Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chỉ tiêu xét tuyển sớm ngày càng tăng, nhiều học sinh "vụt mất" cơ hội

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Nhiều học sinh mất đi cơ hội vào đại học khi chỉ tiêu xét tuyển sớm ngày càng tăng. Bởi khi đó, chỉ tiêu dành cho xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ ít hơn.

Xét tuyển sớm là phương thức được nhiều trường đại học áp dụng, nhằm tuyển được nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Học sinh diện tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế…), học sinh diện tuyển thẳng theo quy định riêng của các đại học (xếp loại giỏi các trường chuyên, trường THPT chất lượng…), học sinh có điểm học bạ cao kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ… Nhiều trường nhận hồ sơ xét tuyển sớm rất sớm, từ tháng 1 hàng năm.

Xét tuyển sớm ảnh hưởng tiêu tực đến giáo dục phổ thông

Thông tin trên báo Thanh Niên, việc nhiều trường tuyển sinh theo phương thức xét tuyển sớm đã ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông.

Cụ thể, được biểu hiện qua việc một số học sinh học thêm với thầy cô đang dạy trên lớp để mong đạt điểm cao khi kiểm tra, thi cử;

Một số thầy cô kiểm tra và chấm bài "nới lỏng tay" để giúp học sinh có lợi trong tốt nghiệp và tuyển sinh đại học;

Học sinh đã trúng tuyển sớm có tâm lý lơ là việc học, vì chỉ cần thi đủ điểm đỗ tốt nghiệp;

Bên cạnh đó, học sinh có xu hướng chọn tổ hợp Khoa học xã hội ngày càng nhiều (năm 2023 và 2024 là 67%), vì dễ có điểm cao hơn khi chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên.

Xét tuyển sớm ảnh hưởng tiêu tực đến giáo dục phổ thông. Ảnh minh họa 

Những tác động tiêu cực này đã dẫn đến một số địa phương mặc dù có thứ hạng trung bình điểm thi và tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thấp nhưng tỷ lệ trúng tuyển đại học cao.

Kết quả 10 địa phương có học sinh trúng tuyển đại học cao năm 2022 và 2023 cho thấy, bên cạnh một số địa phương có kết quả thi tốt như Bình Dương, TP.HCM, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, vẫn có địa phương kết quả thi chưa tốt nhưng vẫn nằm trong top 10, như Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hưng Yên, Thừa Thiên-Huế.

Nhiều học sinh bị "vụt mất" cơ hội vì xét tuyển sớm

Bàn luận về xét tuyển sớm trên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Đình Phương, Tổ trưởng chuyên môn tổ Toán - Tin, Trường THCS và THPT Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, song hành với thuận lợi, xét tuyển sớm cũng tồn tại không ít những mặt trái.

Xét tuyển sớm giúp các trường đại học chủ động hơn, thí sinh cũng có thêm lựa chọn vào trường đại học, ngành học yêu thích. Khi biết được kết quả trúng tuyển sớm, thí sinh giảm áp lực, có thể tập trung thời gian vào những việc khác.

Tuy nhiên, xét tuyển sớm từ trước khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có tác động tiêu cực đến việc dạy và học ở giai đoạn cuối của học kỳ II lớp 12.

Đặc biệt việc đánh giá, cho điểm trong học bạ có thể xuất hiện mức độ chủ quan khác nhau theo đặc trưng từng vùng miền, trường học. Do vậy, nếu xét tuyển phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả học bạ, chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học sẽ không đảm bảo.

Song hành với thuận lợi, xét tuyển sớm cũng tồn tại không ít những mặt trái. Ảnh minh họa 

Đồng quan điểm với thầy Phương, Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, nhiều học sinh sẽ mất đi cơ hội vào đại học khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển sớm ngày càng tăng lên. Bởi khi đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng ít hơn.

Không công bằng với học sinh các vùng miền

Cũng theo vị lãnh đạo trên, xét tuyển sớm tạo ra sự không công bằng đối với học sinh các vùng miền. Hiện nay khoảng 60% dân số Việt Nam sống ở vùng nông thôn.

Đối với phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ, học sinh ở thành phố thuận lợi hơn vì dễ dàng tiếp cận với trung tâm luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ. Ngược lại, học sinh dân tộc thiểu số sẽ gặp khó khăn trong việc ôn luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ. Muốn cạnh tranh suất vào đại học, thí sinh vùng sâu, vùng xa chỉ có thể thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt điểm thật cao vì cơ hội không còn nhiều.

Thực tế cũng cho thấy, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chủ yếu tổ chức ở các thành phố lớn và có điều kiện đi lại thuận lợi. Đơn cử như năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ tổ chức ở ba địa điểm là Hà Nội, Đà Nẵng và Quy Nhơn. Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung đa phần ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình... Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc chỉ có điểm thi tại Thái Nguyên.

Một vấn đề nữa đặt ra là lệ phí thi, thường dao động từ 300.000-500.000 đồng/lần thi. Vì vậy, không phải học sinh nào cũng có điều kiện để dự thi, nhất là đối với học sinh vùng sâu vùng xa, học sinh có điều kiện khó khăn.

Vị hiệu trưởng này cho rằng, cần giảm tỉ lệ xét tuyển sớm lấy kết quả của những hình thức thi này vì chưa đảm bảo sự công bằng, khách quan với tất cả các thí sinh.

Từ đó, các trường đại học nên xét kết hợp nhiều tiêu chí, và điểm học bạ chỉ là một điều kiện trong số tiêu chí đó. Việc này cần thiết để đảm bảo chất lượng đầu vào, tăng sự tin cậy và công bằng cho người học.

Tin nổi bật