Trong bối cảnh làn sóng bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 khá đặc biệt, lan truyền dịch bệnh rất nhanh, người lao động Hà Tĩnh từ các tỉnh miền Nam trở về quê với số lượng lớn, lãnh đạo địa phương thời điểm đó xác định rõ sẽ "đón nguồn lây nhiễm lớn" nhưng vẫn kiểm soát được tình hình.
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, phóng viên Đời sống & Pháp luật đã có buổi trò chuyện cùng ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về những thách thức, thuận lợi trên trận chiến chống dịch năm qua.
PV: Thưa ông, thời gian qua, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và tình hình phát triển kinh tế của Hà Tĩnh. Ông có thể chia sẻ những nỗ lực trong công tác phòng chống đại dịch tại địa phương?
Ông Võ Trọng Hải: Trong các đợt dịch bùng phát, một số địa bàn của Hà Tĩnh buộc phải thực hiện phong tỏa hoặc cách ly y tế để khoanh vùng dập dịch nên rõ ràng, dịch đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói riêng, đặc biệt là kinh tế xã hội của tỉnh.
Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Võ Trọng Hải.
Thuận lợi cơ bản nhất của tỉnh Hà Tĩnh là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng và ý thức của người dân trong việc khai báo y tế, thực hiện 5K; phản ánh thông tin dịch bệnh. Phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện các yếu tố nguy cơ lây lan dịch bệnh. Áp dụng triệt để, linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” và quan điểm phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế theo từng giai đoạn.
Ngoài ra công tác phòng chống dịch nhận được sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và nhân dân, nhất là đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân trong khu vực phong tỏa.
Tuy nhiên, Hà Tĩnh cũng gặp nhiều khó khăn là dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, liên tục có các biến thể mới làm thay đổi quy trình xử lý ổ dịch và khó khăn trong công tác quản lý, điều trị bệnh nhân.
PV: Vậy Hà Tĩnh đã tập trung vào những giải pháp căn bản nào, thưa ông?
Ông Võ Trọng Hải: Giải pháp thì nhiều nhưng mấu chốt chính là an sinh xã hội, là an dân. Có an dân thì chống dịch mới hiệu quả.
Dập dịch bằng các biện pháp chuyên môn là lẽ dĩ nhiên. Phòng chống dịch phải đảm bảo an sinh xã hội, chúng tôi trợ cấp hơn 13 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo cho 1.981 đối tượng; hỗ trợ đào tạo nghề hơn 17.100 người, đạt 90% kế hoạch, giảm 10% so với năm 2020; giải quyết việc làm gần 23.150 người (tăng 5% so với năm 2020).
Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các chính sách của Trung ương với tổng kinh phí hơn 162 tỷ đồng.
Tỉnh Hà Tĩnh đã đón tổng cộng 2.817 công dân trở về quê với kinh phí gần 2,2 tỷ đồng. Đợt 1: 824 công dân bằng phương tiện tàu hỏa; Đợt 2 tổ chức 5 chuyến bay đón 1.013 công dân; Đợt 3: 433 công dân, trong đó có 323 người phụ nữ mang thai. Sau đó, tổ chức 21 chuyến xe đưa đón với hơn 547 người.
Tỉnh đã hỗ trợ 260 triệu đồng cho 130 phụ nữ Hà Tĩnh sinh con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam; hỗ trợ 760 thùng sữa và nước trái cây cho 515 bà bầu trở về từ Tp.HCM và các tỉnh phía Nam trị giá trên 300 triệu đồng.
PV: Theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt của việc đón công dân trở về quê?
Ông Võ Trọng Hải: Không để ai bị bỏ lại phía sau, chúng tôi xác định mấu chốt là nhiệm vụ “đón nguồn lây nhiễm lớn” nhưng vẫn kiểm soát được tình hình. Cụ thể: Trước khi lên tàu hỏa, ô tô và máy bay phải có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong vòng 48 giờ, thực hiện nghiêm 5K trong suốt hành trình.
Tỉnh đã phối hợp với tổ chức GIZ thuộc CHLB Đức hỗ trợ đào tạo nghề 500 lao động bị mất việc làm, với mức hỗ trợ 8,4 triệu đồng/người; tổ chức 27 phiên giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.269 lao động. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 470.070 kg gạo đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ thiếu đói thuộc địa bàn cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Hà Tĩnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động với 147.957 lượt người với 173,924 tỷ đồng. Kịp thời khánh thành 2 nhà máy may xuất khẩu giải quyết cho gần 2 vạn lao động phổ thông.
PV: Ông có thể đánh giá sơ bộ về kết quả phòng chống dịch song song với ổn định kinh tế và an sinh xã hội?
Ông Võ Trọng Hải: Thứ nhất, không để dịch xâm nhập vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 5,5% (mục tiêu 9%). Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khá, trong đó xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7%; nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50%; thu ngân sách đạt gần 14.900 tỷ đồng, vượt 22% dự toán tỉnh giao, tăng 17% so với năm 2020.
May mắn nhất chính là 2021 là một năm không có bão lũ, nông dân được mùa, giá cả nông sản khá ổn định.
Như đã phân tích ở trên, trọng tâm phải là cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ Y học dự phòng đến mỗi người dân. Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định, muốn thực hiện tốt phòng chống dịch phải thực hiện an sinh xã hội. Có an dân mới chống dịch hiệu quả. Đó chính là bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất của tỉnh Hà Tĩnh.
PV: Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!
"Không để ai bị bỏ lại phía sau, chúng tôi xác định mấu chốt là nhiệm vụ "đón nguồn lây nhiễm lớn" nhưng vẫn kiểm soát được tình hình". |
Quốc Hoàn - Thúy An
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Tết Nhâm Dần 2022