng cho mối quan hệ bền chặt của họ.

Năm 2017, ở tuổi 96, Hoàng thân Philip tuyên bố nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn ở cạnh và động viên, ủng hộ vợ. 

Cuộc hôn nhân của Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip là cuộc hôn nhân bền chặt nhất của hoàng gia. Ảnh: AFP

Cuộc hôn nhân của Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip là cuộc hôn nhân bên chặt nhất của hoàng gia, kéo dài hơn 7 thập kỷ và thậm chí còn đẹp hơn cả chuyện cổ tích. Bên cạnh đó, cuộc hôn nhân này cũng chính là nền tàng cho sự phát triển và tồn tại của Hoàng gia Anh trong suốt thời gian qua. 

Gyles Brandreth, tác giả của cuốn sách viết về vợ chồng Nữ hoàng mang tên Philip & Elizabeth: Portrait of a Marriage, từng nhận xét: "Ông ấy là người duy nhất trên thế giới có thể đối xử với Nữ hoàng như một người bình thường. Ý tôi là không một ai khác có thể coi bà ấy là người bình thường. Có một ánh hào quang bên cạnh nữ hoàng mọi lúc mọi nơi khiến ngay cả những người con của bà ấy cũng phải cúi đầu nể phục mẹ".

Trong năm 2012, nhân dịp kủ niệm đám cưới Kim cương, Nữ hoàng Elizabeth đã dành tình cảm và sự biết ơn đối với chồng mình vì những gì ông đã làm cho bà trong thời gian họ bên nhau. Bà phát biểu: "Trong suốt những năm làm Nữ hoàng, sự ủng hộ của gia đình tôi qua nhiều thế hệ là không thể đo lường được. Tôi tin rằng Hoàng thân Philip sẽ luông từ chốinhững lời khen ngợi dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng trong suốt thời gian quan, ông ấy chính là một sức mạnh và người dẫn đường của tôi".

Bên cạnh đó, ông Michael Parker, thư ký riêng của Hoàng thân Philip từng nói: "Ông ấy đã nói với tôi rằng công việc của ông ấy thứ nhất, thứ 2 và thứ 3 là không để Nữ hoàng thất vọng".

Minh Hạnh (Theo News.com.au)

Tin nổi bật