Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Châu Âu đối mặt làn sóng di cư quá tải từ Ukraine

(DS&PL) -

Chiến dịch quân sự của quân đội Nga có thể buộc nhiều người dân ở Ukraine phải di dời khỏi đất nước trong mùa đông này, cũng như việc Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với sự gia tăng số lượng người di cư từ các khu vực khác.

Polina Sydorenko, một sinh viên Ukraine 19 tuổi, trở lại Kiev vào cuối tháng 8 với niềm hy vọng và cả sự lo lắng, sau 5 tháng ở Italy với tư cách là người tị nạn. Tuy nhiên, kế hoạch về cuộc sống sinh viên tại một trường đại học danh tiếng ở Kiev đã bị hủy hoại một cách đáng buồn, Financial Times đưa tin. 

Chỉ vài tuần sau khi Sydorenko quay về, cuộc sống bình thường mới ở Kiev đã bị phá vỡ khi quân đội Nga liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công tên lửa mới vào một số thành phố và cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Ukraine, động thái được cho là "nguy hiểm nhất" kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. 

Trường đại học của Sydorenko tiếp tục đóng cửa, cô một lần nữa di dời đến Italy cùng với người bạn học. "Tình hình thật tồi tệ", Sydorenko chia sẻ, đồng thời cho biết rằng những người bạn Ukraine của cô ở Italy đã từ bỏ ý định quay trở về nhà. Tình hình ngày càng xấu hơn và họ không biết phải làm gì tiếp theo. 

Trong bối cảnh mùa đông ở châu Âu đang đến gần và Nga tiếp tục bắn phá các cơ sở điện nước của Ukraine, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho nhiều người Ukraine như Sydorenko quay trở lại.

Ylva Johansson, Ủy viên di cư của EU, cho biết: “Mục đích của ông Putin (Tổng thống Nga Vladimir Putin - PV) là tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn và gây thêm áp lực đối với chúng tôi".

Một người tị nạn Ukraine ôm con gái trong nhà ga xe lửa ở Przemysl, gần biên giới Ba Lan-Ukraine. Ảnh: Getty Images.

Đồng thời, khi các hạn chế phòng chống COVID-19 được nới lỏng và áp lực kinh tế gia tăng, châu Âu đang ghi nhận dòng người di cư mới đến từ Bắc Phi, Trung Đông và châu Á cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016, gây ra căng thẳng lớn cho khu vực. 

Cho đến nay, châu Âu vẫn duy trì chính sách mở cửa đối với người tị nạn Ukraine, nhiều người trong số họ đã trở về nhà sau khi cuộc tấn công ban đầu của Nga bị đẩy lùi.

Tuy nhiên, các cơ sở tiếp nhận người tị nạn ở nhiều quốc gia EU đang trong tình trạng quá tải và lo ngại về một cuộc di cư mới của Ukraine. Căng thẳng cũng đang gia tăng giữa các quốc gia thành viên của khối này về cách xử lý những người di cư bất thường - trường hợp không đáp ứng các yêu cầu pháp lý khi đến một quốc gia. 

Alberto-Horst Neidhardt, một chuyên gia về di cư tại nhóm chuyên gia tư vấn của Trung tâm Chính sách châu Âu, cho biết: “Những luận điệu chính trị xung quanh vấn đề nhập cư hiện đang leo thang khắp châu Âu, điều này nhấn mạnh những khó khăn mà nhiều quốc gia thành viên đang gặp phải trong việc đưa ra các giải pháp nhất quán.

Chúng tôi đang chứng kiến tình trạng khẩn cấp trong các hệ thống tiếp nhận người tị nạn ở nhiều nơi của EU. Viễn cảnh về dòng người mới từ Ukraine và các khu vực khác có thể gây căng thẳng nhiều hơn cho các quốc gia trong khu vực". 

Những người di cư từ châu Phi được chính quyền Tunisia tìm thấy ở biển Địa Trung Hải, ngoài khơi thành phố Sfax, miền Trung Tunisia, vào tháng 10. Gần 96.000 người di cư bất hợp pháp đã đến Italy qua Địa Trung Hải trong năm nay. Ảnh: Getty Images.

Số liệu được Financial Times trích dẫn cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, có 4,4 triệu đơn đăng ký của người Ukraine để được bảo vệ tạm thời tại EU. Ngoài ra, các quốc gia EU cùng với Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein đã nhận được 680.640 đơn xin tị nạn từ công dân của các quốc gia bao gồm Syria, Afghanistan và một số khu vực ở châu Phi và châu Á - tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Đức, nơi có hơn 1,1 triệu người đã đến để tìm nơi trú ẩn an toàn trong năm nay, các thị trấn đang tranh nhau thiết lập nơi trú ẩn khẩn cấp và chuyển đổi phòng tập thể dục cũng như ký túc xá do dư âm của cuộc khủng hoảng người tị nạn 2015-2016.

Các nhà vận động ở Bỉ cho biết có hàng nghìn người tị nạn sống trên đường phố Brussels, khi hệ thống tị nạn gặp khó khăn trong việc xử lý yêu cầu của họ.

Trong khi đó, người Ba Lan lo sợ về tình hình kinh tế và lạm phát, nên "họ ngày càng trở nên khó chịu với những ưu ái dành cho người tị nạn Ukraine", theo Piotr Buras, người đứng đầu văn phòng Hội đồng Đối ngoại châu Âu ở Warsaw.

Sydorenko là một trong số 173.000 người Ukraine chạy trốn xung đột tới Italy. Các gia đình Italy và các nhóm xã hội dân sự đã mở cửa, quyên góp đồ dùng và giúp các học sinh, sinh viên Ukraine tiếp tục chương trình học.

Bích Thảo (Theo Financial Times) 

Tin nổi bật