Sáng 7/3, hơn 5.000 học sinh TP.HCM tham dự kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 năm học 2022-2023. Với chủ đề "Gọi chữ vào trong chữ", đề thi này được nhiều học sinh, giáo viên đánh giá cao.
Sáng 7/3, hơn 5.000 học sinh TP.HCM tham dự kỳ thi học sinh giỏi lớp 12. Ảnh: Báo Phụ Nữ TP.HCM
Trong đó, ở câu số 1 đưa ra những vấn đề: trí tuệ nhân tạo (ChatGPT, robot…), thể hiện bản thân, khủng hoảng bản sắc, khoảng cách thế hệ, thể hiện bản thân, hội nhập toàn cầu, phải - trái, đúng - sai, áp lực đồng trang lứa, lựa chọn nghề nghiệp.
Từ dữ liệu đó, đề yêu cầu thí sinh lựa chọn một số từ ngữ ở trên, kết nối ý tưởng để tạo thành một vấn đề nghị luận mà mình quan tâm và viết bài bàn luận về vấn đề ấy.
Ở câu 2, đề dẫn đoạn trích:
Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hưởng dương đang bay hay lửa sao trong một vùng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu gộp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh "bóng hồng vàng" của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ... (Pautovsky, Bụi quý).
Từ chủ đề Gọi đời vào trong chữ và ý kiến trên, đề thi đặt câu hỏi thí sinh suy nghĩ gì giữa mối quan hệ giữa đời và chữ.
Đề thi học sinh giỏi văn lớp 12 ở TP.HCM nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Sau buổi thi, nhiều thí sinh tại TPHCM đánh giá đề thi này "đọc là thấy nhột" vì mỗi học sinh sẽ thấy vấn đề mình đang quan tâm hoặc mình gặp phải trong đó. Đề đưa ra nhiều vấn đề xã hội gần gũi, gắn liền với giới trẻ như ChatGPT, áp lực đồng trang lứa...
Nhận xét về đề thi với báo Dân Trí, một giáo viên dạy môn văn tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM chia sẻ, cuộc sống hiện đại luôn đặt ra nhiều vấn đề khiến con người phải trăn trở, suy tư. Đưa ra chủ đề Gọi đời vào trong chữ, đề thi muốn học sinh dùng những con chữ để bày tỏ nghĩ suy của mình trước những vấn đề thời đại và văn chương.
Giáo viên văn đánh giá đây là đề thi mở, mỗi học sinh có thể có một lựa chọn khác nhau, tùy vào suy nghĩ riêng của mình, miễn sao bài viết phải thể hiện góc nhìn của tuổi trẻ và mang hơi thở của thời đại. Đây là cách để môn văn tiệm cận với đời sống.
Với đề thi này, học sinh có thể thể hiện năng lực lí giải vấn đề và năng lực cảm thụ tác phẩm của mình - điều rất cần thiết để đánh giá một học sinh có thực sự giỏi văn hay không.
Ngoài nội dung, theo giáo viên này, hình thức đề thi có sự sáng tạo, mới mẻ, khơi gợi cảm hứng cho học sinh.
Ở góc độ học sinh, em Phạm Minh Thư, lớp 12CV1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ đề khá vừa sức với bản thân và tự tin mình có thể giải quyết 80% đề.
“Đề thuộc dạng mở, ở phần nghị luận xã hội em sẽ chọn lựa những từ khoá để liên kết các chủ đề. Phần nghị luận văn học gắn liền với thực tiễn cuộc sống nhưng cũng là phần để sàng lọc thí sinh”, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời Thư nói.
Em Nguyễn Thuỵ Đan, lớp 12A14 THPT Trưng Vương bày tỏ đề khá sát với những gì em được học trên trường.
"Tuy nhiên, thời gian làm bài quá ít so với yêu cầu của đề nên em làm không trọn vẹn. Với phần nghị luận xã hội, em thấy khá mới mẻ và gần gũi với học sinh nên có đất để tụi em thể hiện", Đan nhận xét.
Trong khi đó Phan Yến Vi, Trường THPT An Dương Vương cho rằng đề nghị luận xã hội khá giống với năm ngoái, thuộc dạng mở, nêu những vấn đề mà con người phải đối mặt trong cuộc sống xoay quanh chữ "TÔI'. Còn với đề nghị luận văn học, Vi thấy khó hơn năm ngoái.
Thủy Tiên (T/h)