Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện chàng trai Việt đi, viết và xuất bản sách ở Mỹ: Gửi "lời thì thầm từ châu Á tới năm châu"

(DS&PL) -

Nguyễn Huy Tâm - Tác giả cuốn sách Through Asia: A whisper from the East nằm trong danh mục sách bán chạy nhất trên Amazon.

Nguyễn Huy Tâm - Tác giả cuốn sách Through Asia: A whisper from the East (tạm dịch: Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông) nằm trong danh mục sách bán chạy nhất trên Amazon về mảng sách du lịch châu Á đã có cuộc trò chuyện với PV ĐS&PL về câu chuyện đi, viết và xuất bản sách ở Mỹ.

Cuốn sách nằm trong danh mục sách bán chạy nhất trên Amazon về mảng sách du lịch châu Á.

Hành trình chinh phục độc giả toàn cầu

Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông) trở thành cuốn du ký bán chạy top đầu trên Amazon, Tâm hẳn rất tự hào?

Tôi rất vui. Nhưng, hơn cả niềm vui là một sự ngạc nhiên to lớn, vì tiếng nói của mình được bạn đọc năm châu lắng nghe và chia sẻ.

Tại sao trong cuốn sách viết bằng tiếng Anh của mình, Tâm lại chọn viết về châu Á chứ không phải là châu Phi hay một châu lục nào khác mà anh đã đi qua?

Trong khi những nơi khác trên thế giới đã là điểm đến lâu đời, thì châu Á nổi lên như là một điểm đến mới lạ. Là một người con của châu Á, tôi muốn mang tiếng nói của mình để giới thiệu với mọi người một châu Á của riêng tôi, những câu chuyện về văn hoá, con người cũng như những giá trị tinh tế bên trong.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn cất lên tiếng nói của một người Việt Nam trẻ của thế hệ mới sau chiến tranh. Đó là chúng tôi dám bước đi, mạnh dạn sống bằng khát khao với những trải nghiệm về thế giới.

Nguyễn Huy Tâm - Tác giả cuốn sách Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông.

Từ cuốn sách Bước qua thành phố lạ đến Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông, anh nhận thấy bản thân mình có sự thay đổi ra sao?

Ở Bước qua thành phố lạ, tôi rụt rè giới thiệu “đứa con đầu tiên” của mình. Vì không phải là một tay viết chuyên nghiệp nên tôi không tự tin lắm đâu, cho đến khi sách trở thành best seller (bán chạy nhất- PV) ở Việt Nam, tôi mới bắt đầu có niềm tin nhiều hơn. Niềm tin đó tạo động lực cho tôi dũng cảm bước ra biển lớn. Đó cũng là tinh thần mà Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ Phương Đông muốn nhắn gửi đến bạn đọc.

Tại sao không phải là xuất bản ở Việt Nam trước rồi mới đưa ra nước ngoài?

Điều gì khiến anh quyết tâm xuất bản sách ở Mỹ? Không có công thức nào cho việc này cả. Xuất bản ở Việt Nam dễ dàng hơn cho tôi rất nhiều, còn làm sách ở Mỹ trăm ngàn thứ khó. Nhưng, cái khó lại thu hút tôi. Bản thân tôi không thích những thứ lặp lại. Khi đã thành công, lên một cái đỉnh, lần sau tôi muốn chinh phục thứ cao hơn. Nếu mình không lên được tới đỉnh cũng biết sức mình tới đâu và không hối tiếc vì mình chưa cố gắng đủ.

Tâm hãy chia sẻ về hành trình chinh phục“trăm ngàn thứ khó” khi có thể xuất bản sách ở Mỹ?

Ba vấn đề lớn nhất để xuất bản sách ở Mỹ là về địa lý, ngôn ngữ và tâm lý. Vì phát hành ở Mỹ, thời gian làm việc của họ là ban đêm nên tôi phải thức khuya liên tục để trả lời email, điện thoại, chỉnh sửa bản thảo... đến mức kiệt sức. Ngôn ngữ cũng là rào cản bởi tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Viết một quyển tiếng Việt đã khó nói chi một quyển sách hơn 200 trang hoàn toàn bằng một ngôn ngữ khác. Rồi các điều khoản trong hợp đồng, các vấn đề về luật Xuất bản quốc tế, tác quyền... Cuối cùng là về tâm lý, là mình có tin sản phẩm của mình có giá trị với độc giả hay không. Nếu giải quyết được những thứ khó đó thì cứ thế mà làm thôi.

Có bí quyết nào anh muốn dành tặng cho những tác giả muốn xuất bản sách ở Mỹ?

Kiên trì thật nhiều. Nhiều đêm tôi thức trắng để gửi bản thảo cho các nhà xuất bản, nhiều không đếm xuể. Và, hãy vững niềm tin là bản thảo của mình đủ chất lượng để đến với bạn đọc toàn thế giới. Cho nên, những người viết cứ tự tin lên. Thế giới này cần thêm các tiếng nói từ Việt Nam, đại diện cho một thế hệ mới.

Hiện nay, văn học Việt Nam vẫn đang chịu cảnh khá “lép vế” trên bản đồ văn học thế giới. Cá nhân anh đánh giá sao về nền văn học đương đại của nước nhà?

Cá nhân tôi nghĩ, văn học Việt Nam không xa rời so với văn học thế giới. Có chăng chính là việc mang chuông đi đánh xứ người còn nhiều cản trở về mặt địa lý, ngôn ngữ và nhất là về tâm lý. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những người mong muốn mang tiếng nói người Việt ra thế giới. Đông tay thì vỗ nên kêu, nhiều quốc gia khác ở châu Á cũng như thế mà bước ra thế giới.

Một chàng trai làm trong mảng ngân hàng, kinh doanh nhưng lại viết sách, anh tự nhận thấy văn phong của mình ra sao?

Tôi chọn lối hành văn giản dị, gần gũi và truyền những thông điệp tích cực về cuộc sống, con người cũng như những khao khát nội tâm. Tôi nghĩ văn chính là con người. Người mình sao thì sẽ thể hiện như thế trên bản thảo của mình thôi.

Anh có lời khuyên nào dành cho những người ngoại đạo muốn viết lách, xuất bản sách?

Viết lách chưa bao giờ là một việc đơn giản nên nó cần ở người viết 3 thứ: Đam mê viết, có một câu chuyện và tính kỷ luật. Các bạn còn chờ gì nữa mà không đặt bút xuống?

Mỗi chuyến đi là một món quà

Điều gì đã khiến anh quyết định “xê dịch” khi ở độ tuổi “tam thập nhi lập”?

Tôi không tính toán quá nhiều cho những gì sẽ diễn ra, chỉ là ngay trong thời điểm đó tôi chọn điều đó. Tôi hiểu cái cảm giác gọi là khủng hoảng tuổi 30, và cảm ơn những chuyến đi đã cân bằng con người tôi lại. Sự lựa chọn nào cũng có được và mất. Nhưng, không có sự lựa chọn nào là sai cả, nên mình cứ thoải mái với nó thôi.

Chuyến đi nào là bước ngoặt giúp anh có động lực thực hiện tiếp những hành trình sau?

Mỗi chuyến đi là một bậc thang trên hành trình dài của tôi. Càng đi nhiều tôi càng thấy sự hiểu biết về thế giới quá ít, nếu muốn lấp đầy nó chỉ còn cách là tiếp tục. Với tôi mỗi chuyến đi xa là một món quà và món quà nào cũng quý giá như nhau.

Nhiều người muốn đi, muốn tới những vùng đất mới nhưng luôn e sợ và không dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Anh có lời khuyên nào cho họ?

Chúng ta trưởng thành từ những vấp ngã, tôi luôn nghĩ điều đó đúng. Trong trường lớp, quà sẽ được trao cho người học giỏi. Nhưng ở trường đời, những món quà chỉ đến với người dũng cảm.

Anh đi, anh viết... có vẻ giống với một blogger du lịch đã bao giờ anh có ý định đổi nghề? Đi và viết không phải là công việc chính của tôi. Đó chỉ là nơi tôi cân bằng con người của mình sau những ngày làm việc mệt mỏi. Tôi không có định hướng trở thành một blogger du lịch chuyên nghiệp. Bởi lẽ, tôi muốn giữ du lịch là một sở thích chứ không phải công việc. Tôi chỉ là một người kể chuyện, đi và kể lại câu chuyện của chính mình.

Anh có thể tiết lộ kế hoạch sắp tới của mình?

Sau khi phát hành sách ở Mỹ và có những phản hồi tích cực, tôi sẽ mang Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông đến với độc giả Việt bằng một diện mạo Việt hoá hoàn toàn mới. Song song đó, tôi cũng bắt đầu một dự án về tâm lý ứng dụng với một tiến sĩ tâm lý người Canada. Và biết đâu, sau quyển sách về châu Á, sẽ xuất hiện thêm các quyển khác về châu Âu, châu Mỹ hay châu Phi. Chắc chắn, tôi sẽ không dừng lại...

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Phong Linh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (33)

Tin nổi bật