Ít người biết rằng, tại bệnh viện Tâm Thần Hà Nội còn có một khu cách ly riêng dành cho những bệnh nhân đặc biệt. Họ vừa bị mắc những chứng bệnh rối loạn liên quan đến tâm lý, vừa phải cách ly bởi những người này có nguy cơ cao lây nhiễm virus Covid-19. Chăm sóc những người bệnh như thế này là không hề đơn giản, để giúp bệnh nhân ổn định trở lại là cả một quá trình nỗ lực của đội ngũ điều dưỡng hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Khu cách ly tại bệnh viện Tâm Thần Hà Nội (Ngõ 467 Nguyễn Văn Linh, TT. Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) được lập ra là để dành cho những bệnh nhân mắc những bệnh về tâm lý lẫn có khả năng bị nhiễm nCoV. Đó có thể là những ai trở về từ nước ngoài hay những bệnh nhân mắc những chứng bệnh về thần kinh, hay đi lang thang trên các địa bàn vùng dịch đều sẽ được chính quyền gửi vào đây để các bác sĩ, điều dưỡng có thể chăm sóc, giúp họ hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường.
Khu cách ly dành cho những bệnh nhân đặc biệt. |
Vào đầu tháng 10 khi Hà Nội đã gần như kiểm soát được dịch Covid-19 thì khu cách ly đã phải tiếp nhận thêm bệnh nhân trong số 340 người từ Israel về nước trong khoảng thời gian cuối tháng 9.
Coi bệnh nhân như người thân trong gia đình
Hiện tại, khu cách ly chỉ còn khoảng 3 người bệnh còn ở lại, thế nhưng không khí làm việc tại đây vẫn diễn ra vô cùng tất bật. Hình ảnh những người điều dưỡng nhanh nhẹn, không lúc nào ngơi nghỉ trong bộ đồ bảo hộ kín mít và cần mẫn với việc giám sát bệnh nhân đã gây ấn tượng mạnh với phóng viên khi đặt chân tới đây.
Làm nghề điều dưỡng bệnh nhân tâm thần luôn có một đặc thù là phải chăm lo cho người bệnh từng giây phút một bởi vì họ luôn có một bộ não không ổn định, có thể không kiểm soát được hành vi của chính bản thân. Chính vì vậy những bệnh nhân này cần có một người ở bên cạnh để chăm sóc về cả thể chất lẫn tinh thần để giúp họ dần trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, công việc của nhóm điều dưỡng viên ở đây đã được nâng lên một tầm cao mới khi phải làm việc với cả những người nghi nghiễm SARS-CoV-2.
Hình ảnh bên trong khu cách ly, hiện chỉ còn số ít bệnh nhân vẫn phải ở đây điều trị. |
Chị Trần Thị Nhàn, người đã có thâm niên 13 năm làm điều dưỡng chia sẻ cùng phóng viên trong lúc ngồi nghỉ: “Tôi ở trong nhóm những bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân vào đợt 3, trước khi tiến hành nhận nhiệm vụ thì chúng tôi đã phải trải qua một quá trình tập huấn vô cùng kỹ lưỡng để có thể chăm sóc người bệnh một cách chu đáo nhất…”. Những điều dưỡng tại đây phải trực theo ca, mỗi ca 6 tiếng, ngoài ra còn phải đảm nhận cả nhiệm vụ trực đêm và theo đợt 2 tháng. Đây là có lẽ là khoảng thời gian dài và gian khó đối với mỗi nhân viên điều dưỡng dù là những người có kinh nghiệm lâu năm như chị Nhàn.
Mỗi người điều dưỡng tiếp xúc trực tiếp với những người bệnh gần như sẽ phải đóng vai như những người cha, mẹ thứ hai của họ. Các điều dưỡng phụ trách từ việc cho ăn uống, ngủ nghỉ lẫn uống thuốc cũng như là đảm bảo về vấn đề vệ sinh cá nhân cho các bệnh nhân. Ngoài ra còn phải động viên, quan tâm lẫn lắng nghe họ rất nhiều để giúp họ ổn định lại về tâm trí. Khi đang trả lời phỏng vấn thì chị Nhàn thỉnh thoảng phải quay ra để ý hành động người bệnh, nhắc nhở họ đeo khẩu trang, vệ sinh phòng tránh dịch bệnh. Đó là công việc mà mọi người ở đây thường xuyên phải làm trong ngày.
Cẩn trọng, tránh "tai nạn" nghề nghiệp hết sức có thể
Chăm sóc, điều trị một bệnh nhân tâm thần bình thường thôi đã khó khăn rồi, nay những người đó còn nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 thì sự vất vả, nhọc nhằn lại càng nhân lên gấp bội.
Anh Nguyễn Văn Nhân, người đã tiếp xúc trực tiếp với hàng chục bệnh nhân bị cách ly cho hay: “Đảm nhận trọng trách chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt này có thể nói là một thách thức không hề nhỏ, nhiều khi nó như một cuộc chiến vậy. Chúng tôi phải giám sát hành động của người bệnh mọi lúc. Có những bệnh nhân bị bất ổn về tâm lý mới vào khu cách ly, họ không hiểu chuyện nên thường xuyên chống đối, không hợp tác, thậm chí sử dụng bạo lực không cho chúng tôi chăm sóc...”.
Hàng ngày những người điều dưỡng phải mặc những bộ đồ bảo hộ y tế chuyên dụng mà vẫn cẩn thận trong từng hành động. Thời điểm đỉnh dịch, có những hôm anh Nhân cùng mọi người phải làm việc với bệnh nhân dưới tiết trời gần 40 độ, cơ thể nóng nực mà không có điều hòa, mồ hôi chảy ra như suối. Nghe những lời anh Nhân kể mà phóng viên cũng cảm nhận được một phần gian khổ của công việc.
Hình các điều dưỡng viên trong bộ đồ bảo hộ cần mẫn, theo sát, giót nước cho bệnh nhân uống. |
Đội ngũ điều dưỡng ở đây thỉnh thoảng còn phải chịu đựng những tiếng la hét, hát hò mỗi khi bệnh nhân lên cơn kích động, việc này có khi diễn ra trong cả vài phút nghỉ ngơi.
Dù công việc vất vả, nhiều rủi ro song họ vẫn luôn đặt sức khoẻ bệnh nhân lên hàng đầu, lấy tuổi trẻ và niềm đam mê, dùng sự nỗ lực hết sức không kể ngày đêm để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh và gia đình. Đối với anh Nhân hay chị Nhàn thì hình ảnh đẹp nhất lưu lại trong tâm trí trong đợt chăm sóc những người bệnh đặc biệt này có lẽ chính là khi họ hoàn toàn khỏi bệnh, tâm trí tỉnh táo để quay lại cảm ơn đội ngũ điều dưỡng không ngại gian khổ, thử thách dám dấn thân để góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bao con người.
Với tinh thần sẵn sàng cho đi để nhận lại và trách nhiệm vì cộng đồng, dấn thân vào thử thách để chăm lo cho những bệnh nhân đặc biệt. Hình ảnh những người điều dưỡng tận tình, không ngại khó khăn để giúp đỡ người bệnh tại bệnh viện Tâm Thần Hà Nội sẽ là nguồn cảm hứng trực tiếp đối với mọi người dân trong toàn xã hội.
Hồng Sơn