Chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu đã đưa ra những giả thiết về nguồn lây của ca bệnh 2899 ở Hà Nam đã lây cho ít nhất 12 trường hợp tiếp xúc.
Tại cuộc làm việc khẩn về công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Hà Nam tối 29/4, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá về ca bệnh COVID-19 ở Hà Nam (BN 2899) có tốc độ lây nhiễm nhanh, mức độ tấn công nhanh. Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá và phân tích giải trình tự gen ca mắc này.
“Cần hết sức nhanh chóng, thần tốc vì nếu chúng ta chậm 1-2 ngày thì dịch sẽ bước sang chu kỳ lây nhiễm mới và công cuộc chống dịch càng khó khăn. Do đó, điều quan trọng là phải dập bằng được ổ dịch này ngay”, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Hiện ổ dịch này đã liên quan đến nhiều tỉnh thành khác, vì bệnh nhân đã đi taxi, xe khách, đã có người tiếp xúc bay vào TP.HCM, do đó yêu cầu các địa phương có người đi chung chuyến bay ở Nhật về Đà Nẵng hôm 7/4; đi chung xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nam, cách ly chung với bệnh nhân tại khách sạn ở TP.Đà Nẵng... phải cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm. 121 người cách ly cùng bệnh nhân tại khách sạn Alisia Bench ở Đà Nẵng chúng tôi đánh giá rất nhiều nguy cơ.
PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế). Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống |
Liên quan đến ca bệnh này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam đánh giá, ca F0 ở Hà Nam hiện có nguy cơ cao với cộng đồng bởi việc lây nhiễm rất nhanh.
Điều tra dịch tễ cho biết BN2899 từ Nhật Bản về Đà Nẵng ngày 7/4, sau đó cách ly tập trung tại một khách sạn ở Đà Nẵng đủ 14 ngày với 3 lần xét nghiệm âm tính. 18h40 ngày 21/4, bệnh nhân đi xe khách về quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu có thể có một số giả thiết về nguồn lây của ca bệnh này:
- Bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh. Vừa rồi, Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly như tại Yên Bái, Nghệ An…
- Bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 không phát hiện ra dương tính.
Dù trên thực tế vẫn có những ca bệnh COVID-19 ủ bệnh trên 14 ngày nhưng rất ít. Nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính sau đó tiếp tục về nhà giám sát, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày như Bộ Y tế quy định hiện là chặt chẽ.
- Trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác nên lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được.
Ông Trần Đắc Phu đánh giá, phải phân tích kỹ, điều tra thật kĩ để xác định nguyên nhân của ca bệnh dương tính sau khi hết thời hạn cách ly 14 và đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính.
Cũng liên quan tới ca bệnh này, PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, yêu cầu Hà Nam cần phải tiếp tục thần tốc truy F1, không chỉ riêng ngành y tế truy vết mà phải có sự vào cuộc của ngành công an, để tránh sót mấu chốt dịch tễ. Bởi theo ông Dương nếu chậm trễ giờ nào là nguy hiểm thêm, chỉ 2 ngày F1 thành F0.
Theo PGS.TS Trần Như Dương, Hà Nam phải yêu cầu thực hiện giãn cách triệt để, nhà cách ly nhà, không để người này sang nhà người kia trong khu phong toả.
Đồng thời, Hà Nam phải thành lập ngay các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng ngay trong thôn Quan Nhân, xã Nhân Đạo (huyện Lý Nhân) đêm 29/4 và toàn xã vào ngày mai (30/4).
Trong tối 29/4, GS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cũng đã về Hà Nam hỗ trợ về xét nghiệm; đại diện Bệnh viện Bach Mai hỗ trợ Hà Nam thiết lập đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, liên quan bệnh nhân 2899, đến nay đã truy vết 113 trường hợp F1, số F2 khoảng hơn 200 người, và hiện đang tiếp tục điều tra, truy vết.
Hiện, các cơ cở điều trị của Hà Nam có 100 máy thở phục vụ điều trị. Tỉnh này đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ năng lực xét nghiệm, điều trị và cung cấp thêm vắc xin COVID-19.
Mộc Miên (T/h)