(ĐSPL) - Tại phiên họp HĐND TP.Hà Nội sáng qua (4/12), đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội đã thẳng thắn nêu ra vấn đề đang được dư luận quan tâm, đó là việc để một số người tự ý lấn chiếm, sử dụng biệt thự công.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế HĐND TP. Hà Nộitrong buổi chất vấn. (Ảnh: PLO). |
ĐB Nguyễn Hoài Nam thẳng thắn nêu vấn đề: "Không chỉ có biệt thự, nhà của Nhà nước sau cải tạo cũng có chuyện để cho một số người tự ý lấn chiếm, dần dần chuyển thành nhà tư nhân. Xin hỏi TP có nắm được không?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đây là nội dung khó, khối lượng công việc nhiều, phức tạp nên TP xem xét hết sức thận trọng.
Ông cho biết thêm, UBND TP đã tổ chức 3 cuộc họp để nghe thanh tra, các bên liên quan báo cáo về vấn đề này. Hệ thống hồ sơ nhà biệt thự có đầy đủ nhưng có những biệt thự từ 60-70 năm nay, nên hồ sơ phải tập trung quản lý. UBND TP đã yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ các hồ sơ.
Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh thừa nhận trong quá trình quản lý biệt thự đúng là có những sai sót và có những việc về quy trình, cách làm thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên vị Phó chủ tịch UBND TP cũng thừa nhận: “Chúng tôi cũng đã biết những chuyện này, đã chỉ ra một số trường hợp cụ thể, nhưng cụ thể ra sao sẽ được thanh tra kết luận”.
Về việc có hay không vấn đề lợi dụng tín nhiệm để chiếm dụng nhà công, ông Khanh cho hay để xác định một biệt thự cổ, cần bảo tồn thì có rất nhiều tiêu chí. Vì thế, khi tiếp cận từng biệt thự thì cần có thời gian thanh tra, mời tư vấn, mời cơ quan chuyên môn về xử lý.
"Chúng tôi sẽ lưu ý cơ quan thanh tra để xem xét kỹ nội dung này. Quan điểm của chúng tôi là sẽ tiếp tục thanh tra công vụ, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ, thậm chí đến mức có dấu hiệu về mặt hình sự thì chuyển cơ quan điều tra”, ông Khanh nói.
Chưa hài lòng về câu trả lời của Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh, ĐB Nguyễn Hoài Nam hỏi tiếp: "Tại sao UBND TP Hà Nội loại 312 biệt thự khỏi danh mục quản lý theo nghị quyết 18 của HĐND TP phê duyệt năm 2008? Việc thanh tra 312 biệt thự được TP tiến hành từ tháng 8/2014 nhưng đến nay không thấy báo cáo kết quả?".
Biệt thự số 12 tại đường Nguyễn Chế Nghĩa, Hoàn Kiếm, Hà Nội của ông Hoàng Văn Nghiên. (Ảnh: Tuổi trẻ). |
Trả lời chất vấn, ông Khanh nhấn mạnh: "TP không bao giờ từ bỏ trách nhiệm quản lý, TP không loại bỏ 312 biệt thự này ra khỏi diện quản lý mà chỉ phân loại ra để quản lý cho tốt”.
Về vấn đề báo cáo liên quan tới 312 biệt thự, vị phó chủ tịch TP. Hà Nội nói: "Đúng là luật có nêu thời hạn 45 ngày, nhưng đấy là một vụ việc. Ở đây là 312 biệt thự, nếu xác định mỗi biệt thự là một vụ việc thì đây là vụ việc phức tạp, chúng ta hoàn toàn có thể gia hạn để anh em làm. Tôi xin báo cáo có rất ít vụ việc mà đích thân lãnh đạo TP phải chủ trì đến ba lần. Tôi nghĩ khi kết thúc chắc còn phải nhiều lần nữa để chỉ đạo”.
Sau đó, ông Nam tiếp tụcchất vấn: "Tôi xin nhắc lại là các biệt thự, các nhà đều được Sở Xây dựng quản lý và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội nắm chắc về hồ sơ. Có chuyện công ty này và Sở Xây dựng có biểu hiện cản trở công tác thanh tra không?”.
Trả lời câu hỏi có chuyện cán bộ cản trở công tác thanh tra hay không, ông Khanh khẳng định, TP không dung túng cho cán bộ để xảy ra sai phạm tiêu cực, nếu không tạo điều kiện, cản trở công tác thanh tra sẽ xử lý đúng quy định của luật. Ông Khanh cũng hứa sẽ lưu ý chuyện cán bộ lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản công tránh thất thoát tài sản công.
"Đến ngày 15-12, các cơ quan phải báo cáo đầy đủ hồ sơ 312 biệt thự cho thanh tra. Sau khi thanh tra xong, chủ tịch TP sẽ có chỉ đạo, tập thể TP sẽ nghe nội dung thanh tra từng biệt thự một để có chỉ đạo xử lý cụ thể”, ông Khanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, kết thúc buổi chất vấn, lãnh đạo UBND TP Hà Nội vẫn chưa đưa ra được thời điểm kết luận nội dung thanh tra 312 biệt thự.