Hong Kong (Trung Quốc) thời gian qua vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch Zero COVID-19 và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, sự bùng phát của biến thể Omicron gần đây lại đang gây áp lực nặng nề lên chiến lược Zero COVID-19 và người dân tại Hong Kong.
Các chuyên gia đã ví chiến lược Zero COVID-19 hiện nay của Hong Kong giống như một hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức và gây hại cho những người cần được bảo vệ. Trong đó, người dân dường như đã cảm thất mệt mỏi với cảnh xếp hàng dài đợi xét nghiệm COVID-19, các cơ sở cách ly chật kín và hình ảnh bệnh nhân nằm kín giường.
Số ca mắc COVID-19 hàng ngày tại Hong Kong đã tăng đột biến gấp 60 lần trong tháng này, điều này khiến giới chức Hong Kong gần đây phải sửa đổi các chính sách đẩy lùi dịch bệnh của mình. Dù vậy, các chức trách vẫn tiếp tục nhắm đến mục tiêu Zero COVID-19.
Người dân Hong Kong xếp hàng đợi xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Bloomberg
Các nhà dịch tễ học nhận xét tác động của các biện pháp không khoan nhượng sẽ vẫn duy trì trong một thời gian.
Các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt của Hong Kong đã hạn chế số ca mắc COVID-19 tại khu vực này ở mức khoảng 40.000 người với 259 trường hợp tử vong, ít hơn nhiều so với các thành phố lớn khác. Trong khi đó, Singapore, với 5,7 triệu dân, đã báo cáo hơn nửa triệu trường hợp mắc COVID-19 và khoảng 900 trường hợp tử vong.
Trong điều kiện Zero COVID-19, chính quyền Hong Kong về cơ bản đã đóng cửa biên giới và đưa tất cả những người dương tính với SARS-CoV-2 không có triệu chứng nhập viện, đồng thời cách ly những người tiếp xúc gần với F0. Một người có ít hoặc không có triệu chứng có thể nằm viện trong nhiều tuần sau đó được chuyển đến cơ sở cách ly thêm vài tuần trước khi trở lại cuộc sống bình thường.
Trong Khi đó, những người khác ở Hong Kong vẫn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường với một số hạn chế.
Người đứng đầu đặc khu Hong Kong Carrie Lam khẳng định Hong Kong "không đầu hàng trước virus" và việc ngăn chặn ổ dịch "là điều tối quan trọng" hiện nay. Đồng thời, bà kêu gọi người dân Hong Kong thông cảm với những bất tiện do chiến lược Zero COVID-19 hiện nay.
Tiến sĩ David Owens, đồng sáng lập của phòng khám OT&P ở Hong Kong cho biết: "Zero COVID-19 ban đầu là chiến lược tốt nhất cho Hong Kong nhưng hiện nay không còn phù hợp nữa".
Ông giải thích: "Một khi đã có các biện pháp tiêm chủng hiệu quả, khung và chính sách Zero COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương. Chiến lược này không chỉ phi khoa học mà còn làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe dân số một cách nghịch lý".
Khi biến thể mới của COVID-19 có khả năng lây truyền cao thách thức hệ thống chăm sóc sức khỏe và sự kiên nhẫn của cộng đồng, các cơ quan chức năng đã thực hiện một bước chuyển đổi tinh tế từ loại trừ sang giảm thiểu, điều chỉnh chính sách thường xuyên, dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng sẵn có của giường bệnh và phòng cách ly.
Bệnh nhân được xếp giường nằm ngoài phòng bệnh tại một trung tâm y tế tại khu vực Sham Shui Po, Hong Kong hồi giữa tháng 2. Ảnh: Studio Incendo.
Những bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng bây giờ có thể đến các cơ sở cách ly hoặc thậm chí tự cách tại nhà và những người tiếp xúc gần với F0 cũng có thể cách ly tại nhà.
Nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe đang gặp áp lực cực kỳ lớn khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh.
Một số nhà dịch tễ học cho biết, các kế hoạch xét nghiệm hàng loạt từ tháng tới có thể sẽ không hiệu quả, nếu không giới chức không quyết định đóng cửa cửa toàn thành phố giống như Trung Quốc đại lục làm. Tuy nhiên, bà Carrie Lam đã loại bỏ khả năng này.
Peter Collignon, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Quốc gia Úc, nhấn mạnh: "Zero COVID-19 không thể duy trì mãi mãi". Ông nói thêm rằng việc bám sát vào mục tiêu "có thể dẫn đến việc phân bổ nguồn lực kém".
Các nguồn lực truy vết, xét nghiệm, điều trị và kiểm dịch vẫn tập trung vào toàn bộ ca nhiễm thay vì ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, chẳng hạn như người cao tuổi, gây ra sự thất vọng trên diện rộng.
Một số nhà dịch tễ học lo ngại rằng Zero COVID-19 có thể khuyến khích sự tự mãn và hy vọng sai lầm của những người già chưa được tiêm chủng rằng thành phố có thể hết sạch virus và tiếp tục như vậy. Hơn 60% cư dân trên 80 tuổi tại Hong Kong chưa được tiêm chủng, mặc dù khoảng 85% dân số tại đây đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Các quán bar, phòng tập thể dục và thẩm mỹ viện đã đóng cửa một thời gian và nhiều người đã không thể duy trì công việc của mình. Khoảng 900.000 sinh viên phải nghỉ học, trong khi hầu hết mọi người đã tiếp tục làm việc tại nhà giống như hồi đầu năm 2020.
Một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế có thể sẽ thu hẹp lại trong năm nay sau khi hồi phục hồi hồi năm ngoái. Các nhà tâm lý học nhận xét sự cô lập và không chắc chắn về kinh tế đang dẫn đến mối đe dọa của một đại dịch sức khỏe tâm thần.
Người dân Hong Kong cũng đang cảm thấy mệt mỏi với những quy định phòng dịch nghiêm ngặt này. Trong đó, một cư dân 41 tuổi đã phải trải qua 5 tuần điều trị ở bệnh viện và cách ly theo yêu cầu của chính phủ chia sẻ: "Thật điên rồ và tàn nhẫn. Không nơi nào khác trên thế giới đang làm điều này"
Hong Kong đã cũng đã đề nghị Bắc Kinh giúp đỡ trong công tác phòng dịch. Hơn 100 triệu bộ test nhanh đang được vận chuyển và các nhà chức trách có kế hoạch đẩy mạnh việc xét nghiệm, xây dựng thêm các cơ sở cách ly và đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm trong tháng này.
Nhưng một số chuyên gia y tế dự báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày tại Hong Kong sẽ tăng vọt lên tới 30.000 người vào cuối tháng 3 tới. Hôm 18/2 vừa qua, Hong Kong đã ghi nhận 3.629 ca mắc COVID-19.
Các nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong đã cảnh báo rằng chỉ một đợt phong toả hoàn toàn tốn kém, kéo dài hàng tháng mới có thể loại bỏ hoàn toàn được virus. Trong khi kế hoạch này sẽ đưa thành phố trở lại như cũ vào tháng 12, Omicron vẫn có thể tiếp tục tấn công và gây ra một làn sóng dịch nghiêm trọng nữa.
Người dân Hong Kong nói thêm rằng họ đã bắt đầu mất niềm tin vào chiến lược phòng dịch này. Trong đó, Hang Tang (39 tuổi) chia sẻ: "Chính phủ muốn đạt được Zero COVID-19, điều này về cơ bản đã khiến người dân gặp nhiều rắc rối và bối rối hơn, bởi vì tôi tin rằng không có loại virus nào có thể bị tiêu diệt hoàn toàn".
Minh Hạnh (Theo Reuters)