Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Cầu vồng sau cơn mưa” của những bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ

(DS&PL) -

Không xe cộ ra vào náo nhiệt, không ồn ào người đón kẻ đưa, không gian phía sau cánh cổng bệnh viện 09 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) vô cùng tĩnh lặng.

Không xe cộ ra vào náo nhiệt, không ồn ào người đón kẻ đưa, không gian phía sau cánh cổng bệnh viện 09 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) vô cùng tĩnh lặng, thiếu vắng hơi ấm tình thân. Tuy vậy, ẩn sâu trong góc tối, những người gánh trên mình căn bệnh thế kỷ đang được điều trị tại đây vẫn le lói tia sáng lạc quan về tương lai.

“Sống sao cho ra sống”

Khi biết có phóng viên vào thăm hỏi, một số bệnh nhân tỏ thái độ khó chịu, bất cần, nhưng cũng có nhiều người sẵn sàng mở lòng, chia sẻ với chúng tôi về góc khuất cuộc đời họ. Sau ít phút ngại ngùng, bệnh nhân Trương Ngọc T. bộc bạch: “Tôi sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, bố mẹ mỗi người một nơi, tôi ở với bà nội từ nhỏ. Rồi vì chán chường, tôi ra ngoài xã hội, va vấp rồi mắc HIV lúc nào không hay”. Phát hiện mình mắc bệnh khi đang học trường giáo dưỡng, anh T. vô cùng buồn bã, chán nản. Năm 2001, bệnh tình nặng hơn nên anh được chuyển vào bệnh viện 09 điều trị.

Nhắc về phần ký ức đau buồn ấy, hai bàn tay anh T. đan chặt lấy nhau. Tưởng rằng phải sớm chia tay cuộc đời, nhưng may mắn đã mỉm cười với anh. “Sau khi điều trị, sức khỏe tôi bắt đầu tốt hơn, những bệnh nhiễm trùng cơ hội cũng không còn nữa.

Từ ngày vào viện đến giờ không có gia đình tới thăm nên tất cả mọi việc từ ăn uống, điều trị và cả ngày Tết cũng đều do bệnh viện chăm sóc, tôi coi nơi đây như gia đình thứ hai của mình. Nhiều khi nhìn những bệnh nhân khác có gia đình, người nhà đến thăm tôi cũng thấy cô đơn và buồn lắm, nhưng tôi còn may mắn hơn nhiều người vì mình vẫn còn cơ hội để tiếp tục sống”, anh T. tâm sự.

Một trường hợp khác cũng đang được điều trị HIV/AIDS tại đây là anh Nguyễn Quốc T. “Tôi phát hiện mình nhiễm HIV vào năm 2005. Thời điểm đó, tôi rất chán nản và nhìn mọi thứ bằng con mắt bi quan. Tôi chỉ muốn tất cả trôi qua thật nhanh để dẫn đến kết cục cuối cùng là cái chết. Cuộc sống cứ trôi dần, trôi dần khiến tôi rất bất lực”, anh T. trầm ngâm hồi tưởng.

Tuy nhiên, suy nghĩ trong anh đã thay đổi sau khi được chuyển vào viện và tiếp nhận điều trị: “Tôi nhận ra rằng cuộc sống này còn rất nhiều điều, gia đình cần tôi và chính bản thân tôi cũng nhận ra mình cần phải sống. Dù chỉ sống một ngày thôi tôi cũng phải sống sao cho ra sống, tự mình phải biết chăm sóc sức khỏe của bản thân”.

Điều khiến anh cảm thấy hạnh phúc nhất là trong lúc đau yếu, vẫn còn có gia đình bên cạnh sẻ chia, có những người bác sĩ tận tâm, an ủi, khuyên bảo anh vượt qua nỗi buồn đó. Cũng từ đó, người bệnh nhân này đã lấy lại niềm tin và biết mình cần phải vượt qua nỗi đau, sự mặc cảm về căn bệnh thế kỷ đang mang trong người.

Cái chết không còn là điều đáng sợ

Theo chia sẻ của các bác sĩ, số người bệnh có người thân chăm sóc trong bệnh viện tương đối hiếm hoi. Không ít người đến bệnh viện chỉ với một bộ quần áo đang mặc trên người, không tài sản, không người thân. Đến bệnh viện, họ mới có cái ăn, chỗ nằm và được chăm sóc, điều trị. Trông thấy chúng tôi, một nữ bệnh nhân đang nằm co quắp trên giường bệnh cố gượng dậy, thều thào nói: “Tôi vào đây cũng được một thời gian rồi, thú thực là chẳng còn nơi nào để đi nữa. Nếu không có bệnh viện, chắc tôi đã chết ở xó xỉnh nào rồi. Về nhà ư? Chẳng có ai muốn nhìn thấy tôi cả. Từ người thân đến hàng xóm láng giềng đều nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ thị. Chỉ có các bác sĩ ở đây là nhiệt tình, tận tụy, chưa bao giờ dè bỉu hay hắt hủi chúng tôi”.

Đối với những bệnh nhân giai đoạn cuối, cái chết không còn là điều đáng sợ. Người nhiễm HIV/AIDS thường trải qua 3 giai đoạn diễn biến tâm lý: Hoang mang lo lắng, Chấp nhận và cuối cùng là coi căn bệnh đó là số phận của mình. Trong khi đa số các bệnh nhân tại bệnh viện 09 đều đã bước sang giai đoạn tâm lý thứ 3. Vì thế cho nên, họ không còn hoảng loạn khi mường tượng ra kết cục đau đớn, cũng không quá đau buồn khi thấy “bạn cùng phòng” mãi mãi ra đi. Thậm chí, họ còn cho rằng đó là sự giải thoát cho tháng ngày chống chọi với bệnh tật. Điều khiến họ lo lắng là viễn cảnh nằm liệt giường liệt chiếu, cơ thể lở loét trong những ngày cuối đời và đau lòng nhất là không được người thân thừa nhận.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sĩ Nguyễn Huy Vinh, khoa Khám bệnh cho biết: “Việc điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV khó khăn hơn rất nhiều so với các bệnh nhân khác. Thứ nhất, tâm lý của những người mới phát hiện mình bị nhiễm HIV thường không ổn định. Họ thường rơi vào trạng thái hoảng sợ, lo lắng thậm chí là trầm cảm. Những người mới mắc bệnh hầu hết đều suy nghĩ rất tiêu cực, họ luôn nghĩ HIV là bệnh nan y, bệnh bị xã hội kỳ thị nên luôn cảm thấy sợ hãi. Bệnh nhân nhiễm HIV thường có tâm lý giấu giếm, e ngại nên việc chia sẻ giữa bác sĩ với bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn”.

Được biết, bện cạnh việc điều trị bằng thuốc, các bác sĩ tại đây còn dành thời gian ổn định tâm lý, hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc bản thân và tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Nhờ vậy, một cánh cửa hy vọng đã mở ra cho những kiếp người kém may mắn. Mỗi người trong số họ đều mang nỗi niềm riêng, có bất hạnh, có tủi hờn nhưng điều giá trị hơn cả có lẽ là niềm tin đang hồi sinh trong chính những bệnh nhân đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ này.

HOÀI ANH – THÙY CHUYÊN
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 101 

Tin nổi bật