Rau chùm ngây giờ đang được coi là loại rau thời thượng do có giá trị dinh dưỡng cao. Nhiều người lùng mua rau này cho con nhỏ ăn mà không biết tác hại mặt trái của nó.
Lợi ích của cây chùm ngây
Chùm ngây vốn là loài cây mọc hoang nhưng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. |
Chùm ngây vốn là cây mọc hoang ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận… Hiện, loại cây này trở thành "thần dược" được rất nhiều gia đình ưa chuộng như một giải pháp dinh dưỡng tối ưu do được chứng minh là chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị cao.
Chẳng hạn, hàm lượng K trong 100g của chuối là 88mg còn với chùm ngây là 259mg (chùm ngây gấp hơn 3 lần).
Đặc biệt chùm ngây có chứa hàm lượng can xi cao gấp 4 lần sữa, vitamin A cao hơn cà rốt 4 lần và vitamin C gấp 7 lần quả cam...
Bên cạnh giá trị dinh dưỡng cao, chùm ngây còn là nguồn dược liệu quý. Các bộ phận của cây như lá, thân, rễ, hạt chứa nhiều khoáng chất quan trọng và là nguồn cung cấp chất đạm, vitamin, Beta – carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolics… Ngoài ra chùm ngây còn có nhiều chất chống oxy hóa và các chất kháng sinh, chất chống viêm nhiễm... Loại cây này có nhiều chất có khả năng ngăn ngừa khối u, u xơ tiền liệt tuyến, đào thải độc tố, giúp ổn định huyết áp, bảo vệ gan và chống lại căn bệnh tiểu đường.
Chính vì vậy mà nhiều người tìm mua rau chùm ngây để bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Có những nơi bán với giá “cắt cổ”, từ 80.000 đồng – 100.000 đồng/kg.
Rau chùm ngây được nhiều người ưa chuộng và tìm mua. Ảnh minh họa |
Tác hại của việc ăn rau chùm ngây không đúng cách
Tuy nhiên, bất cứ loại thực phẩm nào khi đưa vào thực đơn bữa cơm cũng cần cân nhắc về số lượng và chất lượng. Ăn quá nhiều rau chùm ngây trong thời gian dài sẽ không tốt cho sức khỏe.
- Không nên ăn quá nhiều rau chùm ngây vì loại cây này có nhiều dưỡng chất, hàm lượng vitamin C và canxi. Nếu ăn nhiều dẫn đến thừa canxi, vitamin C, gây những hậu quả xấu cho sức khỏe.
- Tránh ăn chùm ngây vào buổi tối để đảm bảo giấc ngủ của bạn vì chùm ngây gây mất ngủ.
- Phụ nữ có thai không nên ăn chùm ngây: Như đã nói ở trên, trong rau chùm ngây có alpha – sitosterol gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Phụ nữ có thai, nhất là giai đoạn đầu, tuyệt đối không nên ăn rau chùm ngây để giữ an toàn cho thai nhi và mẹ.
Lạm dụng chùm ngây sẽ mang đến hậu quả không tốt cho sức khỏe. |
Còn sau sinh, ăn rau chùm ngây lại rất tốt. Lá cây kích thích tiêu hóa, là nguồn thức ăn tốt cho bà mẹ mới sinh và trẻ sơ sinh.
Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ càng không nên lạm dụng chùm ngây. Một tuần chỉ nên dùng 3 bữa rau chùm ngây, mỗi bữa từ 20 – 30gr là hợp lý.
Những lưu ý khi chế biến, bảo quản rau chùm ngây
Giống như nhiều loại rau khác, khi chế biến mọi người không nên nấu quá kỹ, chỉ nên nấu chín tới vì dễ làm mất hương vị và chất dinh dưỡng trong lá rau chùm ngây. Ngoài ra, rau đã có độ ngọt nên không cần cho quá nhiều bột ngọt hay đường làm mất đi độ ngọt tự nhiên của rau.
Mọi người nên sử dụng lá chùm ngây tươi, tốt nhất là vừa tuốt ra khỏi cây. Nếu bảo quản tủ lạnh không nên để lâu và phải bọc kín để tránh bay hơi nước khiến lá héo già, mất chất dinh dưỡng.
Nếu nhiều lá không dùng hết ngay thì nên phơi khô trong bóng râm, nơi thoáng gió. Lá chùm ngây phơi khô, tán bột có thể để được rất lâu mà không mất dinh dưỡng, sử dụng cho nhiều món ăn như cháo, bột dinh dưỡng trẻ em, bột bánh, pha nước uống.
Một số cách sử dụng rau chùm ngây:
- Rau sống: Lá chùm ngây có thể trộn ăn sống như rau xà lách.
- Nấu canh: Lá chùm ngây 100g + thịt bò (hoặc lợn) 50g, hoặc lá chùm ngây 100g + Nấm hương 50g nấu canh ăn.
- Nước sinh tố: Lá chùm ngây 20g + cà phê 2 muỗng + dứa vừa đủ, xay thành sinh tố uống.
Minh Khôi (T/h)