Không chỉ tự tự bằng thuốc ngủ, nhiều lần cô con gái lớp 10 của anh Giang còn tìm đến cái chết bằng cách cố tình lao vào xe ô tô, nhảy lầu từ tầng 2 xuống… Anh sốc khi biết sự thật và vô cùng hối hận vì chưa bao giờ hiểu con.
Con 5 lần tự tử mà cha không hay biết
Anh Nguyễn Giang (43 tuổi, Hà Nội) hiện đang sống cùng cô con gái K.C. (lớp 10, một trường tư thục). Anh vốn là ông bố đơn thân được nhiều người biết đến khi từng chia sẻ câu chuyện “gà trống nuôi con” của mình lên mạng xã hội. Mới đây, anh tiếp được mọi người quan tâm khi chia sẻ câu chuyện về con gái mình nhằm cảnh tỉnh các bậc cha mẹ.
Anh Nguyễn Giang kể, hôm đó, anh đang đi làm thì bác giúp việc gọi cho anh những 10 cuộc để thông báo con gái anh nhập viện cấp cứu do uống thuốc ngủ quá liều. Tức tốc anh bỏ dở công việc để chạy vào với con, sau lần đó, gặng hỏi mãi anh mới biết con gái anh đã từng 5 lần tự tử nhưng không thành.
Thật ngẫu nhiên, anh hồi tưởng lại những lần tai nạn trước đây tất cả đều trùng lặp một cách ngẫu nhiên. Lần đầu tiên, con gái xin phép bố được mua chiếc smartphone đời mới, nhưng anh không đồng ý. Bởi lẽ: “Con mới lớp 10, dùng điện thoại xịn thế để làm gì”. Sau đó mấy hôm, con gái anh bị xe taxi đụng phải gãy tay. Tiếp đó là sự cố con anh đang phơi quần áo bị rơi từ tầng 2 xuống, lần đó là con gái anh đòi mua xe tay ga, anh không đồng ý vì muốn tự mình đưa đón con mỗi ngày…
Anh Giang sốc khi phát hiện con gái tự tử nhiều lần- Ảnh minh hoạ. |
Còn lần này, khi tìm hiểu anh mới biết con anh bị trầm cảm suốt một thời gian dài chỉ vì bị đám bạn nói xấu. “Con tôi khóc nói rằng, nó cảm thấy bị ức chế, mệt mỏi khi các bạn gọi nó là đồ không có mẹ, chảnh choẹ, suốt ngày làm màu… Nó không chịu đựng được nữa nên mới nghĩ tới cách tự tử. Cũng may, bác giúp việc kịp thời phát hiện, nếu không thì mọi việc quá muộn màng”, anh Giang cho hay.
Cũng từ hôm đó, anh Giang dành nhiều thời gian trò chuyện với con hơn. Anh không qúa khắt khe khi quát mắng con nhiều như trước. Anh hiểu, trước đây, anh cứ nghĩ là kiếm thật nhiều tiền, cho con thật nhiều thứ con thích, đưa đón con đến trường mỗi ngày con sẽ ổn nhưng sự thực thứ con cần chính là tình yêu thương của tôi- người thân duy nhất của nó ở Hà Nội.
Sau sự cố, anh Giang không chỉ yêu thương mà còn đồng hành cùng con. Anh sắp xếp thời gian cùng con đi du lịch, tham gia các khoá học trải nghiệm về tư duy cuộc sống để con mạnh dạn, chững chạc hơn trong mọi tình huống.
“Thực sự, đồng hành cùng con khá hiệu quả, con gái tôi sống cởi mở, tích cực hơn. Các bậc cha mẹ đừng chủ quan khi thấy con cười nói suốt ngày, có thể con bạn đang cố giấu tất cả vào trong đó. Đặc biệt với những đứa trẻ khiếm khuyết về mặt gia đình, hoặc bố mẹ quá bận rộn không có thời gian cho con cái, chắc chắn chúng rất cần sự yêu thương, gần gũi của cha mẹ”, anh Giang phân tích.
Hãy là bạn của con
Thời gian gần đây, có không ít sự việc học sinh tự tử khiến các bậc cha mẹ không khỏi hoang mang, lo lắng. Lý giải về nguyên nhân, chuyên gia tâm lý, Ths. Lê Thị Thảo (Trung tâm kỹ năng sống Rồng Việt) cho hay: “Nguyên nhân khiến một đứa trẻ tìm đến cái chết có rất nhiều, có thể khi bản thân các em không đủ khả năng thích ứng với môi trường, các em không tìm thấy bên đỗ bình an từ gia đình, các em không chịu nổi những áp lực vô hình từ nhà trường, cũng có nhiều em do bị phân biệt đối xử tại trường học…”.
Vị chuyên gia phân tích thêm: “Trong mỗi chúng ta luôn tồn tại hai dòng tư duy, tư duy tích cực và tư duy tiêu cực. Nó giống như một cuộc chiến, nếu mỗi ngày qua đi chúng ta để cho tư duy nào vận động nhiều hơn thì nó sẽ chiến thắng và chiếm lấy người đó. Tư duy tích cực khiến mỗi người yêu đời và đủ bản lĩnh vượt qua những vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng giữ vững được tinh thần. Nhất là những em đang ở trong lứa tuổi dậy thì, khi mà các em đang bước vào giai đoạn khủng hoảng, khi các em đang định hình nhân cách cá nhân”.
Cũng theo chuyên gia Lê Thị Thảo, điều quan trọng nhất là nền tảng gia đình. Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian chia sẻ và tôn trọng để giúp con vượt qua những vấn đề các gặp phải, để mỗi khi có vấn đề bên ngoài con có thể tìm về bên gia đình, con được lắng nghe và bình yên trở lại. Bản thân các em cũng cần tự trang bị cho mình có kỹ năng thích ứng với những thay đổi của môi trường sống. Tìm được những người bạn để có thể định hướng cho những hoạt động cá nhân.
“Quay về nội tại bên trong, mỗi khi gặp áp lực có thể tự vượt qua bằng những cách như: Viết nhật kí, vẽ tranh, đi du lịch, tập yoga, trò chuyện cùng người thân… chính những hoạt động đó giúp ta lắng mình lại để suy nghĩ và tìm ra giải pháp của vấn đề. Cuộc sống luôn có nhiều điều bất ngờ, phía cuối con đường luôn có ánh sáng, đừng vội vàng buông xuôi khi chưa thực sự cố gắng hết mình. Sống an nhiên cho mỗi ngày qua đi, vui từ những niềm vui bé nhỏ để hạnh phúc hơn mỗi ngày”, chuyên gia Lê Thảo đưa ra lời khuyên.
PHƯƠNG ANH