Chính phủ vừa có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kiến nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 cho Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Tại văn bản này, Chính phủ cho biết, hiện tại vốn điều lệ của VEC rất thấp, có 1.115 tỷ đồng so với quy mô đầu tư khoảng 108.865 tỷ đồng. Do vậy, VEC gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược phát triển đến năm 2030.
Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 14.890 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 17.053 tỷ đồng, đặc biệt đối với nguồn vốn có chi phí sử dụng vốn thấp như nguồn vốn vay thương mại, phát hành trái phiếu công trình; cũng như tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo thực hiện cam kết với khách hàng, đối tác tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, đảm bảo cơ sở thực hiện khấu hao, hạch toán kế toán đối với tài sản là đường bộ cao tốc, phát huy vai trò nòng cốt/dẫn dắt trong hoạt động đầu tư/quản lý khai thác vận hành đường bộ cao tốc.
Do đó, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC là cần thiết và cấp bách, thực hiện đúng chủ trương/nhiệm vụ được giao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo hoàn thành Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Trong 3 năm từ 2021 - 2023, tổng doanh thu của VEC khoảng trên 20.556 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 3.469 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.015 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ
Để có cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC, Thủ tướng Chính phủ trân trọng đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 cho VEC.
VEC được Bộ GTVT thành lập từ năm 2014 để thay mặt Nhà nước đầu tư, quản lý, bảo trì và tổ chức thu phí các tuyến đường cao tốc quốc gia.
Hiện VEC làm chủ đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc, chiều dài 550 km, gồm cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Tổng mức đầu tư cả 5 tuyến này lên đến 108.865 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 44.4%, còn lại là VEC huy động.
Trong tổng số 5 tuyến cao tốc, có 4 tuyến đi vào hoạt động, chỉ riêng cao tốc Bến Lức - Long Thành chưa đưa vào sử dụng.
Về mặt kinh doanh, Chính phủ khẳng định VEC được đánh giá là “doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả”. Trong 3 năm từ 2021 - 2023, tổng doanh thu của VEC khoảng trên 20.556 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 3.469 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.015 tỷ đồng; không phát sinh các khoản nợ quá hạn. Xếp loại doanh nghiệp 3 năm 2021, 2022, 2023 loại A.
Như vậy, kết quả sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ và cấu trúc tài chính của VEC chuyển biến tích cực.
Tại Tờ trình này, Chính phủ nêu, mức vốn điều lệ xác định lại cho VEC giai đoạn 2024 - 2026 là 39.366 tỷ đồng, trong đó 38.251 tỷ đồng bổ sung từ các nguồn như Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp là 1.562 tỷ đồng, còn 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước đã giải ngân đầu tư xây dựng 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
Bao gồm, 10.062 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước; 24.127 tỷ đồng vốn ODA tại các dự án cao tốc đã thực hiện theo hình thức chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách Nhà nước; 2.500 tỷ đồng vốn cấp phát ngân sách Nhà nước cho dự án Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được Kho bạc Nhà nước đối chiếu xác nhận.
Về căn cứ pháp lý xác định khoản tiền vốn 36.689 tỷ đồng là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT đã có ý kiến số tiền mà Bộ này giao kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án của VEC đã được giải ngân, được Kho bạc Nhà nước kiểm soát, phần vốn vay lại chuyển thành cấp phát đã được Bộ Tài chính đối chiếu, xác nhận.
Như vậy, số tiền 36.689 tỷ đồng thuộc nguồn vốn đầu tư công, cụ thể là nguồn ngân sách Nhà nước chi cho đầu tư công theo Luật đầu tư công.
Cũng tại Tờ trình này, Chính phủ cho rằng, theo quy định Luật Đầu tư công không có nội dung quy định việc bố trí vốn cho các dự án và chuyển thành cấp vốn điều lệ cho các doanh nghiệp Nhà nước. Mặt khác, pháp luật hiện hành chưa có quy định về chuyển vốn ngân sách Nhà nước cấp phát thành tăng vốn điều lệ.
Theo đó, mức vốn điều lệ dự kiến đầu tư bổ sung cho VEC là 38.251 tỷ đồng, việc quyết định chủ trương đầu tư bổ sung thuộc thẩm quyền của Quốc hội đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Với cơ sở trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ GTVT để đầu tư dự án số tiền 36.689 tỷ đồng thành cấp phát ngân sách Nhà nước và 2.500 tỷ đồng vốn Nhà nước cho dự án Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình để chuyển thành vốn điều lệ cho VEC.