(ĐSPL) – Bị mắc hội chứng tự kỷ bẩm sinh nhưng cậu bé có khả năng đặc biệt “vẽ tranh như nói” lại chính là tác giả của một triển lãm tranh được tổ chức ở Hà Nội.
Nem mắc hội chứng tự kỷ bẩm sinh. Cậu bé không thể vui chơi, học tập bình thường như những đứa trẻ khác. Từ khi sinh ra tới thời điểm 1 tuổi, Nem không có khả năng bắt chước người lớn và sau đó gia đình nhận ra đó là những hội chứng tự kỷ.
Nem tập vẽ ở nhà. |
Khi Nem lên 2 tuổi, gia đình của Nem đã tiếp xúc với những phương pháp hỗ trợ con tự kỷ của Hội cha mẹ tự kỷ Hà Nội.
“Ban đầu tôi không hiểu con nhưng từ các phương pháp hỗ trợ con về phát triển thần kinh, tâm lý, giáo dục chuyên biệt tôi đã có thể hiểu được con mình”. Thời gian đầu, bố Nem là người hướng dẫn những nét vẽ đầu tiên. Vì vận động tinh và vận động thô kém, không tự tin vào bản thân nên bố mẹ Nem đã áp dụng phương pháp trị liệu RDI (can thiệp phát triển các mối quan hệ) xây dựng sự tự tin cho cậu bé. Sau đó mới nhờ cô giáo giúp Nem tự tin thể hiện nét vẽ của mình. Cậu bé vẽ như nói. Nhưng trong hội họa hình vẽ không được coi là tranh mà chỉ là nét vẽ. Nhu cầu vẽ nét của Nem như nhu cầu nói chuyện của mọi người – chị Nguyễn Lan Phương, mẹ của Nem cho biết.
Những bức vẽ của cậu bé ẩn chứa cả những phép toán cộng trừ nhân chia. |
Chị Nguyễn Lan Phương chia sẻ thêm: “Nem gặp khó khăn trong việc điều khiển bút lông. Vì thế cậu bé vẽ tốt các mảng màu lớn, còn các mảng màu nhỏ có thể không theo ý. Khi xem con trai vẽ tôi mới hiểu cháu có các rối loạn về cảm giác. Nem không có khả năng lọc thông tin và trong đầu lúc nào cũng chứa đựng rất nhiều hình ảnh lộn xộn. Đấy có thể là nguyên nhân khiến cậu bé luôn bị căng thẳng, mệt mỏi, chóng cáu giận, không phân biệt được hình ảnh chính. Trong khoảng 10 phút, Nem vẽ tràn 1 tờ A4 với đủ các loại hình ảnh nối tiếp nhau, trong đó có cả hình ảnh từ hôm qua, thậm chí từ tuần trước phản ánh lại những hình ảnh từ ipad, tivi...”.
|
Nói về triển lãm ảnh đầu tiên của trẻ tự kỷ, chị Phương cho biết, làm triển lãm với mong muốn chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong hành trình đồng hành với Nem cho các bậc phụ huynh thêm tích cực, lạc quan khi chăm sóc, giáo dục con tự kỷ. Kết nối với con, bước vào ‘tiểu thế giới’ và đưa các cháu hòa nhập cùng thế giới rộng lớn.
Hiện tại, Nem đang là học sinh lớp 3. Dù đang gặp những rắc rối về sức khỏe nhưng cậu bé vẫn có thể học được các môn như viết chính tả, làm tốt các phép toán cộng trừ và đang học phép nhân chia. Mỗi khi rảnh, cậu bé đều vẽ như một sở thích. “Ngoài sở thích vẽ tranh, Nem còn thích nghịch Ipad, Iphone, xem tivi, đọc sách (đặc biệt sách có nhiều hình ảnh), thích search tìm Logo, nghịch piano. Tôi thường xuyên hướng dẫn cháu tập các động tác thể dục, yoga để cháu có sức khỏe tốt và linh hoạt tay chân hơn.” – Chị Lan Phương chia sẻ.
Nem 9 tuổi nhưng mới học lớp 3. |
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Bà Nguyễn Hoàng Yến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết: “Trẻ tự kỷ có ba khó khăn: Tương tác xã hội, giao tiếp, tưởng tượng. Trẻ tự kỷ sợ chỗ đông người, ồn ào, các em luôn sống trong thế giới cứng nhắc. Có hai quan điểm trong cách dạy trẻ tự kỷ. Một là lôi các em ra khỏi thế giới của mình để hoà nhập. Hai là tạo một thế giới riêng cho các em như một số nơi tạo góc riêng để trẻ thoải mái làm bất cứ gì mình thích”.
Trong triển lãm giới thiệu 60 bức tranh của tác giả nhí Nem, tên thật là Hà Đình Chí (9 tuổi) ở Hà Nội thể hiện hành trình nỗ lực khám phá và giao tiếp với thế giới đầy màu sắc bên ngoài. Triển lãm còn là câu chuyện của Nem được thể hiện bằng đồ vật, hình ảnh, tranh vẽ với thông điệp “Mỗi trẻ em – Một tiểu thế giới”.
HUYỀN NGUYỄN
Xem thêm clip: 'Nóng' từ Hoàng Sa sáng ngày 22.5: Tàu TQ hung hăng, mở rộng phạm vi cản phá: