Một điều khó lý giải là giấy vệ sinh, một sản phẩm chẳng liên quan chút nào tới phòng ngừa dịch Covid-19, lại thành đối tượng bị người tiêu dùng tranh đoạt?
Kệ bán giấy vệ sinh trống trơn ở Úc. Ảnh: Guardian |
Việc giấy vệ sinh bất ngờ trở thành mặt hàng được săn lùng đến "cháy hàng" ở nhiều nước như Mỹ, Nhật, Australia đến Singapore, Hồng Kông, Italy... khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Tại Nhật, nơi mà ý thức tự giác của người dân rất cao, người ta đã chứng kiến việc trộm cắp giấy vệ sinh tại các nhà vệ sinh công cộng nhiều đến nỗi chúng phải bị khóa lại.
Nhà vệ sinh công cộng tại Nhật phải dùng khóa khóa các cuộn giấy vẹ sinh đề phòng mất cắp. |
Tại Australia, có nơi người ta thậm chí còn dùng giấy vệ sinh để thanh toán khi mua đồ ăn như tiền tệ hay dùng làm quà tặng sinh nhật, mà người nhận được "quà" còn tỏ ra vô cùng vui sướng.
Ở Hong Kong còn xảy ra vụ đánh cướp để lấy đi những cuộn giấy vệ sinh trong tình hình các siêu thị đang khan hiếm mặt hàng này.
Trên mạng xã hội của nhiều nước, các hashtag như "khủng hoảng giấy vệ sinh", "khan hiếm giấy vệ sinh" luôn trở thành hot search và được nhiều người quan tâm...
Người dân tranh cưới, đánh nhau chỉ vì những cuộn giấy vệ sinh. |
Trong khi thực tế, việc phòng chống dịch Covid-19 lại không có liên hệ gì với giấy vệ sinh hết. Vậy đâu là lời giải đáp cho việc, một loại vật dụng chỉ thích hợp cho dịch tả lại thành đối tượng bị tranh đoạt trong lúc dịch bệnh hô hấp hoành hành?
Các nhà khoa học lý giải việc ồ ạt tích trữ giấy vệ sinh và nhu yếu phẩm xuất phát từ tâm lý đám đông, sự mâu thuẫn về thông tin và thiếu cam kết của chính phủ.
Các chuyên gia tâm lý tiêu dùng cho biết các tin tức dồn dập từ mạng xã hội và báo chí làm bùng phát "tâm lý bầy đàn phi lý". Ở nhiều nước, xuất hiện tin đồn rằng nguyên liệu để làm giấy vệ sinh, giấy ăn được chuyển sang sản xuất khẩu trang khiến người dân đổ xô tích trữ giấy vệ sinh.
"Điều bạn cần phải nhớ là khi 50 bịch giấy vệ sinh biến mất khỏi kệ hàng thì bạn sẽ thực sự chú ý đến nó vì vốn nó chiếm rất nhiều chỗ. Nó gây chú ý hơn là 50 hộp đậu Hà Lan hoặc 50 chai nước rửa tay đã được mua", Giáo sư Debra Grace của Đại học Griffith, nói với BBC.
Nỗi sợ dịch bệnh cùng tâm lý đám đông khiến mọi người đổ xô đi vơ vét nhu yếu phẩm và giấy vệ sinh. |
Một giải thích khác cho hiện tượng này là FOMO - hội chứng lo sợ bỏ lỡ cơ hội.
"Họ nghĩ nếu người này mua chúng, hàng xóm của tôi mua chúng, nhiều người cùng mua chúng thì tôi cũng cần mua chúng", Nitika Garg, nhà nghiên cứu hành vi tiêu dùng tại Đại học New South Wales, nói.
Một số chuyên gia tâm lý tiêu dùng khác cho biết cơn sốt giấy vệ sinh cũng phản ánh nhu cầu duy trì lối sống hiện đại của con người ngày nay.
"Chúng ta không quen với việc thiếu thốn và khan hiếm, chúng ta quen với việc có quyền lựa chọn những thứ chúng ta muốn, khi chúng ta cần. Việc vội vàng tích trữ giấy vệ sinh cho thấy nhu cầu tinh thần của chúng ta cho lối sống đó", Rohan Miller, chuyên gia của Đại học Sydney, cho hay.
Justin Wolfers, giáo sư về kinh tế và chính sách công của Đại học Michigan, Mỹ, nói rằng "ngay cả khi bạn không sợ dịch bệnh thì bạn lại sợ rằng những người khác hoảng loạn và họ tích trữ, và bạn thì không muốn bị thiếu giấy".
"Cuộc tranh giành giấy toilet về bản chất cũng như cuộc tranh giành trong ngân hàng, thực sự là một cuộc chạy đua. Khi chúng ta đua, chúng ta cần được hỗ trợ và cần lập Chiến lược Dự trữ Giấy vệ sinh", ông Wolfers có ý châm biếm khi so sánh.
Steven Taylor, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học British Columbia, tác giả cuốn Tâm lý học đại dịch đưa ra góc nhìn lịch sử về cách mọi người phản ứng và đối phó với dịch bệnh. So sánh với các đại dịch trong quá khứ, ông chỉ ra rằng phản ứng toàn cầu đối với Covid-19 là "cơn hoảng loạn lan rộng".
"Một mặt, phản ứng này là dễ hiểu, nhưng mặt khác nó quá cực đoan. Chúng ta có thể chuẩn bị mà không cần phải hoảng loạn", ông nói.
Covid-19 khiến người dân các nước lo ngại vì nó chưa từng xuất hiện trước đây. Có nhiều điều về căn bệnh, khoa học chưa thể lý giải. Khi có tin tức mâu thuẫn về rủi ro mà virus gây ra, nhiều người có xu hướng phản ứng cực đoan.
Taylor chia sẻ: "Mọi người được thông báo điều gì đó nguy hiểm đang đến, nhưng tất cả những gì bạn cần làm là rửa tay, một hành động dường như không tương xứng với mối đe dọa. Họ nghĩ một mối nguy hiểm đặc biệt phải cần một biện pháp phòng ngừa đặc biệt".
Giáo sư Baruch Fischhoff, nhà tâm lý học tại Khoa Kỹ thuật và Chính sách công, Viện Chính trị và Chiến lược tại Đại học Carnegie Mellon cho biết những người mua giấy vệ sinh và đồ dùng gia đình có thể vì họ đang chuẩn bị phòng khi bị cách ly.
Fischhoff cho rằng việc tích trữ còn đem lại cho con người cảm giác kiểm soát đối với một tình huống có vẻ như bất lực.
"Tùy thuộc vào cách mọi người ước tính khả năng cần giấy vệ sinh, họ sẽ không ngại khó khăn để mua chúng. Nếu điều này mang lại cảm giác rằng họ đã làm mọi thứ trong khả năng, giúp giải phóng tâm trí, để họ nghĩ về những thứ khác ngoài dịch bệnh", ông nói.
Taylor cho biết, những người mua gom nhu yếu phẩm đang nghĩ về bản thân và gia đình họ thay vì các nhân viên y tế hoặc người bệnh.
Ông nói: "Tất cả do tâm lý lo xa. Mọi người trở nên sợ hãi trước khi bị lây nhiễm. Họ không nghĩ về bức tranh lớn hơn, giống như hậu quả của việc dự trữ giấy vệ sinh là gì."
Minh Khôi (T/h)