(ĐSPL)- Từ một "lâm tặc" đi phá rừng để kiếm sống, nay ông đã sở hữu hàng ngàn cây sao đen và các cây xà cừ, dầu, lát hoa, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông còn được người dân nơi đây ưu ái phong tặng danh hiệu "ông vua sao đen".
Ông là Hồ Ngọc Quang (52 tuổi, trú thôn Tân An, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).
Từ cán bộ xã "bỗng" biến thành "lâm tặc"
Sau một hồi dò hỏi, chúng tôi tìm đến nhà ông Quang ở thôn Tân An, xã Tịnh Đông. Khác với tưởng tượng, nhà của "ông vua sao đen" là căn nhà cấp 4 "liêu xiêu", nằm sát con đường liên xã. Lúc chúng tôi đến chỉ có vợ ông là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cùng 4 cô con gái ở nhà. Vợ ông cho biết từ lúc 5h sáng ông đã cùng con trai cả ra rừng để đào đất và trồng keo. Theo chân hai cô con gái của ông Quang, chúng tôi đi bộ gần 2 cây số đường rừng để đến nơi ông đang khai khẩn đất trồng rừng. Sau một hồi hỏi han, ông Quang bắt đầu tiếp chuyện chúng tôi.
ông Quang là con trai đầu trong một gia đình có 6 anh em, tuy kinh tế gia đình không khá giả nhưng ba mẹ ông vẫn cố gắng cho ông ăn học. Năm 1991, ông tốt nghiệp trường cao đẳng Kinh tế Quảng Ngãi và về làm kế toán ở xã. Được hai năm, do đồng lương ba cọc ba đồng không đủ chi tiêu nên ông bỏ việc. "Lúc còn sinh viên với bao ước mơ hoài vọng, ra trường đi làm mới thấy đời không giống như là mình mơ. Đi làm hai năm mà không đủ mua gạo ăn nên tôi nản", ông Quang trầm ngâm.
Tân An thời đó với những cánh rừng bạt ngàn, các cây gỗ quý như: Chò, sến, lim... nhiều vô kể. Trong khi đất trồng lúa và hoa màu lại chẳng bao nhiêu, nên nhiều người dân ở đây đổ xô vào rừng đốn gỗ để bán. Sáng sớm họ đùm cơm kéo nhau vào rừng, chặt cây rồi đẽo thành từng khúc bán cho dân buôn gỗ với giá từ 50.000 đến 100.000 ngàn đồng/khúc. Vào thời điểm đó, số tiền này gấp hàng chục lần so với làm lúa.
Vì nhà đông anh em, đất trồng lúa thì không có là bao, thấy đi đốn gỗ có tiền lại nhanh giàu nên ông Quang quyết định vác rìu, vác rựa vào rừng làm... "lâm tặc". "Lúc đi tôi không nghĩ nhiều chỉ cần kiếm được tiền mua gạo và thực hiện ước mơ mua cây xe cúp thôi", ông Quang chia sẻ.
|
Rừng sao đen của ông Quang. |
Trả nợ rừng...
Vào rừng "chặt" gỗ cũng mang lại cuộc sống đủ ăn cho gia đình ông nhưng với cái đầu của một người tốt nghiệp cao đẳng, ônh Quang nhận ra công việc mình đang làm là sai trái phá hoại thiên nhiên và ảnh hưởng đến môi trường. Và đây không phải là công việc lâu dài, gỗ cứ đốn hoài như thế này cũng sẽ tới lúc cạn kiệt, đến lúc hết ông không biết làm gì để sống.
Nhìn những cây gỗ quý trong rừng to mấy người ôm không xuể, ông Quang ước gì nó ở trong vườn nhà mình thì tốt biết mấy. Lúc ấy, ông không tốn công mang về mà vẫn có cơm ăn. Rồi ông nghĩ, "đất rừng ở quê mình rộng mênh mông mà bị bỏ hoang, sao mình không trồng cây rồi khai thác, mắc chi phải vào rừng làm "lâm tặc", ông Quang cười nói.
Nói là làm. Cách nhà ông có Lâm trường Trà Tân được cấp nhiều giống cây quý như sao đen, lát hoa, dầu... để trồng, nhưng vì trồng không hết nên bỏ. Thấy tiếc nên mỗi khi đi rừng về ông Quang lấy đem về trồng, mỗi lần từ 80-90 cây. ông Quang nhớ lại: "80 cây được bọc trong bao đất nên rất nặng, mỗi lần đem về nhà là một "công trình". Sau 2, 3 lần đem về trồng tôi thấy nếu mình nhổ cây giống khỏi bao đem về thì cây vẫn phát triển tốt. Nên những lần sau tôi nhổ hết ra, như thế lại đem được nhiều cây hơn".
Số cây đem về ông trồng trong vườn, sau một thời gian ngắn thấy cây phát triển tốt và cây giống còn rất nhiều. ông quyết định khai hoang diện tích đất rừng gần nhà mình để trồng. ông thuê đứa cháu một ngày 5.000 đồng phụ ông mang cây từ Lâm trường về, toàn bộ số cây được ông trồng ở đất rừng cách xa nhà mình hơn 2 cây số. Trong đó cây sao đen chiếm 2/3, còn lại là xà cừ, dầu và lát hoa.
Vào thời điểm ông đi khai hoang trồng rừng, cả người thân trong nhà và hàng xóm ai cũng nói ông bị khùng. "Họ nói mấy cây gỗ đó trong rừng đầy khai thác mãi không hết, ai bị khùng mới bỏ công ra trồng. Nhưng tôi nghĩ đó là suy nghĩ lạc hậu, không có cái gì là không hết nếu mình chỉ tập trung ăn mà không làm. Rừng cũng vậy, anh phải trồng thì anh mới có khai thác, chứ anh cứ khai thác hoài thì cũng sẽ hết"- ông Quang chia sẻ.
Bỏ qua những lời thị phi, năm 1995, ông bỏ hẳn làm "lâm tặc" và tập trung cho sự nghiệp trồng rừng của mình. Không chỉ trồng gỗ quý, ông Quang còn tự mình dâm hom cây keo, bạch đàn để trồng mở rộng.
|
“Ông vua sao đen” Hồ Ngọc Quang. |
Và trở thành "ông vua sao đen"
Giờ đây, nhìn thấy những cánh rừng sao đen, lát hoa sừng sững gần 20 năm tuổi của ông Quang và hiệu quả từ việc trồng rừng của ông. Những người dân trong thôn trước đây chê bai ông, thì giờ đều trầm trồ khen ngợi và ngưỡng mộ. "Phải công nhận là anh Quang hơn hẳn chúng tôi một cái đầu, anh dám nghĩ và dám làm đáng cho chúng tôi học hỏi"- ông Lâm Văn Thanh hàng xóm nhà ông Quang trầm trồ khen ngợi. Không chỉ trong địa bàn thôn Tân An và xã Tịnh Đông mà cả những người dân lân cận biết đến ông đều tìm đến để học hỏi kinh nghiệm trồng rừng.
Khi được hỏi về số lượng cây sao đen hiện nay của ông, ông Quang cười nói:"chịu thôi vì hồi đó tôi chỉ trồng xuống mà không để ý là bao nhiêu cây". Tuy nhiên, ông nhẩm tính số lượng cây sao đen, xà cừ, dầu và lát hoa chiếm khoảng 10/30ha đất rừng do ông sở hữu. Trong đó sao đen mới trồng là hơn 5.000 cây, sao đen có tuổi đời từ 18 đến 20 năm là chiếm 2/3. Còn cây dầu, xà cừ và lát hoa có độ tuổi từ 12-15 năm chiếm ít hơn khoảng hơn 1.500 cây.
ông Quang cho biết vào thời điểm cây sao đen được hơn 10 năm tuổi, nhiều tay buôn gỗ đến sang nhượng lại với giá hơn 1 tỉ đồng nhưng ông không đồng ý. Hiện nay, nhiều tay buôn gỗ ước tính rừng sao đen, lát hoa, xà cừ, dầu... của ông có giá hơn chục tỉ đồng. Nếu vài năm nữa, khi những cây gỗ đã có vân to hơn thì giá sẽ lớn hơn 3-4 lần. "Nói thật là con tôi còn nhỏ, nên từ khi trồng mấy cây gỗ quý tôi xác định là đời con đời cháu tôi sẽ được hưởng. Vì cây gỗ quý mình để càng lâu thì giá trị của nó cũng sẽ lớn hơn", ông Quang tâm sự.
Mấy năm trở lại đây, ông Quang còn tự mình ươm giống cây sao đen và lát hoa để trồng. "Giống của mấy cây gỗ quý có giá rất cao, nên tôi lấy hạt từ cây gỗ của mình vào buổi trưa và tối tranh thủ ươm mấy cây giống để trồng tiết kiệm được chi phí"- ông Quang chia sẻ. Số cây giống ở nhà tự ươm, một phần ông đem trồng còn một phần ông chia sẻ cho bà con trong thôn trồng thử nghiệm.
Vì cây sao đen, xà cừ khoảng hơn 40 năm tuổi mới khai thác được, để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày ông Quang trồng thêm cây nguyên liệu giấy như keo và bạch đàn. Mỗi năm, từ hơn 20ha keo, bạch đàn thu về hơn 100 triệu đồng giúp ông trang trải cuộc sống và có tiền đầu tư trồng, chăm sóc diện tích các cây gỗ quý: Sao đen, xà cừ...
Có lúc số tiền ông thu về cao gấp nhiều lần. "Cách đây 2-3 năm, có thời điểm tôi bán keo và bạch đàn có giá thu về gần 400 triệu đồng/năm"- ông Quang không giấu giếm.
Khi chúng tôi ra về "vua sao đen" lại quay về với sự nghiệp trồng rừng của mình. ông tiếp trồng keo và bạch đàn. ông dự định, sắp tới sẽ thuê diện tích đất trồng lúa bị bà con bỏ hoang lâu năm, đào xới lên và trồng cây. Với ông trồng rừng không chỉ mang lại lợi nhuận cho gia đình mà nó còn góp phần phủ xanh đồi trọc và bảo vệ môi trường.
Tấm gương sáng về trồng rừng "Anh Hồ Ngọc Quang xứng đáng là tấm gương cho bà con trong xã học hỏi. Từ một người đi phá rừng anh đã thay đổi suy nghĩ, quay về con đường hoàn lương. Mô hình trồng rừng của anh, là địa điểm tham quan học hỏi kinh nghiệm làm rừng không chỉ trong xã mà cả tỉnh Quảng Ngãi", bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Đông cho biết. |