Cháu trai cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon bị tuyên án 6 tháng tù ở Mỹ vì kế hoạch hối lộ để bán tòa nhà Keangnam Landmark 72 tại Việt Nam cho quỹ đầu tư quốc gia Qatar.
"Dennis" Bahn bị kết án 6 tháng tù vì tội hối lộ. Ảnh: Reuters |
Joo Hyun “Dennis” Bahn, công dân Hàn Quốc sống tại Mỹ, đã bị Thẩm phán Edgardo Ramos ở Manhattan kết án tù. Trước đó, vào hồi tháng 1/2018, Bahn đã nhận tội có âm mưu hối lộ và vi phạm luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ. Hiện luật sư của người này vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức.
Trong lời khai của mình, Joo Hyun “Dennis” Bahn thừa nhận rằng trong năm 2014 và 2015 đã tìm cách dàn xếp một vụ hối lộ để đảm bảo vụ chuyển nhượng của tòa nhà Landmark 72 tầng ở Hà Nội do tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises Co Ltd của Hàn Quốc là chủ sở hữu. Cha của Bahn, ông Ban Ki-sang, là một lãnh đạo quản lý của công ty này.
Ông Bahn cho biết ông đã trả khoản tiền hối lộ 500.000 USD cho một quan chức tại quỹ đầu tư quốc gia của Qatar - thông qua một nhân vật trung gian là nhà thiết kế thời trang và blogger ở New York có tên Malcolm Harris. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng theo lời khai của Bahn, Harris không có liên hệ nào với bất kỳ quan chức Qatar nào và đã bỏ túi số tiền đó.
Các công tố viên của Mỹ cũng buộc tội ông Ban Ki-sang vì đã nhờ con trai mình dàn xếp thương vụ tòa nhà Landmark 72 tầng để giúp Keangnam vượt qua được khủng hoảng về thanh khoản.
Ông Ban Ki-moon từ lâu được kỳ vọng sẽ ra tranh cử Tổng thống Hàn Quốc nhưng ông đã thông báo hồi tháng 2/2017 rằng ông sẽ không tham gia cuộc chạy đua và chỉ trích "các tin tức thất thiệt" về ông và gia đình.
Liên quan đến vụ bê bối mới nhất, luật sư của “Dennis” Bahn cho biết trong một lá đơn gửi tòa án hồi tháng Tám rằng thân chủ của ông không có mối quan hệ thân thiết với người bác Ban Ki-moon của mình. Trong khi đó, Harris đã nhận tội rửa tiền và gian lận từ hồi tháng Sáu, bị kết án 3 năm 6 tháng tù.
Tòa Keangnam Hanoi Landmark Tower do công ty Keangnam Enterprise xây dựng. Công ty này cũng là chủ sở hữu của công trình với số vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD. Tòa Keangnam Hà Nội gồm 72 tầng, cao 330 m và diện tích sử dụng lên đến 610.000 m2, được hoàn thành từ năm 2011. Tuy nhiên, 2 năm sau, chủ sở hữu của tòa nhà quyết định rao bán vì những khó khăn về tài chính, gồm món nợ 530 tỷ won từ chi phí xây dựng. Đến tháng 3/2015, Keangnam Enterprise tuyên bố phá sản. Sau đó 1 tháng, chủ tịch Sung Wan-joong tự tử và để lại danh sách những người từng nhận hối lộ của ông, gồm các chính trị gia hàng đầu Hàn Quốc. Cũng trong tháng đó, thông tin rao bán tòa Keangnam Hà Nội xuất hiện trên truyền thông Hàn Quốc với lời đồn đại rằng Qatar sẽ mua lại tòa nhà. Tuy nhiên, Qatar khẳng định không có ý định mua lại và thông tin về vụ giao dịch trị giá hàng trăm triệu USD là giả. Vào thời điểm đó, theo định giá của tòa án Hàn Quốc, tòa nhà có thể được bán với giá khoảng 800 triệu USD. |
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Reuters)