Thông thường khu vực WC nữ được chị em sử dụng với rất nhiều việc phụ ngoài chức năng chính. Nào là tranh thủ trang điểm lại “tô son, dặm phấn”, nào thử quần áo mới mua trong giờ nghỉ trưa…Thời gian trong WC không chỉ tính bằng phút mà bằng nhiều phút nên chị em tha hồ thủ thỉ tâm sự.
Một số nơi cấm nhân viên dùng điện thoại cho việc riêng ở phòng làm việc thì WC lại trở thành nơi lý tưởng "buôn" điện thoại. Thùy Giang - nhân viên một công ty tài chính nhớ mãi sự cố trong WC cô gặp ngày mới vào làm việc.
Sau một cuộc họp đầu tuần với rất nhiều bức xúc do bị phê phán, Giang lao vào WC tranh thủ “gọi điện cho người thân” là cô bạn thanh mai trúc mã để xả "xì-trét". Sau mười lăm phút kể lể, cộng với việc vẽ ra bức chân dung của “bà trưởng phòng” xấu người, xấu nết, mặt mũi khó đăm đăm, chỉ giỏi phê bình nhân viên, Giang bước ra với tâm trạng thoải mái. Bất chợt cô đứng tim khi thấy chị trưởng phòng đang thản nhiên sửa tóc trước gương.
Giang đã tưởng không gặp người quen khi leo lên hẳn tầng trên để sử dụng WC của công ty khác, ai dè, chắc do phía dưới đông người quá nên chị trưởng phòng cũng lên đây. Dù bằng rất nhiều nỗ lực sau đó, Giang cũng không thể giành nổi thiện cảm của chị trưởng phòng. Cô ngậm ngùi xin sang phòng khác. Nhưng mỗi lần vào WC, Giang vẫn thấy giật mình.
Không chỉ Giang có thói quen “nói chuyện như chỗ không người” trong WC mà rất nhiều chị em thậm chí anh em trong công sở coi WC như một chỗ buôn chuyện điện thoại hoặc đưa tin vỉa hè vô tội vạ. Những câu chuyện không thể nói trong phòng làm việc, họ đem ra WC để bàn luận, thêm mắm dặm muối các tin vỉa hè. Và sẽ thật đáng tiếc nếu một ngày nhân vật chính trong câu chuyện của họ ẩn sau một cánh cửa nào đấy…
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet). |
Đó chính là câu cảm thán của cô lao công tại một văn phòng lớn. Cô thắc mắc không hiểu tại sao nhiều người ở đây trông bảnh bao sáng láng như thế nhưng ý thức sử dụng WC công cộng lại quá kém. Có lẽ đó là do chữ công cộng mà ra. Chứ nếu WC riêng của nhà mình, chắc họ không dám thế
Nhiều chị em mang cơm đến ăn xong đổ vào toa lét bừa bãi, thậm chí quá trình rửa làm tắc cả lavabo, không tháng nào là không phải gọi thợ thông tắc. Rồi việc đi giày bẩn không chịu lau vào thảm chùi chân, sử dụng giấy lãng phí, mở nước bắn tung tóe không ngày nào là không có. Để giữ được tình trạng sạch sẽ, thơm tho, chị lao công lúc nào cũng phải làm việc hết công suất
Chị kể có trường hợp một cô nhân viên văn phòng trông rất trẻ trung, sành điệu nhưng chị để ý hễ hôm nào vào WC là cũng làm nước chảy lênh láng ra sàn, lau rất mệt. Chị đánh bạo nhắc nhở thì nhận được một câu nói rất lạnh lùng: “Tôi không bày ra thì chị lấy đâu việc mà làm”. Đúng là văn hóa không phụ thuộc trình độ.
Chị lao công ngậm ngùi: “Tôi cũng là nhân viên thuộc văn phòng như mọi người, nhưng không ít người coi như ô sin của công ty. Họ tha hồ bày vô tội vạ để mình dọn dẹp. Đôi lúc thật sự thấy rất tủi thân”
Ý thức sử dụng các dịch vụ công cộng nói chung của dân ta cũng như ý thức sử dụng WC công cộng của dân công sở nói riêng thật sự cần rất nhiều "cải tiến".
Mong rằng dân công sở không chỉ bảnh bao chỉn chu nơi văn phòng đông người mà ngay cả khi vào chốn riêng tư “chỉ có mình ta” cũng cần thể hiện văn hóa công sở.