Trước sự gia tăng trở lại của số ca mắc và tử vong do COVID-19, các quốc gia tại châu Âu đã áp dụng các biện pháp phòng dịch mới từ phong toả những người chưa tiêm chủng đến hạn chế các dịch vụ công cộng và tăng độ phủ vaccine.
Ở Tây Âu, khoảng 60% người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ trong khi đó, tỷ lệ này tại Đông Âu chưa đạt tới 50%.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16/11, số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu đã tăng lên 5% trong tuần trước, khiến châu lục này là nơi duy nhất ghi nhận tỷ lệ tử vong tăng trên thế giới. Dưới đây là những biện pháp phòng dịch kiểu mới mà các nước châu Âu đã áp dụng để đẩy lùi dịch bệnh.
Mạnh tay với người chưa tiêm chủng
Ngày 18/11 (theo giờ địa phương), quyền Thủ tướng Angela Merkel cho biết, Đức sẽ áp dụng quy định mạnh tay đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, tại những khu vực có hơn 3 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện trong tổng số 100.000 người, chỉ những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và những người đã được chữa khỏi COVID-19 mới được đến nơi công cộng.
Bundestag, Hạ viện Đức, ngày 18/11 đã bỏ phiếu ủng hộ các hạn chế mới kể trên trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19. Các kế hoạch này sẽ cần được thông qua ở Thượng viện trước khi được áp dụng.
Nhiều quốc gia châu Âu đang mạnh tay với người chưa tiêm chủng. Ảnh: AP
Đề xuất về các biện pháp hạn chế mới còn được áp dụng đối với nơi làm việc và phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, người dân muốn lên phương tiện giao thông hoặc tới chỗ làm cần có chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã khỏi COVID-19, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Các biện pháp được đề xuất bởi ba đảng dự kiến sẽ thành lập liên minh tiếp theo là đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh.
Trước đó, cơ quan y tế Đức đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng khi số ca mắc COVID-19 mới trong ngày tại quốc gia này lên tới 65.371 trường hợp, cao nhất kể từ đầu mùa dịch. Ông Lothar Wieler, Giám đốc Viện Robert Koch, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Đức cho biết: "Chúng ta đang tiến tới một trình trạng vô cùng khẩn cấp".
Theo đó, ông Wieier kêu gọi đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ mức 67,7% như hiện nay lên trên mức 75%. Ở một số vùng tại Đức, tỷ lê tiêm chủng vấn còn thấp hơn mức trung bình, ở khoảng 57,6%.
Ngoài ra, Giám đốc viện Robert Koch cũng đề nghị đóng cửa các quán bar và câu lạc bộ, chấm dứt các sự kiện quy mô lớn và hạn chế quyền tiếp cận các địa điểm khác đối với cả những người đã tiêm vaccine và khỏi bệnh.
Bà Angela Merkel nhận định làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đang tấn công nước Đức với "toàn lực", đồng thời mô tả đại dịch đang diễn biến phức tạp tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo các thành phố.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn kêu gọi các y bác sĩ không nên quá "khắt khe" và máy móc khi phải đợi tới đúng 6 tháng mới tiến hành tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.
Ngoài Đức, nhiều quốc gia khác tại châu Âu cũng đã áp dụng quy định cấm người chưa tiêm vaccine tới các nơi công cộng ngay cả khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Nhiều nước châu Âu đang tìm cách đối phó với làn sóng dịch COVID-19 mới. Ảnh: AP
Trước đó, ngày 15/11, chính phủ Áo cũng đã ban hành một quy định nghiêm ngặt đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, những người từ 12 tuổi trở lên tại Áo chỉ được phép tham gia các hoạt động thiết yếu như đi làm, tham gia lớp học, mua sắm tạp hóa hoặc đi dạo. Còn lại, những người chưa tiểm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 tại Áo không được phép tham dự các hoạt động cộng đồng.
Để đảm bảo quy định này, Áo đã triển khai lực lượng cảnh sát tuần tra và những người không tuân thủ quy định sẽ bị phạt tới 1.450 euro (khoảng 1.656 USD). Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng tại Áo là 64%. Thủ tướng Alexander Schallenberg đã gọi tỷ lệ này là "thấp một cách đáng xấu hổ".
Cộng hoà Czech cũng đang lên kế hoạch áp dụng các biện pháp tương tự khi làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát tại nước này.
Chính phủ Slovakia đang trong thời điểm bỏ phiếu cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế với người chưa tiêm chủng. Trong số các biện pháp được đề xuất, những người chưa được tiêm chủng sẽ bị cấm đến tất cả các cửa hàng không thiết yếu, trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục, hồ bơi và khách sạn. Họ cũng sẽ không được phép tham dự bất kỳ buổi tụ họp công cộng nào như các sự kiện thể thao.
Áp dụng lại một phần biện pháp phong toả
Để đối phó với sự gia tăng đột biến trong số những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, chính phủ Hà Lan đã tiến hành phong toả một phần vào ngày 13/11, dự kiến kéo dài trong ít nhất ba tuần. Theo lệnh phong toả này, các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa lúc 20h.
Viện y tế công cộng của nước này hôm 16/11 cho biết tỷ lệ các ca dương tính đã tăng khoảng 44% lên ngưỡng 110.558/tuần, đánh dấu số ca mắc trong tuần cao nhất từng ghi nhận tại Hà Lan từ đầu mùa dịch.
Nhiều nước có kế hoạch áp dụng lại một phần quy định phong toả để đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: AP
Trong khi đó, Italy cũng bắt đầu triển khai những biện pháp phòng dịch theo tình hình mới. Theo bộ hạn chế mới, các chuyến tàu có thể phải dừng hoạt động trong trường hợp bất kỳ hành khách nào xuất hiện triệu chứng COVID-19. Ngoài ra, tất cả các tài xế taxi bắt buộc phải có thẻ xanh hợp lệ và chỉ được chở tối đa 2 hành khách ở ghế sau.
Tại Ireland, các biện pháp phòng dịch mới đã được chính phủ ban hành vào tới 18/11. Trong đó, người dân Ireland được yêu cầu làm việc tại nhà nếu không cần thiết phải đến cơ quan. Yêu cầu đối với thẻ xanh COVID-19 (dựa trên việc tiêm phòng hoặc phục hồi) được mở rộng áp dụng cho các rạp chiếu phim và nhà hát. Thời gian đóng cửa đối với tất cả các cơ sở được cấp phép, bao gồm cả khách sạn, sẽ chuyển sang nửa đêm.
Những người đã được tiếp vaccine ngừa COVID-19 nếu tiếp xúc gần F0 sẽ phải hạn chế di chuyển và đợi đến khi có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính.
Tại Thuỵ Điển, một trong những nơi đầu tiên gỡ bỏ phong toả COVID-19 tại châu Âu, dự kiến sẽ áp đặt trở lại một số hạn chế. Theo chính phủ nước này, từ ngày 1/12 tới, để tham dự bất kỳ sự kiện nào có hơn 100 người, người dân cần có thẻ xanh COVID-19, để chứng minh rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ hoặc đã khỏi bệnh trong 6 tháng. Tính đến nay, quy định này chỉ được Thuỵ Điển áp dụng với khách du lịch.
Bên cạnh các biện pháp trên, toàn bộ các quốc gia cũng đang đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng cho người dân để nhanh chóng đẩy lùi COVID-19.
Minh Hạnh (Theo Euro News)