Năm 2020 là một năm của những khó khăn, thách thức, đây cũng là năm các cấp Hội Luật gia Việt Nam đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra. Nhân dịp năm mới Tân Sửu, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam về kết quả hoạt động Hội trong năm qua và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền. (Ảnh Hữu Thắng). |
Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật
PV: Thưa Chủ tịch, năm 2020 vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, Chủ tịch đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?
TS.Nguyễn Văn Quyền: Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Thường trực Trung ương Hội và từ yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội và của địa phương, các đơn vị, chi hội trực thuộc Trung ương Hội và Hội Luật gia các tỉnh, thành phố vẫn kịp thời, chủ động xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội, gắn với nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Các cấp Hội đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương, lồng ghép tốt hoạt động công tác Hội với công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị. Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được triển khai kịp thời và có hiệu quả. Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp tục được các cấp hội triển khai thực hiện có hiệu quả, đã tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhiều đối tượng, mô hình trung tâm Pháp luật cộng đồng bước đầu triển khai có hiệu quả.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin, tuyên truyền được các cấp hội quan tâm đẩy mạnh, nhất là chú trọng việc thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân... Trong số những kết quả nói trên, có thể nói, nổi bật nhất là công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
PV: Thời gian qua, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, Hội Luật gia Việt Nam đã ghi nhận nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Xin Chủ tịch cho biết những kết quả nổi bật từ việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước?
TS.Nguyễn Văn Quyền: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Quan điểm, tư tưởng của Người đã, đang và sẽ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động cách mạng của Hội.
Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước được Hội Luật gia Việt Nam đẩy mạnh và đi vào thực chất, hiệu quả. Phong trào thi đua 5 năm qua có bước tiến bộ rõ nét.
Nhiều phong trào thi đua theo chuyên đề đã có sức lan toả mạnh mẽ như: Mỗi hội viên luật gia là một cộng tác viên tuyên truyền pháp luật; Đưa pháp luật về cơ sở và giúp người dân tiếp cận pháp luật; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở...
Hội thảo đánh giá về mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở các cấp Hội, trong đó có mô hình trung tâm Pháp luật cộng đồng tại TP.HCM tháng 10/2020. |
Bên cạnh đó là các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện lớn của đất nước và của Hội Luật gia Việt Nam như: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII; Đại hội nhiệm kỳ của các cấp hội địa phương, chi hội trực thuộc; kỷ niệm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam và ngày thành lập các tỉnh, thành Hội; chào mừng Đại hội Đảng các cấp; Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc...
Các cấp Hội cũng chú trọng việc lồng ghép giữa nội dung phong trào thi đua của Hội với các phong trào thi đua yêu nước do Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương phát động như: Thi đua đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau...
Từ kết quả các phong trào thi đua, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III, trong đó 69 tập thể và 98 cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 đã được Hội khen thưởng.
Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý
PV: Năm 2020, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với học viện Ngoại giao và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông đồng tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 12 về Biển Đông. Chủ tịch đánh giá như thế nào về tầm ảnh hưởng của hội thảo đến việc thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông?
TS.Nguyễn Văn Quyền: Điểm nổi bật của hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid - 19. Hình thức này đã tạo điều kiện cho nhiều đại biểu tham gia, thu hút được số lượng kỷ lục các diễn giả, phản biện tham dự (300 đại biểu tham dự trực tiếp, hơn 400 đại biểu tham dự trực tuyến).
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên hội thảo mời nhiều nhà báo quốc tế tham dự với vai trò diễn giả, thảo luận về vai trò của truyền thông trong định hình nhận thức của công chúng đối với tình hình Biển Đông. Điều này thể hiện sự đánh giá vai trò quan trọng của truyền thông đến tình hình Biển Đông và cũng là minh chứng về sự cởi mở cho truyền thông về các vấn đề liên quan đến Biển Đông ở Việt Nam.
Chủ đề của hội thảo lần này là “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” đã thể hiện cách tiếp cận “thực tiễn” của hội thảo trong bối cảnh có nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến Biển Đông như việc diễn giải luật pháp quốc tế vì lợi ích riêng không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, tiến hành các hoạt động quân sự hóa Biển Đông và cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn làm cho tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, gây trở ngại đến các giải pháp ngoại giao nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác; Những chuyển biến tích cực từ việc nhiều quốc gia ven Biển Đông làm rõ hơn lập trường pháp lý ở Biển Đông thông qua các công hàm được trao đổi tại Liên Hợp Quốc.
Toàn cảnh hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hoà bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Học viện Ngoại giao và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông đồng tổ chức. |
Hội thảo đã góp phần khẳng định sự cần thiết phải nêu cao tinh thần đối thoại, thúc đẩy, tăng cường hợp tác, cùng phát triển, cùng tìm các giải pháp hòa bình cho những quan điểm khác biệt và tranh chấp giữa các quốc gia liên quan ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
PV: Trong bối cảnh 2021 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, vậy Hội Luật gia Việt Nam đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào cho các cấp Hội, thưa Chủ tịch?
TS.Nguyễn Văn Quyền: Để tiếp tục đạt được nhiều thành tích và có những đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và thích ứng với tình hình dịch bệnh. Hội Luật gia Việt Nam cần bám sát định hướng, quan điểm, đường lối; đổi mới phương pháp làm việc; nỗ lực, cố gắng để triển khai, thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
Nâng cao nhận thức của các cấp Hội và hội viên về tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị, Kết luận số 19- KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư; Thông báo Kết luận số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 21-CT/TTg ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình số 350/CTr-HLGVN ngày 25/10/2019 của Hội Luật gia Việt Nam về triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 50-TB/TW ngày 7/7/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp; Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 và thực hiện nghiêm các Nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Chủ động triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất được Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương giao; Chú trọng mở rộng và thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm và có thế mạnh như: Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại; Tham gia cải cách tư pháp, cải cách hành chính... Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá, hoàn thành tốt Đề án “Xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”.
Triển khai thực hiện Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 770/QĐ-TTg ngày 5/6/2020.
Tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Hội Luật gia Việt Nam với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hiệp hội Luật gia các nước ASEAN (ALA), Hội Luật gia các nước và các tổ chức quốc tế khác mà Hội đã có mối quan hệ.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19.
PV: Ngày 2/3/2021 tới đây, Tạp chí Đời sống & Pháp luật kỷ niệm tròn 20 năm ngày ra số báo đầu tiên, Chủ tịch đánh giá như thế nào về sự phát triển, trưởng thành và những đóng góp của Tạp chí trong những năm qua?
TS.Nguyễn Văn Quyền: Tạp chí Đời sống & Pháp luật (trước đây là báo Đời sống & Pháp luật) là một trong những Tạp chí có uy tín, số lượng phát hành lớn trên phạm vi toàn quốc với nội dung hấp dẫn, đề cập đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... đã thật sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy của độc giả trong và ngoài nước.
Tạp chí Đời sống & Pháp luật là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, Tạp chí tập trung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học; phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia tư vấn, phản biện, góp ý các chính sách pháp luật, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài công tác chuyên môn, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí đã làm tốt công tác xây dựng Đảng; xây dựng chi hội Luật gia, chi hội Nhà báo ngày càng phát triển. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội Luật gia Việt Nam, công tác xã hội, từ thiện và đền ơn đáp nghĩa...
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra số báo đầu tiên, thay mặt lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, tôi nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và kết quả mà tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã đạt được và xin chúc Tạp chí ngày càng phát triển. Qua đây, tôi xin chúc độc giả của Tạp chí sức khỏe, nhiều niềm vui - đã, đang và sẽ mãi mãi cùng đồng hành với Đời sống & Pháp luật.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Hương Lan
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 11 số