(ĐSPL) - Sau khi có thư bảo lãnh thanh toán giả, Tâm đã mua trả chậm 135 tấn thức ăn nuôi cá, trị giá 1,5 tỉ đồng của Công ty Dachan Việt Nam.
Theo tin tức trên báo Pháp Luật TP HCM, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác đơn kêu oan, y án sơ thẩm 14 năm tù đối với Nguyễn Văn Tâm (chủ DNTN Tâm Thịnh); tám năm tù đối với Đào Thị Ánh Hồng, Lê Đức Minh; sáu năm tù đối với Bùi Sơn Đông về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Văn Tâm (đứng) tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Pháp Luật TP HCM) |
Theo HĐXX, lời kêu oan của các bị cáo cũng như lời bào chữa của luật sư không có cơ sở nên HĐXX bác.
Trong vụ án này còn có bị cáo Trần Quốc Việt bị TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm phạt tổng cộng 10 năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng không kháng cáo.
Báo Tuổi Trẻ thông tin, Nguyễn Văn Tâm là chủ doanh nghiệp Tâm Thịnh (Mang Thít, Vĩnh Long), kinh doanh nuôi trồng thủy sản, quá trình làm ăn, công ty bị thua lỗ phải nợ nần.
Để tiếp tục kinh doanh, ông Tâm liên hệ nhiều cá nhân và tổ chức tìm ngân hàng để vay tiền hoặc cấp chứng thư bảo lãnh thanh toán mà không cần thế chấp tài sản và ký quỹ để được công ty bán cho thức ăn nuôi cá.
Sau đó, ông Tâm tìm và bàn bạc, yêu cầu Trần Quốc Việt (nguyên nhân viên giao dịch của một ngân hàng tại TP.HCM); Đào Thị Ánh Hồng (giám đốc Công ty XNK Vietsin Rosa ở quận 1, TP.HCM); Lê Đức Minh (nhân viên môi giới vay vốn ngân hàng) và Bùi Sơn Đông (chạy xe ôm) làm cho một chứng thư bảo lãnh thanh toán trị giá 3 tỉ đồng để Tâm mua thức ăn chăn nuôi trả chậm của công ty Dachan với giá dịch vụ là 240 triệu đồng.
Sau khi có được chứng thư, Tâm dùng chứng thư (không biết là giả) của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Phú Thọ để mua trả chậm 135 tấn thức ăn cho cá trị giá 1,5 tỉ đồng.
Khi phát hiện chứng thư giả, công ty Dachan đã báo cho Tâm biết, Tâm đi báo công an nhưng không được thụ lý. Sau đó Dachan đi báo công an và ông Tâm bị khởi tố, xét xử.
Cũng theo báo Pháp Luật TP HCM, tại hai phiên tòa sơ, phúc thẩm, Tâm đều kêu oan rằng hoàn toàn không biết thư bảo lãnh trên là giả mà cứ nghĩ là thật. Tâm khai nhờ các bị cáo khác làm thư bảo lãnh này vì muốn được mua thức ăn cho cá trong khi không còn tài sản thế chấp.
Luật sư của Tâm thì nói hiện CQĐT vẫn chưa điều tra làm rõ được ai là người cung cấp thư bảo lãnh giả. Tâm có mục đích là mua thức ăn cho cá chứ không cố tình làm thư bảo lãnh giả để chiếm đoạt tiền của Công ty Dachan Việt Nam. Tâm nợ Công ty Dachan Việt Nam thì sẽ trả. Đây là quan hệ dân sự chứ không thể hình sự hóa.
Luật sư cũng nêu thêm tình tiết Tâm từng tố cáo một đối tượng làm giả thư bảo lãnh đến Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) vào tháng 10-2012. Trong vụ án hình sự đó, Tâm là người bị hại. Vì vậy không có khả năng Tâm biết đây là chứng thư bảo lãnh trong vụ án này là giả mà lại sử dụng.
NINH LAN (Tổng hợp)