Mặc dù, kinh tế trong suốt những năm qua gặp khó khăn nhưng ngành ngân hàng vẫn luôn hoàn thành tốt vai trò là "huyết mạch" của nền kinh tế.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng luôn nỗ lực vượt khó cùng cộng đồng doanh nhân Việt, đặc biệt từ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới (2008) đến nay.
Là người giữ cương vị Tổng Giám đốc một trong 4 ngân hàng lớn nhất thị trường hiện nay, ông Lê Đức Thọ cùng đội ngũ cán bộ công nhân viên VietinBank luôn năng động sáng tạo tìm mọi cách vượt khó vươn lên, một mặt bám sát thị trường trong nước, mặt khác phát huy vị thế ngày càng cao của Việt Nam để tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu tư ra thế giới.
Tổng giám đốc VietinBank, ông Lê Đức Thọ. |
Năm 2008, tổng tài sản của VietinBank là 194.000 tỷ đồng thì đến 30/9/2014 con số này đã lên tới 630.000 tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng hơn 300\%).
Năm 2008, VietinBank nộp ngân sách 1.623 tỷ đồng thì năm 2013, con số này là hơn 4.000 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, VietinBank đang trên con đường trở thành Tập đoàn tài chính - ngân hàng hàng đầu Việt Nam, hội nhập sâu rộng thị trường thế giới.
VietinBank đang giữ vị trí số 1 tại Việt Nam, thu hút 2 nhà đầu tư lớn của nước ngoài là IFC (thuộc World Bank) và BTMU (Ngân hàng hàng đầu Nhật Bản) mua cổ phần, đồng thời đang hội nhập với thị trường khu vực và trên thế giới. Thương hiệu VietinBank đã hiện diện tại châu Âu với 2 chi nhánh tại Berlin và Franfurk, chi nhánh tại Lào.
VietinBank cũng nằm trong Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới ngành ngân hàng và là ngân hàng Việt Nam duy nhất vào Top 10 ngân hàng thế giới có giá trị thương hiệu tăng cao nhất. Đặc biệt, 2 năm liền (2012 – 2013), VietinBank nằm trong Top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Ngoài phát triển kinh doanh, VietinBank cùng cộng đồng doanh nhân Việt còn đóng góp cho cộng đồng, tham gia trực tiếp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ.
Đến nay, VietinBank đã dành hơn 4.500 tỷ đồng để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Từng CBNV, từng Chi nhánh và toàn hệ thống hướng về Trường Sa - Hoàng Sa bằng hành động thiết thực, dành hàng chục tỷ đồng cho lực lượng Cảnh sát Biển, xây bể chứa nước, Nhà văn hóa tại đảo Nam Yết…
Để làm được những thành công và đóng góp như trên, theo ông Lê Đức Thọ, doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng cần phải có kỹ năng chuyên biệt, trình độ học thuật cũng như nghiệp vụ chuyên nghiệp và khoa học, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập mà ngân hàng cần và buộc phải đáp ứng ngày một đầy đủ các chuẩn mực quốc tế. Doanh nhân dù ở lĩnh vực nào cũng phải có cái tâm vì cộng đồng, vì xã hội.
Đặc biệt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ nhắn nhủ đến những doanh nhân trẻ, mong muốn thế hệ doanh nhân trẻ tiềm năng của đất nước luôn có trí tuệ, sức mạnh và hoài bão - những yếu tố luôn cần hiện hữu trong nội tại mỗi doanh nhân Việt Nam.