Đóng

Cầu Hiền Lương điểm check-in không thể bỏ qua khi đến Quảng Trị

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Cầu Hiền Lương không chỉ là một chứng tích lịch sử của sự chia cắt đất nước mà còn là một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách thập phương đến tham quan và "check-in".

Quảng Trị, mảnh đất anh hùng gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, không chỉ nổi tiếng với Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vĩnh Mốc mà còn có một di tích lịch sử đặc biệt mang tên Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải. Đây không chỉ là một chứng tích lịch sử của sự chia cắt đất nước mà còn là một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách thập phương đến tham quan và "check-in".

Theo VOV, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải dài gần 183m. Cầu gồm 7 nhịp, mỗi nhịp dài gần 20m, sàn lát gỗ lim. Bờ Bắc có 450 tấm ván gỗ, bờ Nam gồm 444 tấm. Thành cầu phía Bắc sơn màu xanh và màu vàng phía Nam, vạch sơn trắng chia đôi mặt sàn cầu. Cầu Hiền Lương từng là biểu tượng về biên giới chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc dọc theo vĩ tuyến 17 trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975. Cây cầu gắn liền với các cuộc đấu tranh tâm lý – chính trị giữa hai miền…

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải dài gần 183m.

Từ một vùng đất từng hứng chịu bao tang thương, mất mát trong chiến tranh, Hiền Lương – Bến Hải hôm nay trở thành một dấu ấn đặc biệt trong bản đồ du lịch hòa bình của Việt Nam với nhiều di tích lịch sử. Bến Hải đi vào lịch sử là dòng sông ranh giới quân sự tạm thời sau Hiệp định Genève 1954. Dòng sông này chứng kiến nhiều cuộc giao tranh và đấu tranh hòa bình của nhân dân hai miền.

Kỳ đài Hiền Lương (Cột cờ Hiền Lương) là biểu tượng thiêng liêng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời chiến, cao khoảng 38,6m với lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh. Nhà Liên hiệp Hiền Lương, nơi diễn ra các cuộc hội đàm, trao đổi giữa hai miền Bắc – Nam dưới sự giám sát quốc tế, minh chứng cho các nỗ lực hòa bình trong thời kỳ chia cắt.

Cầu Hiền Lương từng là biểu tượng về biên giới chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc dọc theo vĩ tuyến 17 trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975.

Khu trưng bày tại đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải bao gồm các phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, phim tư liệu…, tái hiện sinh động cuộc sống, đấu tranh và ký ức của người dân hai miền. Làng Vĩ tuyến 17 và khu dân cư đôi bờ với di tích gắn với đời sống nhân dân thời kỳ chia cắt, ghi dấu những hoạt động “vượt tuyến”, tình cảm Bắc – Nam không thể chia lìa…

Chia sẻ trên báo Thanh niên, chị Nguyễn Thị Trà My, đến từ Quảng Trị, chia sẻ: “Đến thăm cầu Hiền Lương trong dịp trọng đại này, có rất nhiều cảm xúc đã ùa đến trong bản thân mình. Nhìn lá cờ giải phóng tung bay, mình một phần nào đó hiểu được những hy sinh, gian khổ mà quân dân ta đã phải trải qua để đất nước có được độc lập ngày hôm nay. Từ tận đáy lòng, mình xin gửi những lời tri ân chân thành nhất đến các thế hệ đi trước đã mang lại hòa bình, tự do cho chúng ta”.

Cây cầu lịch sử ở Quảng Trị lung linh bởi hệ thống đèn led được lắp đặt tại cầu. Ảnh: Báo Thanh niên.

Khi về đêm, cây cầu lịch sử ở Quảng Trị lung linh bởi hệ thống đèn led được lắp đặt tại cầu. Cầu được trang trí dải đèn led với 2 màu chủ đạo là xanh và vàng. 2 màu sẽ chạy sáng dần từ 2 đầu cầu, khi gặp nhau sẽ chuyển toàn bộ sang màu xanh. Hệ thống đèn khiến cây cầu thêm phần lung linh, huyền ảo, cũng khiến du khách thích thú và thu hút đông đảo người dân đến tham quan.

Tin nổi bật