Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chiêng Ê-đê đi đánh xứ người

(DS&PL) -

Cồng chiêng được ví như linh hồn, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân Ê-đê ở Đắk Lắk. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo của Tây Nguyên.

Cồng chiêng được ví như linh hồn, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân Ê-đê ở Đắk Lắk. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo của Tây Nguyên. Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Unesco công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có

Người Ê-đê quan niệm, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Trong sử thi Đam San của người Ê-đê, cồng chiêng thể hiện rất rõ vai trò của nó, phản ánh sâu sắc mọi mặt đời sống, sinh hoạt của người Tây Nguyên mà ít sử thi nào có được. Cồng chiêng gắn với mọi sinh hoạt của cộng đồng buôn làng như: Mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu, cưới hỏi, ca ngợi chiến công của người anh hùng... Đồng thời, cồng chiêng cũng thể hiện sự giàu có, niềm kiêu hãnh, uy tín của cá nhân và buôn làng.

Với người Ê-đê, cồng chiêng vừa thiêng liêng nhưng cũng vừa gần gũi, phản ánh mọi mặt đời sống, sinh hoạt.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, cồng chiêng có thể là “hậu duệ” của đàn đá. Trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã có khí cụ đá: Cồng đá, chiêng đá, chiêng tre, cho tới thời đại đồ đồng mới có chiêng đồng. Cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức như một dàn nhạc, điều đặc biệt trong dàn nhạc này, mỗi người chỉ đánh một chiếc cồng hoặc chiêng.

“Cồng chiêng Ê-đê xuất phát từ chiêng tre. Sau này, chiêng đồng mới được đưa lên Tây Nguyên. Xa xưa, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là tài sản vô giá của các gia đình khá giả. Với người Êđê nhà nào không có cồng chiêng thì nhà đó chưa giàu. Do đó, nhiều người đã dùng trâu, bò, voi – những tài sản quý giá nhất để đổi lấy cồng chiêng”, nghệ nhân ưu tú Y Bhiông Niê (SN 1939, trú tại buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột).

Theo ông Y Bhiông Niê, cồng chiêng vừa thiêng liêng nhưng cũng vừa gần gũi với người Ê-đê. Nó không chỉ phản ánh mọi mặt đời sống, sinh hoạt khi có chuyện buồn vui, khi trút hơi thở cuối cùng và trong lễ bỏ mả cũng phải có tiếng Cồng tiếng chiêng. “Cái hồn của cồng chiêng gắn liền với đời người Ê- đê. Theo quan niệm của người dân, nếu một người sinh ra, lớn lên đến khi chết mà không có cồng chiêng thì không chỉ tủi thân mà còn gặp những điều không may mắn, không được thần linh che chở. Cứ như thế, cồng chiêng là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của người Ê-đê. Nếu thiếu cồng chiêng thì chẳng khác nào thiếu cơm ăn, nước uống trong cuộc sống của người Ê-đê”, ông Y Bhiông nói.

Liên quan đến cồng chiêng còn có một câu chuyện kỳ bí khác rằng, khi tiếng cồng chiêng vang lên, những con voi to lớn trông hung dữ giữa đại ngàn bỗng trở nên hiền lành, ngoan ngoãn, tuân theo sự điều khiển của nài.

Bước qua phong tục để bảo tồn văn hóa truyền thống

Theo phong tục của người Ê-đê, cồng chiêng là nhạc cụ dành riêng cho nam giới, còn phụ nữ và trẻ em không được phép đánh. Thế nhưng, thấu hiểu được những giá trị truyền thống, hàng chục năm nay, bà HRíu Hmok (trú tại buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), luôn trăn trở và tìm cách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng nữ.

Ông Y Bhiông Niê tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại một dịp liên hoan văn hóa cồng chiêng. 

Nhờ am hiểu tường tận chiêng Jhô, bà HRíu được giao làm Đội trưởng đội chiêng nữ nhánh Êđê Bih của thị trấn buôn Trấp, huyện Krông Ana. Với trọng trách được giao phó, bà HRíu luôn nỗ lực phát huy vai trò và trách nhiệm, thường xuyên cùng với các chị em trong đội luyện tập, tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội. Nhờ vậy, đến nay phụ nữ Ê-đê Bih vẫn còn lưu giữ được những bài chiêng cổ. Các bài chiêng này được đội biểu diễn ở trong nước, trên thế giới và nhận được lời khen.

Với bà HRíu, việc được đánh chiêng giống như hít thở khí trời, như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Trên hành trình gắn bó với cồng chiêng, bà HRíu ấn tượng nhất là năm 2006, đội chiêng Jhô buôn Trấp được cử đi biểu diễn tại Italia. “Với nhiệm vụ mang bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, giới thiệu với bạn bè quốc tế nên mọi người trong đội vừa mừng, vừa lo. Tuy nhiên, khi tiếng chiêng ngân vang trong buổi biểu diễn, chứng kiến hàng nghìn người chăm chú lắng nghe, chúng tôi càng xúc động và rất tự hào”, bà HRíu kể.

Để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, bà HRíu cùng các thành viên đội chiêng nữ đã tích cực đến các hộ gia đình có con gái trong buôn vận động họ tham gia. Đồng thời, mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, buôn Trấp đã có thêm đội chiêng nữ trẻ.

Không riêng gì bà HRíu, hơn 20 năm nay nghệ nhân ưu tú Y Hiu Niê Kđăm (trú tại phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) đã rong ruổi đến nhiều buôn làng Tây Nguyên để “truyền lửa” cho hàng trăm học trò. Theo nghệ nhân Y Hiu, truyền thống của người Ê-đê, chỉ người trưởng thành mới được sử dụng chiêng và chỉ nam giới mới được đánh chiêng, còn trẻ em và nữ giới cấm kỵ. Nhưng hiện nay, nghệ nhân biết đánh chiêng ngày càng ít đi, người biết chỉnh chiêng lại càng hiếm nên việc đào tạo cho lớp trẻ trẻ biết đánh chiêng cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Vì lẽ đó, dù nam hay nữ, già hay trẻ, chỉ cần yêu thích cồng chiêng và kiên trì học ông đều sẵn sàng truyền dạy miễn phí.

Lo sợ trước nguy cơ mai một văn hóa cồng chiêng, thời gian qua nghệ nhân Y Bhiông Niê đã đề xuất với chính quyền từ buôn đến tỉnh nên bảo tồn bằng cách, mở lớp dạy cho con trẻ. “Lúc đầu, có rất ít người ủng hộ, chỉ có vài buôn ủng hộ nhưng mấy năm nay, tỉnh Đắk Lắk đã khởi động phong trào chỗ nào còn người biết là còn tổ chức đào tạo đánh cồng chiêng cho các lớp trẻ. Nhờ đó, không chỉ những người lớn tuổi, mà trẻ em từ 10-13 tuổi đã đánh chiêng đơn giản nhất là chiêng tre, khi đã đánh thành thạo chiêng tre thì lớn lên mới đánh được chiêng đồng. Thậm chí, nhiều. Kinh cũng rất ham mê. Điều đó rất đáng quý, bản thân tôi rất vui vì cồng chiêng đã trở lại với buôn làng”, ông Y Bhiông tâm sự.

5 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 26 bộ chiêng cùng 358 bộ trang phục truyền thống cho những đội chiêng tiêu biểu ở các buôn trong tỉnh. Việc truyền dạy cồng chiêng cũng được triển khai, xúc tiến mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở với 124 lớp, thu hút gần 2.000 học viên tham gia, trong đó lực lượng thanh thiếu niên chiếm khoảng 70%...

Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, trong tiếng cồng, tiếng chiêng, từ nhỏ nghệ nhân dân gian Y Mip Ayun (tên thường gọi là Ama Kim, 77 tuổi, trú tại buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột) ông đã cùng đội chiêng buôn Kô Siêr đi biểu diễn khắp các tỉnh thành trong nước. Ông cũng là một trong những người góp công đầu đưa âm hưởng, linh hồn của âm nhạc Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế như: Lào, Campuchia, Đan Mạch, Pháp, Đức,...

Khánh Ngọc 

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5(21)

Tin nổi bật